Ngày 21/12/2020, Công an TP Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên) ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và cấm đi khỏi nơi cư trú đối với ông Triệu Ngọc Phương về hành vi “cố ý gây thương tích”. Theo đó, sáng 9/12/2020, trong giờ học thể dục tại Trường THCS Tân Bình, con ông Phương và một học sinh cùng lớp 6 xảy ra mâu thuẫn, xô xát. Nghe tin con bị đánh bầm tím, khoảng 13h35 cùng ngày, ông Phương tới tận lớp tra hỏi. Tìm ra “thủ phạm”, ông Phương đã liên tiếp đấm vào vùng đầu, vào sườn và đá vào đùi học sinh này.
Trước đó, ngày 1/10/2020, trên mạng xã hội lan truyền đoạn video clip ghi lại hình ảnh 2 bé gái giành đồ chơi dẫn đến cắn nhau tại một lớp học mầm non ở Trường mầm non Trumskids (phường Cốc Lếu, thành phố Lào Cai, Lào Cai). Mọi chuyện trở nên gây tranh cãi khi ngay sau đó, camera lớp học cho thấy một người đàn ông từ bên ngoài xông vào, dùng tay liên tiếp tát, túm tóc, đánh một trong hai bé gái với lý do bênh con
Cùng với việc phụ huynh “xuống tay” với trẻ em thì những sự việc phụ huynh vào trường đánh giáo viên xảy ra trong thời gian qua đã không còn là chuyện hiếm. Ngày 19/5/2020, nữ giáo viên chủ nhiệm lớp một Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Lộc Giang (huyện Đức Hòa, Long An) bị bố của học sinh xông vào cửa lớp dùng mũ bảo hiểm đánh liên tục vào đầu đến vỡ mũ bảo hiểm. Sự việc chỉ dừng lại khi bảo vệ nhà trường can ngăn. Nữ giáo viên sau đó được đồng nghiệp đưa đi cấp cứu.
Một cô giáo cho biết, trong 15 năm dạy học, cô đã gặp không ít trường hợp phụ huynh xông vào trường đòi đánh giáo viên, đánh học sinh khác chỉ vì bức xúc rất cỏn con. Có nhiều giáo viên chủ nhiệm bị áp lực nặng nề vì trong lớp mình có phụ huynh như vậy. Thậm chí khi đến kỳ thi, có phụ huynh nhờ vả, xin điểm cho con không được thì quay sang nói xấu, nhắn tin trách móc, hằn học, tệ hơn là đưa lên facebook nói bóng gió.
Đành rằng, không thể phủ nhận có những trường hợp đơn lẻ một số giáo viên có những hành vi ứng xử, hành xử thiếu chuẩn mực, thậm chí “chợ búa”, bạo lực... Song không vì thế, phụ huynh có quyền “trừng phạt” lại người thầy, bởi đó không chỉ là hành vi bất chấp đạo lí tốt đẹp tôn sư trọng đạo mà còn vi phạm pháp luật.
Ở góc độ ngược lại, người thầy cũng không thể đi chệch đường ray “làm thầy”, bởi hơn bất cứ nghề nghiệp nào, thầy cô phải luôn là những kỹ sư tâm hồn, họ không chỉ dạy kiến thức mà dạy trò bằng chính nhân cách của mình… Một lời khích lệ của thầy cô có thể thay đổi cuộc đời một con người trước những ngã rẽ khó lường của cuộc sống.
Ngày nay, phụ huynh với tâm lý “con mình là vàng”, bao bọc con thái quá, cùng với đó là sự thiếu tôn trọng người khác, chưa kể đó là bậc thầy cô. Cái tát hay bất cứ sự hành hung nào trong môi trường sư phạm cũng là điều đau lòng. Chúng ta khó có thể trách những đứa trẻ đang lớn hung dữ, khi cha mẹ chúng luôn là những tấm gương phản chiếu như vậy.
Mỗi đứa trẻ luôn là hình ảnh của cha mẹ dưới mỗi nếp nhà. Đó là những bài học nhỏ bé, tỉ mỉ trong cuộc sống mỗi ngày, cách người lớn yêu thương gia đình, lòng trân trọng và biết ơn, tôn trọng mọi người trong mọi hành xử... Dẫu cuộc sống có nhiều giá trị đã thay đổi, nhưng những hành vi phản giáo dục, phản văn hóa luôn “lột trần” mỗi con người, cho dù họ đã khoác lên mình rất nhiều “nhãn mác, bằng cấp” hay các thương hiệu đắt đỏ… Khi người lớn ứng xử bằng “nắm đấm” thì không thể trách bạo lực học đường leo thang. Cũng như, hình ảnh thầy cô hay học trò bị bắt nạt, bị hạ nhục sẽ mãi mãi ám ảnh với những hệ lụy khó lường…