Mới đây nhất, Điều 80 Nghị định 99/2015 hướng dẫn Luật Nhà ở (2014) quy định: Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân phải chuyển hoạt động kinh doanh sang địa điểm khác không phải là căn hộ chung cư trong sáu tháng, kể từ ngày 10/12/2015 (ngày có hiệu lực của nghị định này). Trước đó trong các văn bản luật đều không cho phép tổ chức, cá nhân sử dụng căn hộ chung cư làm trụ sở công ty, văn phòng làm việc.
Tuy nhiên, sau ngày 10/6/2016, rất nhiều doanh nghiệp vẫn không thực hiện lệnh di chuyển địa điểm ra khỏi chung cư. Ở bất kỳ quận, huyện nào, tòa chung cư hay khu tập thể tại các thành phố lớn, đặc biệt là Tp.Hồ Chí Minh và Hà Nội, tình trạng này đều ngang nhiên diễn ra. Các cơ quan chức năng cũng không có “động tĩnh” gì trong việc xử lý dù rõ ràng đây là hành vi vi phạm quy định pháp luật.
|
Rất dễ bắt gặp những Văn phòng đặt tại các tòa chung cư |
Lý giải cho việc thuê văn phòng tại các khu chung cư, nhiều chủ doanh nghiệp cho biết, với quy mô doanh nghiệp nhỏ và vừa, thì chi phí cho việc thuê căn hộ để làm văn phòng rẻ hơn nhiều so với thuê tại các cao ốc văn phòng hoặc thuê nhà đất. Giá thuê căn hộ thường dao động từ 8 triệu – 15 triệu đồng tùy khu vực và diện tích nhà ở, cộng với các chi phí quản lý khác thì chi phí vẫn được coi là “dễ thở” hơn cho doanh nghiệp nếu so với việc trả tiền đô Mỹ theo mét vuông như ở nhiều tòa thương mại cho thuê làm văn phòng.
Hơn nữa, các khu chung cư ở gần trung tâm, tiện cho việc giao dịch với khách hàng và quan trọng là có chỗ để xe thuận lợi. Việc quản lý người vào/ra tại chung cư cũng không quá gò bó nếu không nói là buông lỏng, quản lý thời gian làm việc tại các văn phòng chung cư không bị hạn chế. Trong khi ở nhiều tòa nhà văn phòng thì hai ngày cuối tuần thường giới hạn thời gian mở/cắt điện, nước.
|
Biển tên doanh nghiệp đặt "khiêm tốn" trong khu chung cư |
Trên thực tế tồn tại nhiều trường hợp, doanh nghiệp đặt trụ sở ở địa điểm khác nhưng không hoạt động, chỉ là ghi trên giấy phép đăng ký kinh doanh, còn nơi làm việc lại là chung cư với những cái tên như văn phòng giao dịch, văn phòng đại diện… Có thể thấy, để những hành vi vi phạm này tồn tại một cách phổ biến là do ý thức chấp hành của các doanh nghiệp không tốt, cộng với sự buông lỏng quản lý của các cơ quan chức năng và tinh thần, trách nhiệm chưa cao của chính những người dân đang sống ở chung cư đã góp phần “tiếp tay” cho thực trạng này ngang nhiên tiếp diễn.
Theo thiết kế, chung cư chỉ phù hợp để ở chứ không phải để làm văn phòng. Ttại khoản 1, Điều 70, Luật Nhà ở, thì nhà chung cư được định nghĩa “là nhà ở có từ hai tầng trở lên. Tức là, các căn hộ chung cư chỉ sử dụng để ở, không sử dụng vào mục đích khác”.
Cùng với đó, Luật Xây dựng cũng chỉ rõ “nội dung thiết kế xây dựng công trình phải phù hợp, thỏa mãn với yêu cầu về chức năng sử dụng”. Nhà chung cư được thiết kế theo mục đích sử dụng với các tiêu chuẩn về tải trọng, cấp điện, thang máy, nơi thoát nạn, phòng cháy, chữa cháy… phù hợp với nhà ở. Nếu sử dụng sai mục đích sẽ không đảm bảo các điều kiện an toàn…”
Thế nhưng, hiện chung cư không chỉ phục vụ cho mục đích để ở mà còn được sử dụng làm văn phòng, nơi giao dịch mua bán, nhiều nơi còn dùng làm chỗ buôn bán hóa chất, sản xuất tiểu thủ công nghiệp, đặt kho hàng... Tình trạng này ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân sống tại chung cư, gây quá tải về thang máy, điện, nước, mất an toàn, an ninh và có nguy cơ cao dẫn đến cháy nổ, mất vệ sinh trật tự và nguy cơ trộm cắp.
Quy định cấm sử dụng chung cư làm văn phòng kinh doanh sẽ ảnh hưởng đến lợi ích trước mắt của một bộ phận doanh nghiệp, chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhưng lại có lợi ích về lâu dài, đảm bảo quyền lợi của đa số người dân. Vì vậy, bên cạnh việc tăng cường quản lý, xử lý vi phạm của các cơ quan chức năng, thì các doanh nghiệp cần nâng cao ý thức, trách nhiệm chấp hành pháp luật cũng như đạo đức kinh doanh. Đây cũng chính là cơ sở để các doanh nghiệp có thể làm ăn, kinh doanh một cách lâu dài, bền vững./.