Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực: Không để 'nén bạc đâm toạc công lý' (Bài 1): Sự 'quyến rũ' của kim tiền

(PLVN) - “Cái gì không mua được bằng tiền, sẽ mua được bằng rất nhiều tiền” - câu nói ấy đúng khi nhiều doanh nghiệp chấp nhận “cộng sinh” với nạn tham nhũng để đạt được lợi ích. Doanh nghiệp được nhìn nhận vừa là tác nhân, vừa là nạn nhân, chủ thể gây nên tham nhũng.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Những “đại án” tham nhũng gần đây đã khắc họa rõ nét cơ chế “xin - cho”, doanh nghiệp dẫu biết là phạm tội nhưng vẫn phải “tự nguyện” nộp…

Doanh nghiệp và thông lệ “bôi trơn”

Nhiều kết quả khảo sát đã cho thấy, không ít doanh nghiệp hiện nay bị chèn ép, phải chi tiền “bôi trơn”, phải sử dụng “văn hóa phong bì”. Thậm chí có nơi, điều này đã trở thành chuyện... “thường ngày ở huyện”, “luật bất thành văn”. Bất kỳ ai theo dõi phiên tòa “đại án” “chuyến bay giải cứu” vừa được TAND TP Hà Nội đưa ra xét xử sơ thẩm cũng đều nhận thấy sự thật đau lòng. Rất nhiều bị cáo nguyên là cán bộ cấp cao, được đào tạo bài bản, có học hàm, học vị, nhưng trước bục khai báo lại “ngờ nghệch” khi cho rằng: hành vi của mình không phải nhận hối lộ mà là “tiền cảm ơn”; nhận tiền từ doanh nghiệp chứ không phải từ ngân sách nhà nước nên không nhận thức được hành vi phạm tội…

Bản luận tội của Viện Kiểm sát đã xác định bị cáo Phạm Trung Kiên (cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế) là người nhận hối lộ nhiều nhất trong vụ án, với 253 lần, tổng số hơn 42,6 tỷ đồng. Theo bản án của Hội đồng xét xử TAND TP Hà Nội, 25 bị cáo là cựu quan chức, cán bộ ở nhiều Bộ, ngành đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao, nhận hối lộ số tiền hơn 164 tỷ đồng và lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, gây thiệt hại số tiền hơn 10 tỷ đồng. Trong vụ án, có 23 cá nhân là đại diện doanh nghiệp đã đưa hối lộ hơn 226 tỷ đồng, có 4 cá nhân môi giới hối lộ hơn 74 tỷ đồng và lừa đảo chiếm đoạt tài sản số tiền hơn 24 tỷ đồng.

Là người đầu tiên trong nhóm 23 bị cáo đưa hối lộ trình bày, Tổng Giám đốc Công ty Blue Sky Lê Hồng Sơn nói bản thân chỉ là “nạn nhân” của cơ chế “xin - cho”. Ông Sơn bị đề nghị 11 - 12 năm tù, cao nhất trong nhóm này. Blue Sky cũng được xác định đưa hối lộ 38,5 tỷ đồng (nhiều nhất trong 19 doanh nghiệp), cũng là công ty tổ chức nhiều chuyến bay nhất (109 trong tổng 372 chuyến được cấp phép).

Sự đau đớn trong “đại án” này thể hiện ở rất nhiều mặt. Trong một “tổ hợp” tội danh “đưa hối lộ”, “nhận hối lộ”, “môi giới hối lộ”, “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” bị Viện kiểm sát nhân dân Tối cao truy tố có nhiều bị cáo từng là cán bộ cấp cao của ngành Ngoại giao, Y tế, Công an. Họ nguyên là Thứ trưởng, Cục trưởng, Thư ký Thứ trưởng, Thư ký Phó Thủ tướng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố, đại sứ tại nước ngoài... Các bị cáo này từng được đào tạo bài bản, thậm chí có nhiều người học ở nước ngoài về các chuyên ngành pháp luật... vậy nhưng lại vẫn biến mình thành một “cỗ máy” kiếm tiền bất chính, bất minh, phản bội lại niềm tin của nhân dân và xã hội. Đau xót hơn, các bị cáo đã làm sai lệch một chủ trương, chính sách đầy tính nhân văn của Đảng, Nhà nước.

Sự “quyến rũ” của kim tiền

Bên cạnh “đại án” “chuyến bay giải cứu” thì hai vụ án trọng điểm trong thời gian gần đây là vụ xảy ra tại Công ty Việt Á và ngành Đăng kiểm Việt Nam. Năm 2021, dư luận xã hội chấn động bởi “đại án” vi phạm pháp luật trong sản xuất, kinh doanh bộ kit xét nghiệm COVID-19 xảy ra tại Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á và nhiều đơn vị, địa phương trên khắp cả nước. Có thể nói, đây là một trong những vụ việc tiêu cực có quy mô lớn, phức tạp, gây hậu quả nghiêm trọng nhất từ trước tới nay. Không ai có thể nghĩ giữa lúc toàn Đảng, toàn dân đang dốc toàn lực để chống dịch COVID-19 với rất nhiều chủ trương, giải pháp có thể nói là linh hoạt, sáng tạo để chăm lo, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân thì lại xuất hiện một “nhóm” người đục khoét, trục lợi từ chính tai ương của cộng đồng.

Càng không ai có thể nghĩ, những trung tâm kiểm soát, phòng ngừa dịch bệnh lại là nơi sản sinh ra những con “vi rút”, bắt tay với doanh nghiệp để trục lợi. Đến nay, sau gần 2 năm khởi tố vụ án, cơ quan điều tra các cấp đã khởi tố rất nhiều bị can liên quan, trong đó có cả nguyên Ủy viên Trung ương Đảng và loạt quan chức thuộc Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ cùng một hệ thống ngành dọc bao gồm lãnh đạo địa phương, ngành Y tế và các trung tâm CDC của các tỉnh, thành phố.

Còn trong nỗ lực làm sạch ngành Đăng kiểm Việt Nam cũng đã làm lộ sáng hàng loạt các cơ sở đăng kiểm “có vấn đề”.

Vì sao những vụ “đại án” mang tính hệ thống, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng kể trên lại xảy ra? Một trong những căn nguyên là do... sự “quyến rũ” của kim tiền, sự tha hóa, suy thoái về đạo đức, lối sống, “lòng tham không đáy” của một bộ phận người có chức vụ, quyền hạn. Với cơ chế “xin - cho” và thói “bôi trơn” đã trở thành thông lệ khiến cho nạn tham nhũng, tiêu cực hoành hành.

Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội.

Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp,

Đoàn Luật sư TP Hà Nội.

Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng: “Vụ án hình sự liên quan đến các chuyến bay đưa công dân về nước thời điểm dịch bệnh COVID-19 là vụ án hình sự đặc biệt nghiêm trọng, có thể gọi là “đại án” về tham nhũng khi xét xử đối với 54 bị cáo. Điều đáng chú ý trong vụ án này là các “kỷ lục” mới trong tố tụng hình sự được thiết lập. Đây là vụ án có số lượng bị cáo bị truy tố về các tội danh về tham nhũng lớn nhất từ trước đến nay; Số tiền nhận hối lộ và số lần nhận hối lộ cũng lớn nhất từ trước đến nay; Số tiền, tài sản bị kê biên, phong tỏa và thu giữ cũng lớn nhất từ trước đến nay; Thời gian dự kiến xét xử cũng dài nhất, số lượng bị cáo đông nhất, số lượng luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo cũng đến 100 luật sư...

Kết quả điều tra, truy tố, xét xử cho thấy đây là một vụ án rất đau lòng, thể hiện rõ “văn hóa phong bì” và cơ chế “xin - cho” trong mối quan hệ hành chính. Bản luận tội của đại diện Viện kiểm sát và bản án sơ thẩm cũng xác định vụ án này là để đấu tranh loại bỏ “văn hóa phong bì” và cơ chế “xin - cho”, làm lành mạnh quan hệ hành chính, giữ gìn trật tự kỷ cương công vụ.

“Qua vụ án “chuyến bay giải cứu” và một số vụ án khác như vụ án Vũ Nhôm, vụ án AVG, vụ án AIC... và một số vụ án đang điều tra xét xử như Việt Á... đã cho thấy quyết tâm của Đảng, Nhà nước ta trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng là đúng đắn và quyết liệt”, Luật sư Cường nhận định.

Thượng tá Nguyễn Hữu Sơn, Trưởng phòng, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Bộ Công an).

Thượng tá Nguyễn Hữu Sơn, Trưởng phòng, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Bộ Công an).

“Phòng hướng dẫn và điều tra án tham nhũng, buôn lậu, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Bộ Công an) với chức năng, nhiệm vụ điều tra án tham nhũng và án buôn lậu, trong năm 2022 và 6 tháng năm 2023 đã thụ lý điều tra 28 vụ án, 285 bị can. Trong đó có 4 bị can là nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, có 2 bị can nguyên Thứ trưởng, một bị can nguyên Chủ tịch UBND tỉnh.

Quá trình điều tra các vụ án, chúng tôi luôn quán triệt tinh thần chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực; của đồng chí Bộ trưởng, Lãnh đạo Bộ Công an, lãnh đạo Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, đó là phải làm rõ bản chất trong các vụ án tham nhũng, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, xử lý nghiêm một việc để cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực; quan tâm thu hồi triệt để tài sản cho Nhà nước... Kịp thời phát hiện các sơ hở, thiếu sót trong chính sách, pháp luật; sơ hở trong quản lý của các cơ quan, tổ chức, từ đó tham mưu cho Đảng, Nhà nước các biện pháp hữu hiệu nhằm phòng ngừa có hiệu quả tham nhũng, tiêu cực trong thời gian tới.

Đọc thêm