Theo Sở Thông tin và Truyền thông Phú Thọ: khi dịch vụ chứng thực bản sao điện tử trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia được triển khai, người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có nhu cầu chứng thực bản sao điện tử từ bản chính chỉ cần đến Bộ phận một cửa cấp xã và cung cấp bản chính hợp lệ. Sau đó công chức Tư pháp - Hộ tịch kiểm tra và quét dữ liệu lên Cổng Dịch vụ công Quốc gia (DVCQG) để xử lý.
Cán bộ xã Minh Nông, thành phố Việt Trì thực hiện cấp bản sao chứng thực điện tử trên Cổng DVCQG |
Lãnh đạo xã sẽ thực hiện ký số và chuyển qua bộ phận đóng dấu theo thẩm quyền. Kết quả được trả qua tài khoản cá nhân tại Cổng DVCQG (kho quản lý dữ liệu điện tử) hoặc email trong trường hợp chưa có tài khoản. Các thao tác đều được thực hiện trên môi trường mạng.
Bằng cách làm này, người dân, doanh nghiệp có thể thực hiện trực tuyến hoàn toàn đối với đa số các thủ tục hành chính đã được cung cấp trên môi trường điện tử. Một bản sao chứng thực điện tử hoàn toàn có thể được công dân sử dụng cho nhiều bộ hồ sơ trực tuyến khác nhau, thay vì mỗi bộ hồ sơ phải có một văn bản chứng thực riêng, do vậy tiết kiệm được rất nhiều về công sức, thời gian, chi phí.
Trước đó, để đảm bảo các điều kiện phục vụ chứng thực bản sao điện tử từ bản chính, Sở Thông tin và Truyền thông đã tham mưu UBND tỉnh triển khai dự án, cấp 100% máy quét (scan) cho 225 xã, phường, thị trấn phục vụ chứng thực điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính.
Sở cũng phối hợp với VNPT Phú Thọ tổ chức hướng dẫn các cơ quan, đơn vị đăng ký tài khoản trên Cổng DVCQG để thực hiện dịch vụ. Đến nay đã cấp hơn 900 tài khoản trên Cổng DVCQG cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác chứng thực các xã, phường, thị trấn. Đồng thời, Sở cũng tập trung chỉ đạo, bố trí cán bộ là đầu mối giám sát việc lắp đặt, hướng dẫn khai thác sử dụng dịch vụ chứng thực điện tử; kịp thời tháo gỡ, khắc phục những vướng mắc, phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện.