Đối với NaviBank, ngân hàng này cho chính các nhân viên của mình vay tiền với “mục đích tiêu dùng” nhưng mục đích thật sự là chỉ đạo những người này gửi tiền với tư cách cá nhân vào VietinBank. Dĩ nhiên, việc cho các cán bộ công nhân viên này vay đã vi phạm các điều kiện vay vốn theo quy định của pháp luật.
Ai chủ mưu cho nhân viên vay tiền?
Tại phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án Huyền Như lừa đảo, đại diện Viện Kiệm sát đã hỏi đại diện Navibank: Việc ký hợp đồng cho các nhân viên của mình vay tiền đem đi gửi tại VietinBank là chủ trương của ai? nhưng vị đại diện này xin phép không trả lời.
Tiếp theo, đại diện Viện Kiểm sát công bố công khai: Trong quá trình điều tra, các thành viên HĐQT Navibank đã có văn bản trả lời chính thức việc gửi tiền tại VietinBank là theo chủ trương của HĐQT NaviBank.
Trong phần bào chữa, Luật sư Nguyễn Văn Trung - Đoàn luật sư TP. HCM chỉ ra những sai phạm của Ngân hàng Navibank: Sai phạm trong hợp đồng của Navibank với nhân viên của ngân hàng này; Việc chỉ đạo nhân viên vay tiền theo hợp đồng tiêu dùng… Theo quan điểm của ông Trung thì Ngân hàng Navibank đã có hàng loạt sai phạm trước khi gửi tiền.
Luật sư Nguyễn Văn Trung đã nêu nhiều tài liệu, chứng cứ về chủ trương của Navibank cho nhân viên vay tiền. Sau đó, những nhân viên này dùng đó gửi tại VietinBank hưởng lãi suất chênh lệch ngoài hợp đồng từ 2,5% - 8%/năm. Việc giải ngân được thực hiện bằng chuyển khoản từ tài khoản tại Navibank sang tài khoản cá nhân vừa mở tại VietinBank.
Để triển khai chủ trương này, Navibank phân công: ông Lê Quang Trí - Tổng Giám đốc xác nhận thương lượng lãi suất gửi, số tiền gửi, kỳ hạn gửi và cách thức gửi tiền; ông Trần Thanh Bình - Trưởng Phòng Quan hệ khách hàng lập hồ sơ vay trình hội đồng tín dụng và giải ngân; ông Đoàn Đăng Luật - Trưởng Phòng Nguồn vốn liên hệ mở tài khoản cho 14 nhân viên của Navibank tại VietinBank, đồng thời nhận lãi suất chênh lệch ngoài hợp đồng và giao lại cho Phòng Ngân quỹ.
|
Huyền Như cùng đồng phạm tại tòa. |
Cũng theo hồ sơ vụ án có tại cơ quan điều tra, bút lục lời khai của 14 nhân viên Navibank khai nhận: Chỉ đứng tên giúp Navibank và không được lợi ích gì cả. Các nhân viên này cũng thừa nhận thực tế họ không có tiền để gửi tại VietinBank.
Đồng thời, các tài khoản đứng tên của các nhân viên này tại VietinBank hoàn toàn giao phó cho Huyền Như và cán bộ Navibank quản lý sử dụng. 14 cá nhân này cũng không hề được hưởng tiền LS của hợp đồng tiền gửi, cũng không phải trả tiền lãi vay cho Navibank.
Ngay tại phiên xét xử, các cơ quan tố tụng và Luật sư Trung đã chứng minh: Qua hành vi này, Navibank đã thu lợi từ các giao dịch bất hợp pháp nêu trên số tiền hơn 24 tỷ đồng. Trong đó tiền chênh lệch chi ngoài hợp đồng do Đoàn Đăng Luật nhận từ Huyền Như nộp lại cho NaviBank là 9.455.241.667 đồng; tiền lãi 14% theo hợp đồng chuyển vào tài khoản của Huỳnh Vĩnh Phát là 15.113.888.888 đồng.
Tại biên bản làm việc ngày 11/4/2012 với Cơ quan điều tra, ông Nguyễn Giang Nam (Phó Tổng giám đốc Navibank) và ông Đoàn Đăng Luật (Trưởng phòng nguồn vốn Navibank) đã xác nhận 14 nhân viên Navibank chỉ ký tên vào các hợp đồng tiền gửi và phụ lục, đến hạn thì ký lệnh chi để chuyển từ tài khoản thanh toán VTB TPHCM, sang tài khoản tại Navibank.
Ông Nguyễn Giang Nam đã thừa nhận số tiền này là do Như phạm tội gây ra, nếu Cơ quan điều tra yêu cầu sẽ tự nguyện hoàn lại.
Sai phạm giống ACB nhưng chưa bị xử lý?
Tại phiên tòa, Luật sư Nguyễn Văn Trung cho rằng: Chủ trương này của Navibank đã vi phạm pháp luật. Cụ thể, tại công văn 350/NHNN-TTGSNH ngày 17/5/2012, NHNN đã xác định: Navibank cho các nhân viên vay tiền để gửi tại VietinBank để lấy LS 22%/năm đã vi phạm điều kiện cho vay vốn quy định tại khoản 4 điều 7 Quyết định 1627/QĐ-NHNN ngày 31/12/2001 của Thống đốc NHNN. Sai phạm này giống với sai phạm của ACB.
Đặc biệt, với bản chất là “Đưa tiền cho các nhân viên rồi yêu cầu nhân viên đó đi gửi tiền tại VietinBank” cũng là vi phạm giống với sai phạm của ACB là “Ủy thác cho nhân viên mang tiền để đi gửi tiền”.
Hồ sơ vụ án cho thấy, các nhân viên Navibank chỉ đứng tên giúp Navibank trong hợp đồng gửi tiền, họ hoàn toàn không có quyền hạn để tham gia giao dịch; họ không nhận, không trả lãi vay cho Navibank và cũng không được nhận tiền LS hoặc chênh lệch ngoài từ những hợp đồng do chính họ đứng tên.
Luật sư Trung tại phiên xét xử phúc thẩm đã cho rằng “Navibank vi phạm quy chế cho vay vốn giữa các tổ chức tín dụng ban hành kèm theo Quyết định 1310/2001/QĐ-NHNN ngày 15/10/2001 của Thống đốc NHNN.
Ngoài ra, Navibank cũng vi phạm thông tư số 02/2011/TT-NHNN ngày 3/3/2011 của NHNN quy định mức lãi suất huy động vốn tối đa bằng VND; vi phạm điều 106 Luật các Tổ chức tín dụng năm 2010 và Quyết định 742/2000/QĐ-NHNN ngày 17/2/2000 của Thống đốc NHNN Việt Nam.
Việc làm này không khác gì sai phạm của ACB và đã bị xét xử trong vụ Nguyễn Đức Kiên. Điều đáng nói là bản án xét xử vụ án Nguyễn Đức Kiên đã qua xét xử sơ thẩm, phúc thẩm và đã có hiệu lực pháp luật”.
Vậy tại sao cùng mô thức vi phạm pháp luật tương tự, nhưng bầu Kiên và lãnh đạo ACB bị phạt tù, trong khi những người có trách nhiệm tại Navibank lại chưa bị pháp luật xem xét, xử lý những sai phạm?
VKS nói gì?
Về quan điểm của luật sư ACB, Navibank, VKS đồng tình việc cấp sơ thẩm có thiếu sót nhưng thiếu sót này không quan trọng và không thay đổi bản chất vụ việc.
|
Về quan điểm của luật sự hai ngân hàng ACB và Navibank, nêu việc việc gửi tiền của họ không khác 5 công ty được VKS đồng thuận quan điểm, công tố viên cho rằng: Hai trường hợp này là khác nhau về bản chất gửi tiền
“Giống như hành vi của thành niên và vị thành niên. Hành vi ở đây là biết luật mà vẫn cố tình phạm luật”, VKS nói.
Theo VKS, hai đơn vị này đã làm trái luật. Tài khoản tiền gửi của nhân viên ACB và Navibank mở ra được sử dụng vào mục đích bất hợp pháp. Các nhân viên này mở tài khoản nhưng họ không có nhu cầu. Việc mở tài khoản là để ngân hàng ACB và Navibank chuyển tiền đến.
Hành vi sai phạm của ACB và Navibank diễn ra trong bối cảnh Nhà nước đang siết chặt để quan hệ tiền tệ lành mạnh. Vì lợi nhuận cục bộ mà các ngân hàng này đã vi phạm pháp luật dẫn tới việc Huyền Như chiếm đoạt tiền.
Những vấn đề xác định hành vi chiếm đoạt của Huyền Như tại hai ngân hàng này đã thỏa mãn các yếu tố lừa đảo chiếm đoạt.
Trong mối quan hệ này, nhân viên ACB, Navbibank là người trực tiếp gửi tiền và đã bị Huyền Như chiếm đoạt. Bản chất đây là tiền của ACB và Navibank.
VKS khẳng định không đồng tính với quan điểm của luật sư hai ngân hàng này.
Qua đây có thể thấy, cùng một bản chất lách luật giống nhau nhưng đại diện VKS tại phiên toà phúc thẩm lại kiến nghị hướng xử lý khác nhau. Chúng ta cùng chờ xem HĐXX sẽ phán quyết số phận của các giao dịch vỏ bọc này và các khoản tiền xuất phát từ các ngân hàng cố ý lách luật trong vụ án như thế nào trong ít ngày tới.
Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này./.