Phối hợp giữa Tổng cục THADS và Tổng cục VIII : “Cây cầu” đưa chính sách khoan hồng đến sớm

(PLO) - Ngày 26/11/2015 Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) và Tổng cục Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ Tư pháp (Tổng cục VIII), Bộ Công an đã ký Quy chế phối hợp số 911 trong công tác thi hành án dân sự.
Cán bộ Cục THADS Khánh Hòa và cán bộ Trại giam A2 phối hợp thu tiền của phạm nhân.
Cán bộ Cục THADS Khánh Hòa và cán bộ Trại giam A2 phối hợp thu tiền của phạm nhân.

Theo đánh giá của đại diện Tổng cục VIII, việc thực hiện quy chế trên đã giúp phạm nhân có điều kiện thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ dân sự của mình, là cơ sở quan trọng để họ sớm được hưởng chính sách khoan hồng của Đảng, Nhà nước...

Đánh giá về kết quả bước đầu khi thực hiện Quy chế trên, Trung tướng Nguyễn Ngọc Bằng, Tổng cục trưởng Tổng cục VIII cho biết, trước khi có Quy chế 911 thì vào năm 2013, giữa Bộ Tư pháp, Bộ Công an, TANDTC, VKSNDTC  đã ký Quy chế phối hợp liên ngành nhằm tăng cường trách nhiệm phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong công tác THADS.

Tuy nhiên, sau khi có Quy chế số 911 thì việc phối hợp giữa cơ quan THADS với các cơ sở giam giữ được chặt chẽ hơn trong việc trao đổi thông tin về người phải thi hành án là phạm nhân, nhất là việc thông báo, chuyển cho cơ sở giam giữ các quyết định THADS; quyết định uỷ thác thi hành án cho cơ quan THADS khác...; các cơ quan THADS cũng đã tích cực phối hợp với các cơ sở giam giữ trong việc rà soát, thống kê các khoản tiền còn tồn đọng mà phạm nhân, thân nhân của phạm nhân tự nguyện nộp tại các cơ sở giam giữ, giải quyết dứt điểm số tiền THADS còn tồn đọng ở các cơ sở giam giữ...

Thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ của mình, các cơ sở giam giữ đã chủ động tuyên truyền, giáo dục, động viên phạm nhân và thân nhân của họ tích cực nộp tiền, tài sản, giấy tờ theo bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật và bàn giao cho cơ quan THADS có thẩm quyền giải quyết. 

Là một trong những người cảm nhận rõ về nghĩa vụ, quyền lợi này, phạm nhân Nguyễn Văn Dũng (quê Cam Ranh, Khánh Hòa, hiện đang thi hành án tại Trại giam A2, Tổng Cục VIII) tâm sự với chúng tôi: “Qua giáo dục, học tập tại trại, em đã thấy được ý nghĩa của việc thi hành phần dân sự trong vụ án cố ý gây thương tích của em. Em đã vận động gia đình nộp được 25 triệu đồng để khắc phục hậu quả cho nạn nhân và sẽ tiếp tục cải tạo tốt để được hưởng khoan hồng, sớm trở về với gia đình”.

Qua thực tế triển khai Quy chế, Đại diện Tổng cục VIII cho hay, nhiều phạm nhân do điều kiện khó khăn, không thể thực hiện nghĩa vụ dân sự dứt điểm một lần, nhưng vẫn có ý thức tự giác thực hiện làm nhiều lần hoặc dùng tiền lưu ký, tiền thưởng do lao động, cải tạo tốt để thi hành án. Thậm chí, có trường hợp phạm nhân hoặc thân nhân của họ đã tự nguyện, chủ động nộp tiền khi người được thi hành án chưa có đơn yêu cầu thi hành án. Về phía các cơ sở giam giữ đều tạo điều kiện tối đa để phạm nhân thực hiện nghĩa vụ của mình, bố trí cán bộ thường trực để thu tiền THADS cho phạm nhân hoặc thân nhân họ tự nguyện đến nộp ở trại ngoài giờ hoặc ngày nghỉ.

Thực tế cho thấy phạm nhân và thân nhân của họ thực hiện hình phạt bổ sung là tiền phạt, án phí, bồi thường thiệt hại và nghĩa vụ dân sự khác tăng hơn so với các năm trước. Đơn cử như ở Khánh Hòa, chỉ sau khoảng 2 tháng thực hiện Quy chế 911 và Quy chế phối hợp giữa Cục THADS tỉnh với Trại giam A2 (Tổng cục VIII) đã thu được số tiền thi hành án gần 1 tỷ đồng.

Không chỉ tạo điều kiện tốt nhất để phạm nhân thực hiện nghĩa vụ dân sự của mình, các cơ sở giam giữ cũng đã phối hợp với các cơ quan THADS trong việc nhận tiền, giấy tờ do cơ quan THADS chuyển đến để giao cho phạm nhân. Đây được đánh giá là một trong những yếu tố giúp phạm nhân yên tâm, tin tưởng cải tạo thành người có ích cho xã hội.

Đọc thêm