Phối hợp hiệu quả trong giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế

(PLO) - Những rủi ro, tranh chấp quốc tế ngày càng nhiều khi Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn vào nền kinh tế toàn cầu. Vì vậy, từ năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 680/QĐ-TTg và đến năm 2014 tiếp tục ban hành Quyết định số 04/2014/QĐ-TTg liên quan đến giải quyết tranh chấp giữa Chính phủ Việt Nam và nhà đầu tư nước ngoài, trong đó giao Bộ Tư pháp đại diện và chủ trì giải quyết các vụ tranh chấp quốc tế.
Tập huấn nâng cao năng lực là một hoạt động cần thiết trong công tác giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế.
Tập huấn nâng cao năng lực là một hoạt động cần thiết trong công tác giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế.

Cần giảm thiểu các vụ tranh chấp quốc tế

Cụ thể, Đề án tổng thể giải quyết tranh chấp giữa Chính phủ Việt Nam và nhà đầu tư nước ngoài đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 680/QĐ-TTg ngày 3/5/2013. Tại Đề án tổng thể, Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiều nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành để có thể giải quyết các tranh chấp giữa Chính phủ Việt Nam và các nhà đầu tư nước ngoài một cách hiệu quả, tổng thể, triệt để nhất, bảo vệ tối đa các quyền lợi của Chính phủ.

Đầu năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 04/2014/QĐ-TTg về các biện pháp khi giải quyết các tranh chấp quốc tế. Đây là văn bản quy phạm pháp luật đầu tiên đưa ra một quy trình phối hợp, xử lý một vụ kiện tranh chấp đầu tư quốc tế. Quyết định 04 quy định cụ thể trách nhiệm của cơ quan chủ trì, cơ quan đại diện pháp lý cho Chính phủ và các cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân có liên quan từ khi có những khiếu nại của nhà đầu tư nước ngoài cho đến giai đoạn tố tụng giúp các bộ, ngành, địa phương tham gia các vụ tranh chấp quốc tế một cách chủ động hơn và giảm thiểu các vụ tranh chấp quốc tế. Đặc biệt, Quyết định 04 của Thủ tướng Chính phủ cũng nói rõ những công việc cần thực hiện kể cả sau khi có phán quyết, quyết định của cơ quan giải quyết tranh chấp quốc tế, nước ngoài để một vụ việc có một cơ quan chủ trì theo từ đầu đến cuối, có sự phối hợp giữa các bộ, ngành từ đầu đến cuối, bảo đảm tối đa quyền lợi của đất nước.

Theo Quyết định này thì vị trí, vai trò của Bộ Tư pháp đã được khẳng định rất rõ. Bộ Tư pháp được giao nhiệm vụ là đại diện pháp lý cho Chính phủ trong tất cả các vụ tranh chấp đầu tư quốc tế và là cơ quan chủ trì giải quyết tranh chấp khi nhà đầu tư nước ngoài khởi kiện Chính phủ theo các điều ước quốc tế về đầu tư. Thủ tướng cũng chỉ đạo phải xây dựng hệ thống cảnh báo sớm, ngay khi có kiến nghị của nhà đầu tư thì phải thông báo cho các cơ quan, bộ, ngành để giải quyết sớm, tránh tình trạng phát sinh tranh chấp.

Những thắng lợi quan trọng đầu tiên

Nhờ những chỉ đạo kịp thời này mà ngay trong tháng cuối năm 2013 và đầu năm 2014, Việt Nam đã giành thắng lợi quan trọng trong 2 vụ kiện. Đầu tiên là vụ ông Michael McKenzie, công dân Hoa Kỳ, khởi kiện Chính phủ Việt Nam ra Trọng tài quốc tế về dự án xây dựng khu du lịch nghỉ dưỡng South Fork tại tỉnh Bình Thuận từ hồi năm 2010. Quá trình giải quyết vụ việc, các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam đã nhiều lần gặp gỡ, trao đổi và giải thích với ông McKenzie về các quyền và nghĩa vụ của ông và Công ty South Fork theo quy định của pháp luật Việt Nam, nhưng ông McKenzie không chấp nhận. 

Thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Tư pháp đã phối hợp với các cơ quan hữu quan và Công ty Luật quốc tế Hogal Lovells chủ động, tích cực nghiên cứu, thu thập chứng cứ, xây dựng phương án tranh tụng để phản bác lại các cáo buộc không có cơ sở của ông Mc Kenzie, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của Việt Nam. Tháng 12/2013, Hội đồng Trọng tài đã ra Phán quyết chấp nhận các lập luận của Việt Nam, khẳng định Hội đồng Trọng tài không có thẩm quyền xét xử vụ kiện này; bác bỏ tất cả các yêu cầu khởi kiện của ông McKenzie; buộc ông McKenzie phải thanh toán toàn bộ các chi phí mà Việt Nam phải chịu khi tham gia vụ kiện, trong đó có các chi phí của Hội đồng Trọng tài, chi phí thuê luật sư quốc tế và tham gia phiên họp giải quyết vụ việc tại Hồng Kông.

Tiếp nữa là vụ nhà đầu tư Pháp (DialAsie) kiện Chính phủ Việt Nam trong dự án Bệnh viện quốc tế thận và lọc thận tại TPHCM. Cuối năm 2014, Hội đồng Trọng tài thường trực tại La Hay (Hà Lan) đã ban hành Phán quyết vụ kiện này. Theo đó, tất cả các khiếu kiện của nguyên đơn DialAsie đối với Chính phủ Việt Nam hoàn toàn bị bác bỏ; mỗi bên phải trả một nửa chi phí trọng tài và tự chịu các chi phí về luật sư của mình theo quy định của Quy tắc trọng tài UNCITRAL. Chính phủ Việt Nam không phải bồi thường cho nguyên đơn DialAsie bất kỳ một khoản chi phí nào theo yêu cầu đòi bồi thường mà nguyên đơn đã nêu trong đơn khởi kiện.

Những thắng lợi trên có ý nghĩa đặc biệt quan trọng bởi theo Bộ Tư pháp, có 4 nhà đầu tư nước ngoài gồm Recofi, TVB, Sài Gòn Metropolitant, Sezako đã kiện Chính phủ Việt Nam tại Hội đồng Trọng tài quốc tế. Bộ Tư pháp đang thực hiện nhiệm vụ “đại diện pháp lý” cho Chính phủ trong các vụ kiện này. Trong cuộc họp liên ngành về Đề án 680 diễn ra chiều 2/12, Bộ Tư pháp và các bộ, ngành, địa phương sẽ tiếp tục phối hợp triển khai hiệu quả các quyết định của Thủ tướng. Bộ Tư pháp cho biết một số địa phương cũng đã tích cực tham gia vào giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế, điển hình như TP HCM đã xây dựng và thực hiện Đề án tổng thể giải quyết tranh chấp Chính phủ Việt Nam và nhà đầu tư nước ngoài trên địa bàn thành phố và Quy chế phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc tham gia giải quyết tranh chấp với nhà đầu tư nước ngoài tại TP HCM.

Đọc thêm