Hội nghị năm nay thu hút sự tham gia của 1.600 đại biểu đến từ hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có Thủ tướng Namibia, nguyên Tổng thống Malta, nhiều Bộ trưởng và hàng trăm nữ lãnh đạo doanh nghiệp, đại diện các tổ chức phụ nữ.
Tại Lễ Khai mạc, Thủ tướng Namibia, Thống đốc bang Basel, đại diện một số tập đoàn lớn và Chủ tịch Hội nghị đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy sự bình đẳng giới, trao quyền cho phụ nữ trong mọi lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội; đánh giá cao vai trò và những đóng góp của Hội nghị Thượng đỉnh Phụ nữ Toàn cầu trong quá trình này, đặc biệt trong việc khơi dậy các giải pháp tiềm năng, sáng tạo và tăng cường giao lưu, kết nối giữa các nữ chính khách, doanh nhân.
Phát biểu tại Lễ khai mạc, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đánh giá cao những đóng góp của Hội nghị Thượng đỉnh Phụ nữ Toàn cầu suốt 3 thập kỷ qua trong việc thúc đẩy bình đẳng giới và nâng cao vai trò của người phụ nữ ở cả quốc gia và quốc tế.
Chia sẻ một số quan điểm về thước đo thành công đối với phụ nữ trong thời đại mới, Phó Chủ tịch nước nhấn mạnh phụ nữ thành công khi tranh thủ được các nguồn lực và cơ hội để vươn lên, làm chủ tri thức; tham gia các cơ quan hành chính công, tổ chức chính trị, xã hội, doanh nghiệp và cả nền kinh tế. Đồng thời, thành công cũng gắn liền với sự độc lập về kinh tế và sự bền vững, đòi hỏi người phụ nữ cần bảo đảm sức khỏe cả về thể chất, trí tuệ và tinh thần.
Phó Chủ tịch nước khẳng định phụ nữ đang không ngừng vươn lên để chuyển hóa những thách thức trong kỷ nguyên số và Cách mạng công nghiệp 4.0 thành cơ hội cho chính bản thân mình và nền kinh tế.
Phó Chủ tịch nước thông báo những thành quả của phụ nữ Việt Nam trong các lĩnh vực, trong đó phụ nữ chiếm 31% lãnh đạo doanh nghiệp, đưa Việt Nam vào trong danh sách những quốc gia có thứ hạng cao về chỉ số cơ hội và sự tham gia của phụ nữ trong nền kinh tế.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch nước cũng nhận định trong kỷ nguyên số, sự phát triển của khoa học công nghệ có nguy cơ làm tăng khoảng cách giới tiếp nếu phụ nữ không được trang bị những tri thức, kỹ năng và phương thức lao động mới.
Trong bối cảnh như vậy, Phó Chủ tịch nước kêu gọi sự hợp tác giữa các quốc gia, các tổ chức và doanh nghiệp trong việc xây dựng khuôn khổ pháp lý bảo đảm bình đẳng về cơ hội cho phụ nữ và hỗ trợ phụ nữ thích ứng tốt hơn trong kỷ nguyên số.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh kêu gọi phụ nữ hãy nỗ lực để phát huy tiềm năng, nắm bắt công nghệ, chủ động học hỏi để có thể đáp ứng được những đòi hỏi của việc làm chất lượng cao và sự dịch chuyển lao động trong thời đại số.
Về phía Việt Nam, Phó Chủ tịch nước khẳng định những nỗ lực của Việt Nam trong lĩnh vực này, trong đó có các chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho phụ nữ trong kinh doanh, khuyến khích phụ nữ tham gia vào các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật, nông nghiệp chất lượng cao…
Chủ tịch Hội nghị Thượng đỉnh Phụ nữ Toàn cầu, bà Irene Natividad và các đại biểu quốc tế đánh giá cao những thành tựu của Việt Nam trong bảo đảm bình đẳng giới, trao quyền cho phụ nữ và đặc biệt ấn tượng về sự năng động của các nữ doanh nhân Việt Nam.
Cùng ngày, Đoàn Việt Nam tham gia, đóng góp tích cực tại các hoạt động của Hội nghị, trong đó có Phiên thảo luận bàn tròn cấp Bộ trưởng về vai trò của đối tác công - tư trong thúc đẩy cơ hội kinh tế cho phụ nữ và trẻ em gái, Diễn đàn Phó Tổng thống/ Phó Thủ tướng, Diễn đàn hợp tác kinh doanh với Thụy Sỹ.
Trong 2 ngày tiếp theo của Hội nghị, Đoàn Việt Nam sẽ tiếp tục tham gia tích cực vào các Phiên toàn thể về Lãnh đạo trong kỷ nguyên số, Đa dạng giới trong tình hình mới, Tình hình thị trường toàn cầu, Tương lai tin tức trong kỷ nguyên Internet II, Xác định hạnh phúc cá nhân và sự hài lòng trong sự nghiệp,… và các phiên thảo luận hẹp về kỹ năng lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp, bảo đảm sự ổn định tài chính cho phụ nữ. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt Nam cũng tham gia 1 gian hàng tại Hội nghị nhằm giới thiệu một số sản phẩm của Việt Nam, thu hút sự quan tâm của đông đảo bạn bè quốc tế.
Bên lề Hội nghị, Phó Chủ tịch nước đã tiếp bà Nadine Girault, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Pháp ngữ bang Quebec, Canada; làm việc với lãnh đạo tập đoàn ABB.
Được thành lập và hoạt động từ năm 1990, Hội nghị Thượng đỉnh Phụ nữ Toàn cầu là một diễn đàn quốc tế lớn về bình đẳng giới. Hội nghị là nơi quy tụ các chính khách và doanh nhân từ khắp mọi nơi trên thế giới đến để trao đổi và thúc đẩy các sáng kiến nhằm khuyến khích sự đóng góp và tăng cường vai trò của phụ nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế.