Chuyển giao quyền, nghĩa vụ thi hành án: Cần hướng dẫn cụ thể

(PLO) - Theo quy định của Luật Thi hành án dân sự (THADS), việc chuyển giao quyền, nghĩa vụ thi hành án đối với tổ chức được thực hiện trong các trường hợp tổ chức hợp nhất; sáp nhập; chia, tách; giải thể; phá sản và trường hợp doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi thành công ty cổ phần. Đối với cá nhân, trường hợp người được thi hành án, người phải thi hành án là cá nhân chết thì quyền, nghĩa vụ thi hành án được chuyển giao cho người khác theo quy định của pháp luật về thừa kế.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo Điều 365, Điều 370 Bộ luật Dân sự năm 2015 (BLDS năm 2015) chuyển giao quyền, nghĩa vụ dân sự là trường hợp người có quyền hoặc có nghĩa vụ không tự mình hưởng quyền hoặc tự mình thực hiện nghĩa vụ đã giao kết mà chuyển giao cho người khác thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình. Vấn đề chuyển giao quyền nghĩa vụ thi hành án được quy định chi tiết tại Điều 54 Luật THADS sửa đổi, bổ sung năm 2014 (Luật THADS); Điều 15 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật THADS (Nghị định số 62/2015/NĐ-CP); Điều 8 Thông tư liên tịch 11/2016/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC quy định một số vấn đề về thủ tục THADS và phối hợp liên ngành trong THADS (Thông tư liên tịch 11/2016/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC). 

Pháp luật hiện hành đã quy định tương đối cụ thể về vấn đề chuyển giao quyền, nghĩa vụ thi hành án. Tuy nhiên, trong thực tiễn áp dụng còn có một số vướng mắc như sau:

Thứ nhất: Trường hợp doanh nghiệp giải thể do bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh

Theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2014 (Luật DN) thì nghĩa vụ thi hành án được chuyển giao theo quy định của Luật DN. Điều 201, Điều 203 Luật DN đã quy định rõ ràng về các trường hợp và điều kiện giải thể doanh nghiệp và giải thể doanh nghiệp trong trường hợp bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký DN (GCN) hoặc theo quyết định của Tòa án.  Theo đó, DN chỉ được giải thể khi bảo đảm thanh toán hết các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác và doanh nghiệp không trong quá trình giải quyết tranh chấp tại Tòa án hoặc cơ quan trọng tài. Người quản lý có liên quan và DN quy định tại điểm d khoản 1 Điều 201 Luật DN (trường hợp DN giải thể do bị bị thu hồi GCN) cùng liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ của DN. Như vậy, một DN phải thi hành án nhưng đã bị cơ quan có thẩm quyền thu hồi GCN thì cơ quan THADS phải thực hiện nghĩa vụ chuyển giao các khoản nợ của DN cho người quản lý có liên quan để cùng liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ của DN.

Theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 50 Luật THADS, thủ trưởng cơ quan THADS ra quyết định đình chỉ thi hành án trong trường hợp người phải thi hành án là tổ chức đã bị giải thể, không còn tài sản mà theo quy định của pháp luật nghĩa vụ của họ không được chuyển giao cho tổ chức khác. Tuy nhiên, theo Điều 201 Luật DN thì người quản lý có liên quan cùng liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ của DN. Do đó, cần quy định rõ ràng về việc khi một tổ chức bị giải thể, không còn tài sản mà theo quy định của pháp luật nghĩa vụ đó không được chuyển giao cho tổ chức, cá nhân khác thì cơ quan THADS ra quyết định đình chỉ thi hành án. 

Thứ hai: Trường hợp chuyển giao nghĩa vụ thi hành án trong trường hợp người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đứng tên chủ sở hữu sử dụng tài sản chết:

Khoản 2 Điều 54 Luật THADS và điểm b khoản 1 Điều 15 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP đã quy định cụ thể về trường hợp người được thi hành án, người phải thi hành án là cá nhân chết thì quyền, nghĩa vụ thi hành án được chuyển giao cho người khác theo quy định của pháp luật về thừa kế. Tuy nhiên, đối với trường hợp người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đứng tên chủ sở hữu, sử dụng tài sản đảm bảo thi hành án chết (thường gặp trong các vụ việc tín dụng, ngân hàng) thì luật THADS lại chưa có quy định cụ thể. 

Đối với các tài sản đảm bảo thi hành án là tài sản thế chấp đứng tên sở hữu, sử dụng của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thường được thông qua hợp đồng ủy quyền hoặc bảo lãnh. Điểm đ khoản 3 Điều 140 BLDS năm 2015 quy định khi bên ủy quyền chết thì hợp đồng ủy quyền chấm dứt;  trường hợp bên bảo lãnh là cá nhân chết thì bảo lãnh chấm dứt, nghĩa vụ bảo lãnh được chuyển giao cho người thừa kế. Trường hợp nghĩa vụ được bảo lãnh là nghĩa vụ phát sinh trong tương lai thì phạm vi bảo lãnh không bao gồm nghĩa vụ phát sinh sau khi người bảo lãnh chết hoặc pháp nhân bảo lãnh chấm dứt tồn tại (khoản 4 Điều 336 BLDS năm 2015). Theo đó, có thể thấy khi người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đứng tên chủ sở hữu, sử dụng tài sản đảm bảo thi hành án chết được xác định là sự kiện pháp lý ảnh hưởng đến việc xử lý tài sản đảm bảo thi hành án, nhưng Luật THADS và các văn bản hướng dẫn thi hành chưa có quy định cụ thể về vấn đề này.

Chuyển giao quyền, nghĩa vụ thi hành án là một vấn đề phức tạp và có ý nghĩa quan trọng trong quá trình tổ chức thi hành án, do đó cần được tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện trong thời gian tới. 

Đọc thêm