Đối mặt với ngoại tình, vấn đề tưởng như rất riêng tư và dân sự, pháp luật mỗi quốc gia có cách hành xử khác nhau.
Hàn Quốc, án tù cho người “ngoài luồng”
Đầu năm 2005, cựu Hoa hậu Hàn Quốc Kim Ye – Bun bị bắt vì phạm tội ngoại tình với một doanh nghiệp người Mỹ gốc Hàn. Phải nhờ vợ của người tình bãi nại, người đẹp mới được thả về.
Người chồng Park Chul và người vợ Ok So-ri trong vụ án ngoại tình nổi tiếng ở Hàn Quốc. Ảnh: NEW YORK TIMES |
Hai năm sau, làng giải trí Hàn Quốc lại xôn xao khi người chồng 40 tuổi đệ đơn kiện vợ mình là nữ diễn viên Ok So Ri vì tội ngoại tình với một đầu bếp người Ý. Trong phiên tòa mở tháng 11 năm đó, nữ diễn viên lại thẳng thắn công khai mối quan hệ của mình với một nam ca sĩ chứ không phải với người đầu bếp. Đôi “gian phu dâm phụ” chịu mức án khá nặng. Nữ ca sĩ bị kết án 18 tháng tù giam, người tình của cô nhận án phạt 6 tháng.
Trung bình, ở xứ sở Kim Chi, mỗi năm có hơn 1,2 ngàn người bị buộc tội ngoại tình. Luật hình sự Hàn Quốc quy định người nào đã có gia đình mà còn “tòm tem” sẽ chịu án tù lên đến hai năm, bạn tình cũng bị hình phạt tương tự.
Quy định này nhằm làm đàn ông chừa ước mơ đa thê, giúp phụ nữ khỏi thiệt thòi khi ra toà do chồng ngoại tình. Đã tống được chồng vào tù, người vợ “bị hại” còn được bồi thường thiệt hại tinh thần, được hưởng nhiều điều có lợi khác khi chia tài sản. Muốn kiện chồng ngoại tình, người vợ phải nộp đơn ly dị kèm theo.
Quy định này đã tồn tại 60 năm. Số liệu khảo sát cho thấy khoảng 70% dân Hàn Quốc ủng hộ luật.
Việt Nam, “mơ ước xa vời” của các bà vợ
Ở Việt Nam, chuyện những người vợ, người chồng tìm đến cái chết, hay hóa điên dại vì bị phản bội cũng không ít. Cách đây không lâu, người dân ở huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi) đau lòng đi dự đám tang của người chồng 38 tuổi tìm đến cái chết khi vợ ngoại tình. Nhiều năm trước, anh biết vợ mình quan hệ bất chính với một số người đàn ông khác, từng khuyên ngăn nhưng vợ không thay đổi. Trầm cảm, xấu hổ, người chồng uống thuốc trừ sâu tự vẫn.
Điều 147 Bộ luật Hình sự Việt Nam quy định tội vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng (còn gọi nôm na là ngoại tình). Theo điều luật, có thể truy cứu trách nhiệm hình sự khi hành vi vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng. Soi chiếu với vụ việc, có thể thấy vì gây nên cái chết của chồng, người vợ hoàn toàn có thể phải chịu tội hình sự. Vậy mà đã không có phiên xử nào được mở ra.
Phạt hành chính như “muỗi đốt inox” Nghị định 87/2001/NĐ - CP xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hôn nhân gia đình quy định mức phạt hành vi ngoại tình là 100 – 500 ngàn đồng, nay được coi là khá thấp, chưa đủ mức răn đe. Mới đây, Dự thảo Nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực tư pháp đã được xây dựng theo hướng, người đã có gia đình mà chung sống như vợ chồng với người khác (còn gọi là người ngoại tình) nhưng chưa gây hậu quả nghiêm trọng, sẽ bị phạt cảnh cáo, hoặc phạt tiền từ 200 ngàn đến một triệu đồng. Mức phạt này cũng áp dụng với người chưa có vợ, hoặc chưa có chồng, mà kết hôn, chung sống với người mà mình biết rõ là đang có vợ/chồng (còn gọi là người thứ 3) nhưng chưa gây hậu quả nghiêm trọng. Ngoài phạt tiền, dự thảo còn buộc người vi phạm phải chấm dứt các quan hệ hôn nhân trái pháp luật. |
Cũng theo luật, có thể xử lý hình sự nếu người vi phạm đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn tái phạm, như một vụ án TAND huyện Chương Mỹ (Hà Nội) từng xét xử. Sau bốn năm kết hôn, người chồng làm đơn ly hôn. Lúc đó người vợ đang có thai đứa con thứ hai, tòa chưa xem xét yêu cầu. Trong khi đó, người chồng đến với người đàn bà khác ở làng bên, làm đám cưới, đưa người “vợ” không hôn thú về nhà ở chung.
Hành vi bị tố cáo, người chồng bị xử phạt hành chính, nhưng vẫn tái phạm. Công an khởi tố vụ án vi phạm chế độ một vợ một chồng, Tòa án sau đó tuyên phạt người chồng 12 tháng cải tạo không giam giữ. Người vợ kháng cáo, đề nghị áp dụng hình phạt tù giam với người chồng phụ bạc. Phiên phúc thẩm diễn ra chóng vánh chưa đầy 30 phút, tuyên y án sơ thẩm. Lý do: Chưa đến mức nghiêm trọng.
Khái niệm “hậu quả nghiêm trọng” cấu thành tội ngoại tình theo luật định để từ đó có căn cứ cấu thành tội hình sự là làm cho gia đình của một bên hoặc cả hai bên tan vỡ, dẫn đến ly hôn..., theo nhiều chuyên gia pháp lý, vẫn được hiểu theo nghĩa hẹp.
Trong khi đó, đã có nhiều trường hợp, khi vợ/ chồng ngoại tình, người còn lại suy sụp tinh thần dẫn đến bỏ việc, đau buồn, chán đời, đổ bệnh mà chết, hoặc tự sát.
Liệu thân nhân của họ có đủ hiểu biết để khởi kiện, và nếu có khởi kiện thì cơ quan điều tra nào, Tòa nào sẽ đủ kiên nhẫn để chứng minh những cái chết đó là do hậu quả ngoại tình mà ra. Thế nên, dù luật đã quy định, vẫn ít có người nào bị xử lý hình sự vì “ăn vụng”.
Đó là chưa nói đến việc trong nhiều vụ việc, rõ mười mươi là ngoại tình, bắt tại trận, nhưng cơ quan chức năng đành bó tay không xử phạt hành chính vì giữa cặp “gian phu dâm phụ” không con chung, tài sản cũng không.
Trong khi đó, Thông tư liên tịch 01 ngày 25/9/2001 quy định việc chung sống như vợ chồng phải được chứng minh bằng việc có con chung, có tài sản chung, được hàng xóm và xã hội xung quanh coi như vợ chồng, đã được gia đình, cơ quan, đoàn thể giáo dục mà vẫn tiếp tục duy trì quan hệ. Mà đã không có xử phạt hành chính lần một về hành vi vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng, lấy đâu căn cứ để xử lý hình sự?
Hồng Minh