Phong tục cưới hỏi độc đáo của các dân tộc trên triền núi

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Cưới hỏi là một phong tục đặc sắc và vô cùng quan trọng đối với người H’Mông, người Thái, người Dao… góp phần vào sự đa dạng bản sắc văn hóa các dân tộc tại vùng cao Tây Bắc.

Người H’Mông đón dâu hát “Xin chiếc ô đen”

Người H’Mông thường tổ chức lễ cưới hỏi vào dịp này bởi quan niệm mùa xuân là ma của vạn vật sinh sôi, nảy nở, là lúc thời tiết đẹp và tươi sáng nhất. Theo phong tục của người H’Mông, hôn nhân phải đủ nghi lễ như dạm hỏi, ăn hỏi và lễ đón dâu, tất cả đều được tổ chức vào ngày lành, tháng tốt. Lễ dạm hỏi bắt buộc phải có hai ông mối thông thuộc các bài hát nghi lễ cưới xin, kết nối hai nhà để làm thủ tục dạm hỏi và hẹn ngày đón dâu. Đám cưới diễn ra trong hai ngày sau khi được thống nhất từ thầy cúng: Ngày lẻ tổ chức tại nhà gái và ngày chẵn tại nhà trai.

Đám cưới của người H’Mông.

Đám cưới của người H’Mông.

Cô dâu, chú rể mặc những bộ trang phục truyền thống mới và đẹp nhất. Sau khi trưởng họ thắp hương trên bàn thờ tổ tiên, trời đất, nhà trai lên đường đi đón dâu. Đám cưới người H’Mông bao giờ cũng có phù rể. Đoàn rước dâu thường không đông, bao gồm: Trưởng đoàn nhà trai, phù rể, chú rể và một vài người thân của cô dâu. Sau khi ông mối hát bài “Xin chiếc ô đen” và nhận từ tay trưởng họ túi vải, ô, đoàn đón dâu sẽ đến cửa nhà gái. Người ta quan niệm ô để che mưa nắng trên đường rước dâu, còn túi để đựng những vật dụng cần thiết của cô dâu khi về nhà chồng. Khi đến nhà gái, nếu thấy cửa đóng, ông mối sẽ phải hát bài “Xin mở cửa”. Thường thì gia đình cô dâu đã mở cửa sẵn sàng đón khách. Lời hát bài “Xin bàn ghế” của ông mối vừa dứt thì bàn rượu được bày ra và gia đình 2 bên cùng nhau uống rượu. Ông mối bàn giao đồ lễ cho nhà gái gồm thịt lợn, thịt gà, rượu ngô, mèn mén, cơm xôi, tiền mặt...

Cô dâu lúc này cũng đã chuẩn bị xong bộ trang phục truyền thống do chính tay mình may, ở trong phòng riêng, được mẹ đẻ căn dặn kỹ càng trước khi về nhà chồng. Sau khi nhà trai xin phép, phù dâu sẽ vào buồng và dắt cô dâu ra ngoài. Phù rể sẽ cùng chú rể qùy lạy tổ tiên, vái lạy cha mẹ nhà gái trước khi rước dâu đi. Sau khi hoàn tất các thủ tục, cô dâu được anh em trong gia đình dắt tay ra cửa trao cho người đón đâu. Theo phong tục, khi cô dâu, chú rể đã ra khỏi cửa thì không được quay đầu nhìn lại nhà cha mẹ cô dâu nữa. Đoàn đón dâu đi đến nửa đường phải dừng chân nghỉ lại, bày đồ ăn, thức uống ra để ông mối làm lễ mời các vị thần. Trước khi vào nhà trai, cả đoàn phải dừng lại trước cửa để bố của chú rể đón cặp vợ chồng. Trên tay ông cầm sẵn một con gà trống để làm phép, đưa sang trái và phải 3 cái để xua đuổi những điềm không may, đón những điều may mắn và làm lễ nhập gia cho cô dâu mới.

Lúc này, người làm mối sẽ trao cô dâu cho họ nhà trai. Cô dâu, chú rể lễ gia tiên. Cỗ tiệc ở nhà trai lúc này cũng đã được bày sẵn, trưởng họ nhà trai mời tất cả mọi người trong bản, gia đình nhà gái ở lại phá cỗ mừng dâu mới. Khách tới dự đám cưới diện bộ trang phục truyền thống và gửi những lời chúc cho đôi vợ chồng trẻ.

Người Thái dệt khăn piêu và nghi lễ “tằng cẩu”

Trong lễ cưới truyền thống của người Thái, nhà trai phải 3 lần làm lễ đi hỏi vợ. Lần thứ nhất gọi là lễ “chóm mia” (chạm ngõ); lần thứ hai là lễ “khắt cằm kin khươi” (ăn hỏi); ở lần này, lễ vật mang theo chủ yếu là trầu cau. Lần thứ ba là lễ “tỏn mia” (đón vợ); vào ngày lễ này, nhà trai dậy sớm mổ bò, mổ trâu, chuẩn bị các lễ vật đem sang nhà gái bao gồm: lợn hơi, gạo nếp, rượu, gà, cá suối sấy khô bỏ trong giỏ nan đan hình mắt cáo. Cũng trong lễ “tỏn mia” nhà trai còn mang đến món cá chua và bánh chưng. Cá chua là món thể hiện sự khéo léo, tài giỏi của người con trai Thái. Cá - biểu tượng của thế giới nước và nước là môi sinh quan trọng hàng đầu của đời sống Thái. Cho nên, cá chính là nguồn sống, là biểu tượng ấm no, hạnh phúc của người Thái. Theo phong tục, đám cưới người Thái đều do nhà trai đứng ra lo liệu, tổ chức. Thậm chí, trong ngày ăn hỏi và cưới chính thức người phục vụ cơm nước cũng do nhà trai đảm đương hết.

Đám cưới của người Thái.

Đám cưới của người Thái.

Trong hôn nhân Thái, nếu cá là lễ vật bắt buộc của nhà trai thì chăn đệm lại là những đồ vật không thể thiếu của nhà gái. Theo phong tục Thái, khi đi lấy chồng, các cô gái Thái phải mang theo về nhà chồng ít nhất 4 đôi một số chăn đệm, gối, khăn đội đầu piêu tuỳ khả năng của mình. Tuy nhiên, tối thiểu mỗi cô dâu cũng phải mang về nhà chồng 4 đôi chăn đệm cùng một số gối nhất định. Với tục lệ này, các cô gái Thái phải chuẩn bị dệt vải, làm chăn đệm từ tuổi thiếu nữ thể hiện khéo léo canh cửi.

Và một nghi lễ không thể thiếu trong đám cưới truyền thống của người Thái, đó là lễ “tằng cẩu” (búi tóc ngược). Vào hôm làm lễ “tằng cẩu” nhà trai sẽ cử một đoàn sang nhà gái gồm những thiếu nữ trẻ đẹp và các thiếu phụ khỏe mạnh, tháo vát, thông thạo động tác búi tóc ngược cho cô dâu mới. Phía nhà gái cũng có số người tương ứng, trong đó có hai thiếu nữ làm phù dâu, thường là bạn thân của cô dâu. Đồ sính lễ búi tóc được bố mẹ chồng đưa sang thường gồm: hai búi tóc độn, trâm cài tóc bằng bạc, vải trắng tự dệt, vải thổ cẩm, thắt lưng và tiền. Tặng phẩm của bố mẹ trao cho con gái trong lễ búi tóc gồm: vải trắng tự dệt, vải thổ cẩm, tiền, một cái lược, một bát nước lã...

Trong lễ “tằng cẩu”, người được chọn búi tóc cho cô dâu sẽ hát những lời dặn dò và chúc phúc cho cô dâu, chú rể: “Mái tóc dài, chải cho mượt. Búi ngược lên thành “tằng cẩu”. Từ nay về sau, người đã có chồng, nước không đổi dòng, lòng không đổi hướng, con ơi…”.

Người Dao thổi “phằn tỵ” chào bản, chào mường

Người Dao đỏ ở Cao Bằng là một trong những tộc người còn ít nhiều giữ được những nét sinh hoạt văn hoá truyền thống, đặc biệt là những nét độc đáo trong đám cưới.

Để chuẩn bị kết hôn, nhà trai sẽ chọn ngày lành, tháng tốt mang lễ vật, trong đó có chỉ thêu sang nhà gái xin hỏi dâu. Nhà trai mang gà, rượu, thịt sang nhà gái đưa đồng bạc hoa xòe. Số bạc này nhà gái dùng để chuẩn bị quần áo, tư trang để cô dâu về nhà chồng. Từ khi ăn hỏi đến khi cưới khoảng 1 năm để cô gái phải thêu thùa quần áo cưới. Với người Dao đỏ ở Cao Bằng, phụ nữ Dao đỏ đi lấy chồng thường sắm trang sức rất nhiều, nhất là vòng bạc trắng ở cổ và tay. Trọn một bộ trang sức trắng đen 7 ki lô gam; ngoài ra còn có dây xà tích treo bên hông có chùm hoa bạc.

Cô dâu người Dao.

Cô dâu người Dao.

Trước giờ đưa dâu, cô dâu từ buồng ra mặc trang phục ngày cưới, cổ và tay đeo vòng bạc, trên đầu chùm chiếc khăn đỏ to che kín mặt, đứng trước bàn thờ để thầy làm lễ, phù phép. Lễ vật cúng tế đơn giản, gồm 1 con gà, vàng mã, 5 chén rượu. Thầy trình báo tổ tiên, ma nhà rằng, từ hôm nay cô gái không phải người gia đình này nữa mà bắt đầu thành người của một nhà khác, cầu xin có một cuộc sống ấm no, hạnh phúc bên gia đình mới. Xong lễ, người thổi kèn trước bàn thờ chúc mừng gia đình, tiễn biệt tổ tiên lên đường.

Phù dâu có nhiệm vụ che ô cho cô dâu đi đường và phụ giúp cô dâu trong quá trình hành lễ từ nhà gái sang nhà trai. Trong đoàn rước, có một người thổi “phằn tỵ” (kèn). Trên đường đi qua các bản, người thổi kèn thổi các bài ca chào bản, chào mường, mừng cưới theo điệu vui vẻ.

Khi đoàn đưa dâu đến gần nhà trai sẽ phải nghỉ chân trên đường, người nhà gái thổi kèn để báo hiệu cho nhà trai về báo trước. Nhà trai cử một đoàn kèn, trống và ông chủ lễ ra cổng đón. Người Dao quan niệm, khi cô dâu đi đường có thể các loại ma, ngoại thần bám theo nên trước khi vào nhà, thày tào phải làm lễ trừ tà quỷ. Cô dâu được phù dâu che ô và dắt vào trước cửa nhà, cô dâu vẫn quay mặt ra ngoài. Nhà trai lấy một chậu nước, trên chậu đặt một con dao, một đôi giày mới, chuẩn bị ba cành đào hoặc ba cọng gianh tươi (dùng để đuổi tà). Thầy miệng ngậm nước phép, phù nước ra phía cửa đoạn cầm ba nhành đào từ trong nhà qua trên đầu cô dâu. Xong động tác này, cô dâu bước vào nhà dừng trước chậu nước bỏ đôi giày cũ ra giơ chân qua trên chậu nước, con dao đặt trên chậu nước được bỏ ra. Một bé trai hoặc bé gái của nhà trai rửa chân cho cô dâu và xỏ giày mới vào chân cho cô dâu.

Sau đó, cô dâu được đưa vào buồng, chậu nước được bê vào đặt dưới gầm giường cô dâu để đó ba ngày mới đổ đi. Đám cưới được tổ chức hai ngày, hai đêm. Đêm đó, các cô gái, chàng trai đôi bên được dịp trổ tài hát Páo Dung. Phong tục cưới hỏi độc đáo của các dân tộc trên triền núi được lưu truyền trong đời sống bao thế hệ. Với những nét đặc trưng văn hóa, lễ cưới truyền thống góp phần tạo sắc màu vườn hoa văn hóa của đồng bào các dân tộc Việt Nam thêm rực rỡ.