"Với Đan Mạch, mối quan hệ với Việt Nam vô cùng mạnh mẽ và tích cực"

(PLO) - Đan Mạch là một trong những quốc gia châu Âu đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam từ 45 năm trước, và là một trong những nước đóng góp ODA song phương lớn nhất cho Việt Nam từ năm 1993. Trong những năm gần đây, hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Đan Mạch ngày càng được thắt chặt. Bà Charlotte Laursen, Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam, đã có những chia sẻ về mối quan hệ giữa hai nước.
Bà Charlotte Laursen, Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam:
Bà Charlotte Laursen, Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam:

Dự án ODA của Đan Mạch trong thời gian qua tập trung vào những lĩnh vực nào và liệu bà có thể đánh giá hiệu quả của những dự án đó?

Chúng tôi bắt đầu chương trình phát triển từ năm 1993 và mục tiêu chung của chương trình là xóa đói giảm nghèo. Chúng tôi đã hoạt động trong nhiều lĩnh vực như nước, vệ sinh, môi trường, nông nghiệp và ngư nghiệp trong nhiều năm. Chúng tôi cũng hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp trong khu vực tư nhân, bên cạnh đó tăng cường hỗ trợ quốc hội Việt Nam thông qua hợp tác với quốc hội Đan Mạch.

Về tổng quan, có thể thấy rằng thông qua những hoạt động hỗ trợ mà chúng tôi đã thực hiện cho các chương trình của chính phủ, chúng tôi đã tích cực đóng góp vào sự phát triển kinh tế của Việt Nam trong 25 năm qua. Đánh giá về toàn bộ chương trình, kết quả đạt được rất đáng hài lòng và trên thực tế đây là sự hỗ trợ có tính bền vững. Hiện nay, chúng tôi đã xây dựng và thực hiện theo lộ trình được lên kế hoạch rõ ràng, chuyển từ Viện trợ sang Thương mại nhằm phát triển quan hệ đối tác mạnh mẽ hơn.

Bà có thể đánh giá hiệu quả đầu tư FDI của Đan Mạch vào Việt Nam và theo bà, những lĩnh vực nào mà các doanh nghiệp của Đan Mạch đầu tư vào Việt Nam hiệu quả nhất?

Hiện có khoảng 130 doanh nghiệp Đan Mạch đang hoạt động tại Việt Nam trong rất nhiều lĩnh vực: nội thất, nông ngư nghiệp, thực phẩm v.v. Rất nhiều công ty đã đến đây đầu tư vào cơ sở sản xuất. Tôi đã nhận nhiệm vụ ở Việt Nam được một năm rưỡi, và tôi thấy rất nhiều doanh nghiệp Đan Mạch đang bước chân vào thị trường Việt Nam, như Jysk, chuỗi bán lẻ đồ nội thất hay Vesta, nhà sản xuất phong điện. Họ rất thích thú với thị trường Việt Nam và nhận thấy nhiều tiềm năng từ thị trường này.

Đó là những công ty mới tiếp cận thị trường Việt Nam, bên cạnh đó cũng có những doanh nghiệp Đan Mạch đã hoạt động lâu đời tại đây như Carlsberg đã ở đây hơn hai mươi năm, hay Maersk cũng đã hoạt động trong nhiều năm. Họ đã đến đây, đầu tư vào Việt Nam, và còn nhiều tên tuổi khác đang và sắp đến. Có thể nói xu hướng đầu tư từ Đan Mạch vào Việt Nam đang rất tích cực.

Bà đánh giá như thế nào về môi trường đầu tư tại Việt Nam?

Rõ ràng là trong những năm vừa qua, môi trường kinh doanh tại Việt Nam đã được cải thiện nhiều, song vẫn còn nhiều thách thức. Khi trao đổi với các doanh nghiệp Đan Mạch, họ chia sẻ về các vấn đề liên quan tới tham nhũng, thiếu minh bạch và sự ổn định – bởi mỗi khi đưa ra một quyết định đầu tư hay ký vào một thỏa thuận, họ hiểu rằng sẽ có rất nhiều thủ tục hành chính quan liêu, rất nhiều giấy phép chờ đợi họ ở phía trước. Bên cạnh đó, sự khó đoán biết của môi trường kinh doanh cũng đến từ chính cơ chế đánh thuế trong nước. Có thể thấy các vấn đề nêu trên được Chính phủ Việt Nam ý thức rõ ràng và đang nỗ lực cải thiện, bởi Chính phủ các bạn hiểu rõ rằng chúng có ảnh hưởng tới sức hấp dẫn của Việt Nam trên thị trường đầu tư quốc tế.

Một thương vụ của doanh nghiệp Đan Mạch đang được nhiều người quan tâm là Carlsberg có ý định mua lại Công ty bia rượu nước giải khát Hà Nội (Habeco), theo bà đánh giá thế nào về vấn đề này?

Nếu như thỏa thuận giữa Habeco và Carlsberg được hiện thực hóa, chắc chắn sẽ là một bước vững chắc củng cố sợi dây bền chặt giữa hai quốc gia, vốn đã được tạo lập trên nền tảng tôn trọng, tin tưởng và hợp tác mạnh mẽ trong khuôn khổ Hiệp định đối tác toàn diện. 

Carlsberg là nhà sản xuất bia lớn nhất tại Đan Mạch, đồng thời là một trong ba tên tuổi sản xuất bia lớn nhất trên thế giới. Carlsberg là một công ty Đan Mạch có lịch sử rất lâu đời, gần 170 năm, và là doanh nghiệp lớn của Đan Mạch, thuộc sở hữu của quỹ Carlsberg. Ngoài sản xuất bia đơn thuần, Quỹ Carlsberg hỗ trợ tài chính cho rất nhiều nghiên cứu khoa học mang tầm cỡ quốc gia và quốc tế.

Chúng tôi mong muốn có thêm nhiều nguồn đầu tư hơn nữa vào Việt Nam. Bộ trưởng Bộ Ngoại Giao của chúng tôi vừa kết thúc chuyến thăm Việt Nam vào tháng trước và ông đã có những trao đổi tốt đẹp với phía Việt Nam. Hai bên đã thống nhất tập trung hơn nữa vào sự phát triển thương mại song phương, không chỉ đầu tư từ Đan Mạch vào Việt Nam mà có thể theo chiều ngược lại nữa.

Những công ty Đan Mạch đầu tư vào Việt Nam đều tập trung lớn vào các hoạt động vì lợi ích cộng đồng và trách nhiệm của doanh nghiệp như quan tâm đến môi trường và con người. Một trong những thế mạnh của những công ty Đan Mạch là họ không chỉ mang đến kinh nghiệm, quản lý mà còn quan tâm đến những giá trị cơ bản nhất liên quan đến hoạt động đầu tư của mình.

Đọc thêm