Phối hợp thực chất để đảm bảo hiệu quả trong công tác thi hành án dân sự

(PLO) - Hôm qua (12/10), Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự (THADS) Nguyễn Thanh Thủy đã chủ trì Hội thảo lấy ý kiến đối với Dự thảo Nghị quyết của Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp về lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm THADS, hành chính giai đoạn 2018 – 2021.
Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Thanh Thủy phát biểu tại Hội thảo.

Phát biểu khai mạc, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục THADS Nguyễn Thanh Thủy khẳng định trong những năm qua, hoạt động THADS đã có nhiều chuyển biến rõ rệt. Kết quả thi hành án về việc, về tiền ngày càng cao; thể chế THADS được hoàn thiện; kỷ luật, kỷ cương hành chính được chú trọng nâng cao; tổ chức bộ máy, đội ngũ công chức tiếp tục được kiện toàn; cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin tiếp tục được đẩy mạnh. Những kết quả đạt được đã và đang góp phần đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội và đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và từng địa phương.

Tuy nhiên, hoạt động THADS còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế. Còn một lượng án chuyển kỳ sau, tồn đọng chưa được xử lý dứt điểm, thời gian thi hành án còn tương đối dài, hiệu lực thi hành các bản án, quyết định hành chính của Tòa án chưa cao; còn một số vụ khiếu nại, tố cáo gay gắt, phức tạp; kết quả thu hồi tài sản cho nhà nước trong các vụ án tham nhũng, kinh tế chưa cao. Năng lực, trình độ, ý thức trách nhiệm của một bộ phận công chức còn hạn chế, còn biểu hiện nhũng nhiễu, tiêu cực.

Trong giai đoạn 2018 – 2021, đất nước ta sẽ tiếp tục xây dựng nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN, tạo dựng thể chế, cơ chế, chính sách và môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, an toàn, thuận lợi. Để lãnh đạo ngành Tư pháp, hệ thống THADS hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao, Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp ban hành Nghị quyết lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của công tác THADS, hành chính giai đoạn 2018 – 2021. 

Theo đó, Nghị quyết nhằm tiếp tục nâng cao nhận thức về vai trò, trách nhiệm của hoạt động THADS trước yêu cầu xây dựng kinh tế thị trường định hướng XHCN; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động THADS, hành chính; rút ngắn thời gian thi hành án tương đương với các quốc gia ASEAN 4; hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ THADS, hành chính, xây dựng đội ngũ công chức THADS trong sạch, vững mạnh.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung trao đổi, thảo luận về các nhóm nhiệm vụ, giải pháp bao gồm: Quán triệt, triển khai đường lối, chính sách của Đảng trong hoạt động THADS; lãnh đạo hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ THADS; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động THADS và kiện toàn, phát triển hệ thống. 

Nêu lên thực trạng quản lý nhà nước về thi hành án hành chính và theo dõi thi hành án hành chính, Vụ trưởng Vụ nghiệp vụ 3, Tổng cục THADS Nguyễn Thị Hoàng Giang cho rằng còn thiếu cơ chế cưỡng chế là khó khăn lớn nhất trong quản lý và nâng cao hiệu quả thi hành án hành chính. Ngoài ra, việc chuyển giao bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính từ Tòa án sang cơ quan THADS để theo dõi chưa đầy đủ và kịp thời theo đúng quy định của Luật Tố tụng Hành chính năm 2015 và Nghị định số 71/2016/NĐ-CP, trong khi đây là cơ sở quan trọng, phát sinh trách nhiệm theo dõi thi hành án hành chính của các cơ quan THADS. Đồng thời, cơ quan THADS cũng gặp rất nhiều khó khăn trong việc phối hợp với Tòa án các cấp về cung cấp số liệu giải quyết của Tòa án.

Từ thực tế đó, để nâng cao chất lượng công tác này trong giai đoạn 2018 – 2021, bà Giang đề xuất cần tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo trong công tác phối hợp để tập trung kiểm tra hiệu quả kết quả thi hành án ở các địa phương có số lượng quyết định, bản án thi hành án hành chính lớn, có nhiều vụ việc khiếu kiện phức tạp, kéo dài. Về lâu dài, cần thiết phải xây dựng và ban hành Luật Thi hành án hành chính để nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính cũng như nâng cao kỷ luật, kỷ cương của các cơ quan nhà nước trong hoạt động thi hành án hành chính.

Còn Phó Cục trưởng Cục THADS Hà Nội Chu Quang Tiến thẳng thắn chỉ ra những khó khăn nổi cộm trong công tác phối hợp liên ngành hiện nay như tòa án còn chậm giao bản án, đặc biệt là bản án hành chính; việc thụ lý, giải quyết vụ việc liên quan tới phân chia tài sản sở hữu chung, tranh chấp tài sản còn nhiều điểm vướng; tòa chưa áp dụng luật chuyên ngành để xử lý một số vụ việc liên quan tới hủy kết quả bán đấu giá tài sản. Trong một số vụ việc cưỡng chế, các cơ quan THADS chưa nhận được sự phối hợp chặt chẽ từ viện kiểm sát, công an... 

Góp ý thêm, Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp Nguyễn Thị Mai đề xuất bổ sung một số vấn đề về Luật Phá sản doanh nghiệp, nội dung về định giá và đấu giá tài sản vì đây là các nội dung liên quan mật thiết tới công tác THADS. Bà Mai cũng cho rằng Dự thảo Nghị quyết cần thể hiện cụ thể, rõ nét hơn về chủ trương tin học hóa các hoạt động THADS để đảm bảo đáp ứng được yêu cầu cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong bối cảnh hiện nay. 

Nhấn mạnh tới giải pháp liên quan tới công tác cán bộ, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Phan Thị Hồng Hà đề xuất cần bổ sung thêm một số giải pháp cụ thể về tinh giản biên chế, luân chuyển cán bộ, kiện toàn đội ngũ lãnh đạo cơ quan THADS… Đặc biệt, cần nghiên cứu chương trình bồi dưỡng chuyên sâu, đảm bảo tính thực chất trong quá trình đào tạo.

Đọc thêm