Phú Thọ: Xuất hiện nhiều điểm sạt lở bờ sông sát nhà dân

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Do ảnh hưởng của đợt mưa bão diễn ra liên tục trong gần một tháng qua cộng với việc xả lũ từ đầu nguồn làm lượng nước trên các tuyến sông chảy qua địa bàn tỉnh Phú Thọ dâng cao nên xảy ra nhiều điểm sạt lở. Có những điểm sạt lở cách nhà dân chỉ vài chục mét, khiến cho người dân không khỏi lo lắng…
Do mưa liên tục diễn ra trong nhiều ngày cùng với mực nước sông dâng cao, nước chảy xiết dẫn đến việc sạt lở bờ sông cách gia đình bà Liên ở thôn Ninh Viên, xã Trị Quận chỉ vài chục mét.
Do mưa liên tục diễn ra trong nhiều ngày cùng với mực nước sông dâng cao, nước chảy xiết dẫn đến việc sạt lở bờ sông cách gia đình bà Liên ở thôn Ninh Viên, xã Trị Quận chỉ vài chục mét.

Nửa đêm dắt bò chạy lũ

Cách đây chưa đầy một tháng, nhiều nhà dân sống bên bờ sông Đà hay sông Lô chảy qua địa bàn các huyện Tam Nông, Thanh Sơn và Phù Ninh… của tỉnh Phú Thọ đã xảy ra tình trạng sạt lở nghiêm trọng. Đặc biệt, có những vị trí sạt lở nằm sát khu vực chân cầu Trung Hà (thuộc địa bàn xã Dân Quyền, huyện Tam Nông), đe doạ gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân.

Còn những ngày gần đây, theo ghi nhận của phóng viên, mực nước của các con sông nói trên luôn ở trong tình trạng dâng cao. Đáng chú ý, dọc tuyến sông Lô chảy qua 7 xã thuộc huyện Phù Ninh cũng gây ra tình trạng sạt lở bãi bồi và sạt lở bờ sông sát ngay nhà dân.

Điển hình như hộ gia đình bà Trần Thị Liên (ở khu 10, thôn Ninh Viên, xã Trị Quận, huyện Phù Ninh). Năm 1989 gia đình bà Liên xin đất và về đây làm nhà ở từ cuối năm 1990. Hằng năm, vào mùa mưa bão cũng xảy ra tình trạng sạt lở nhưng không đáng kể. Tuy nhiên, cách đây 3-4 năm xảy ra vụ sạt lở bờ sông khá lớn vào đến tận cống Cầu Đen nằm ở chân đê và cũng sát ngay nhà bà. Còn những ngày vừa qua, do mưa liên tục cộng với việc xả lũ từ đầu nguồn khiến cho dòng chảy thay đổi dẫn đến khu đất sát nhà ở của gia đình bị sạt lở mạnh. Nhiều cây trồng sát mép sông bị nước cuốn trôi.

Nhiều chỗ đất trong vườn của gia đình bà Liên bị xói mòn tiềm ẩn nguy cơ sạt lở bất cứ lúc nào.

Nhiều chỗ đất trong vườn của gia đình bà Liên bị xói mòn tiềm ẩn nguy cơ sạt lở bất cứ lúc nào.


“Không dừng lại đó, nhiều chỗ đất trong vườn cách nhà vài chục mét cũng bị xói mòn, khiến cho gia đình không khỏi lo lắng. Có những đêm mưa to, nước lũ dâng cao, thấy sạt lở phía bờ sông, gia đình vội vàng dắt bò chạy bỏ chạy lên đường. Hằng ngày, người thân trong gia đình cũng như hàng xóm đi qua không quên hỏi thăm tình hình sạt lở thế nào”, bà Liên chia sẻ.

Tương tự, tại địa bàn xã Tiên Du, huyện Phù Ninh, nhiều điểm bãi bồi người dân đang canh tác hoa màu và trồng cây lâu năm cách vị trí nhà ở một vài trăm mét cũng bị sạt lở sau nhiều ngày nước sông dâng cao, chảy siết cuốn đi. Tuy nhiên, do điểm sạt lở là bãi bồi cách xa chỗ ở nên cũng phần nào yên tâm hơn.

Ông Phạm Ngọc Lâm (khu 1, xã Tiên Du) cho biết, khu vực đất bãi bồi của gia đình đang canh tác chủ yếu là hoa màu nằm sát ngoài sông vài ngày trước bị sạt lở mất khoảng 50m3. Trong đó, vị trí sạt lở ăn sâu vào bờ khoảng 3-4m. Đây là khu vực bãi bồi, chủ yếu là phù sa và cát nên chỉ cần nước dâng lên vài ngày, khi rút đi là gây ra hiện tượng sạt lở. Năm nào vào mùa mưa lũ cũng xảy ra tình trạng này nhưng không bị nhiều như năm nay.

Điểm sạt lở tại bãi bồi đang được gia đình ông Phạm Ngọc Lâm canh tác trồng hoa màu ở xã Tiên Du.

Điểm sạt lở tại bãi bồi đang được gia đình ông Phạm Ngọc Lâm canh tác trồng hoa màu ở xã Tiên Du.

Không chỉ riêng gì khu vực nói trên, tại các xã Phú Mỹ, Bình Phú, An Đạo… của huyện Phù Ninh cũng xảy ra tình trạng sạt lở tương tự. Trước tình trạng trên, cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh, huyện cũng như chính quyền địa phương đã thường xuyên, liên tục chỉ đạo, ban hành các kế hoạch phòng chống thiên tai do mưa lũ gây ra.

Chủ động ứng phó với thiên tai

Trao đổi với phóng viên, ông Lê Xuân Kết – Chủ tịch UBND xã Tiên Du cho biết, trên địa bàn xã có dòng sông Lô chảy qua 10 khu dân cư với chiều dài hơn 5,6km. Hằng năm vào mùa mưa mực nước dâng cao gây sạt lở bãi bồi nhưng rất nhẹ và không đáng kể. Có năm 2021 thì bị sạt lở nặng, có chỗ sát nhà dân. Còn năm nay, do ảnh hưởng của đợt mưa kéo dài trong gần một tháng qua cộng với mực nước từ thượng nguồn xả về dẫn đến tình trạng sạt lở một số điểm ngoài bãi bồi. Vị trí sạt lở thuộc khu vực một số hộ dân canh tác trồng cây hoa màu. Đây là đất bãi bồi do người dân tự khai thác, canh tác chứ chính quyền không giao hay cho thuê.

“Khi xảy ra sạt lở, có thông tin cho rằng nguyên nhân sạt lở do ảnh hưởng của việc khai thác khoáng sản hay nghi vấn nạn hút cát trộm nhưng đây là thông tin không đúng. Vì ngay sau xảy ra việc sạt, lở, cơ quan chức năng của huyện và chính quyền xã đã đi kiểm tra, lập biên bản đối với các hộ dân có đất bị sạt lở đều thừa nhận việc bãi bồ bị sạt lở là do thiên tai, mưa lũ gây ra. Đặc biệt, dọc tuyến sông chảy qua địa bàn xã có khu vực bến thuỷ nội địa, người dân sống tại khu vực dọc bờ sông chủ yếu bằng nghề tàu thuyền. Khi họ về neo đậu tàu, thuyền tại ở bờ sông được cơ quan chức năng cho phép khiến cho nhiều người không biết nghĩ rằng, tàu thuyền các nơi về khai thác khoáng sản”, ông Lê Xuân Kết thông tin thêm.

Được biết, ngày 7/5/2024, UBND huyện Phù Ninh đã ban hành Chỉ thị số 04 do ông Nguyễn Hữu Nhật – Chủ tịch UBND huyện ký, về việc tăng cường công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và đảm bảo an toàn công trình thuỷ lợi trên địa bàn huyện, đồng thời ngày 8/5/2024, Chủ tịch UBND huyện Phù Ninh tiếp tục ban hành kế hoạch phòng chống thiên tai trên địa bàn huyện năm 2024. Qua đó, các đơn vị chức năng và địa phương trong huyện đã chủ động thực hiện triển khai một cách nghiêm túc, hiệu quả.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Phúc Xuyên - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phù Ninh cho biết, Phú Thọ là tỉnh trung du, miền núi, địa hình bị chia cắt bởi nhiều sông, suối và khu vực đồi núi. Những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nên tình hình thiên tai diễn biến phức tạp, gây thiệt hại lớn đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của nhân dân. Nhằm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, các cấp, các ngành của tỉnh luôn chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống từ sớm, từ xa với phương châm “Phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả”.

Vị trí đất bãi bồi của gia đình ông Trần Xuân Trường ở khu 1, xã Tiên Du trồng hoa màu cũng bị sạt lở do mưa lũ gây ra.

Vị trí đất bãi bồi của gia đình ông Trần Xuân Trường ở khu 1, xã Tiên Du trồng hoa màu cũng bị sạt lở do mưa lũ gây ra.

Trong đợt mưa lũ kéo dài vừa qua, trên địa bàn huyện xảy ra nhiều điểm sạt lở, trong đó có điểm sạt lở bờ sông sát nhà dân xảy ra ở xã Trị Quận, còn sạt lở bãi bồi xảy ra ở xã Tiên Du và một số xã khác. Những “điểm đen” này cũng đã được cơ quan chức năng đưa ra cảnh báo và đã có kế hoạch ứng phó. Quá trình kiểm tra, đơn vị chức năng của huyện đã phối hợp với chính quyền địa phương và người dân ghi nhận thực tế rồi báo cáo, tham mưu cho lãnh đạo huyện đưa ra biện pháp khắc phục.

“Với vai trò chức năng của mình, Phòng NN&PTNT huyện đã chủ động tham mưu cho UBND huyện các nhiệm vụ về phòng, chống thiên tai theo quy định của pháp luật; chỉ đạo phương án sản xuất nông nghiệp phù hợp với điều kiện tự nhiên, thời tiết của từng khu vực để giảm thiểu thiệt hại; lắp đặt biển cảnh báo nguy hiểm nơi có nguy cơ sạt lở để nhân dân biết phòng, tránh. Bên cạnh đó, việc duy trì nghiêm chế độ trực ban, chủ động theo dõi thông tin, báo cáo kịp thời về tình hình thiên tai trên địa bàn huyện cũng được thực hiện nghiêm”, ông Xuyên chia sẻ.

Đọc thêm