Có thể nói nhiếp ảnh là nghệ thuật, mà để làm bất kỳ một loại nghệ thuật nào cũng cần phải có đam mê. Đam mê với nghề nhiếp ảnh của anh được khơi nguồn từ đâu?
Thời tôi còn là sinh viên, phong trào khởi nghiệp bắt đầu phát triển và nở rộ. Khi đọc về những tấm gương khởi nghiệp như Hồ Hoàng Hải, Phú Thành, Đặng Lê Nguyên Vũ, tôi ngưỡng mộ và cũng khát khao được làm chủ, được người khác gọi là “doanh nhân”. Song lúc đó vẫn là sinh viên, vẫn nhận trợ cấp của gia đình, vốn liếng thì không có, tôi chợt nghĩ đến nhiếp ảnh vì thấy nghề đó xem chừng dễ học.
Nghĩ là làm, tôi bắt tay vào tìm hiểu nghề nhiếp ảnh trên thư viện, học một khóa học ở Cung Văn hóa do thầy Lại Hiển dạy, rồi vào làm việc ở 1 studio có tiếng tại Hà Nội. Dù ban đầu đến với nghề không phải do đam mê nhưng qua mỗi ngày, tình yêu, đam mê với nghề lại lớn dần lên trong con người tôi.
Từ một cửa tiệm nhỏ với cơ sở vật chất đơn sơ cho đến bây giờ thương hiệu Vivian đã được 10 năm với sự uy tín nhất định trong làng nghệ thuật ảnh viện. Con đường đi tới thành công của anh trải qua những bước gian nan nào, thưa anh?
Vào năm 2007, tôi bắt đầu mở cửa hàng nhỏ từ số vốn vỏn vẹn 4 triệu đồng. Vì vốn quá ít nên việc đầu tư cơ sở, máy móc bị hạn chế rất nhiều. Lúc đó, tôi luôn nuôi tham vọng mở studio lớn hơn với đầy đủ trang thiết bị. Cơ hội đến với tôi khi vào năm 2009, tôi mua lại được thương hiệu của Vivian ở 148 Trương Định. Sau 1 năm phát triển, chị Nguyễn Thu Thủy - hiện là Giám đốc điều hành Vivian, đã thuyết phục hợp tác đầu tư để mở rộng và phát triển thương hiệu. Đây có lẽ là bước ngoặt lớn nhất của Vivian. Nhờ sự đồng điệu trong tư duy, nhiệt huyết và cách quản lý, chúng tôi đã đưa Vivian ngày càng lớn mạnh, trở thành một hệ thống chuyên nghiệp như hiện nay.
Khó khăn lớn nhất của tôi có lẽ đến từ việc quản lý. Vì xuất phát điểm là người thợ nên khi tôi lên làm chủ không thể tránh được những trở ngại đến từ khâu quản lý tài chính, tổ chức nhân sự, điều hành. Nhận thức được điểm yếu của mình nên tôi tự nhủ bằng mọi cách phải nỗ lực học hỏi, chăm chú bồi đắp kinh nghiệm và Vivian ngày hôm nay chính là thành quả xứng đáng cho quá trình miệt mài phấn đấu của cá nhân tôi cũng như tất cả các thành viên trong đại gia đình Vivian.
Thị trường áo cưới Hà Nội tuy nhiều tiềm năng nhưng cũng tồn tại lắm thách thức. Vậy Vivian đưa ra chiến lược đặc biệt gì để tăng sức mạnh cạnh tranh với các đối thủ khác? Sau hơn 10 năm phát triển, Vivian đã đạt được hiệu quả gì khiến anh hài lòng nhất?
Tại Vivian, uy tín và chất lượng sản phẩm luôn được đặt lên hàng đầu bởi chúng tôi xác định khách hàng là đối tượng phục vụ và cũng là mục tiêu cuối cùng để hướng tới. Chỉ khi làm khách hàng cảm thấy hài lòng và thỏa mãn thì Vivian mới có cơ sở để tồn tại.
Nhằm mang đến cho khách hàng những giá trị lợi ích tốt nhất, chúng tôi luôn tìm tòi và tạo ra những sản phẩm, dịch vụ không chỉ có chất lượng tốt mà còn khác biệt. Cũng chính sự khác biệt tạo nên sức cạnh tranh cho Vivian trên thị trường. Và vì đi lên từ thợ nên tôi càng hiểu nghề, hiểu được cái gì nên làm và phải làm cho khách cũng như làm thế nào để sáng tạo ra những sản phẩm mới chất lượng.
Sau hơn 10 năm phát triển, Vivian may mắn đã có chỗ đứng nhất định trong lòng khách hàng và chính những khách hàng lại là kênh PR hiệu quả nhất. “Tiếng lành đồn xa”, thương hiệu Vivian ngày càng được nhiều người biết đến và lựa chọn. Đó cũng là điều tôi tâm đắc nhất.
Ngoài việc là điểm đến lưu giữ khoảnh khắc cho các đôi uyên ương, Vivian còn đầu tư cho khóa dạy và đào tạo chuyên sâu về Make up, nhiếp ảnh… Anh có thể chia sẻ sâu hơn về các hoạt động đào tạo và thành tựu của Học viện Vivian?
Xét theo chiều rộng, Vivian đã có hệ thống cửa hàng với mạng lưới rộng khắp, do đó chúng tôi hướng tới phát triển dịch vụ theo chiều sâu. Chúng tôi hiểu nghề, đủ kinh nghiệm để đào tạo mà nhu cầu thị trường lại rất cao nên đó là lý do Học viện Vivian ra đời.
Học viện không chỉ là nơi đào tạo nghề mà tôi luôn coi đó như một diễn đàn để mình có thể chia sẻ kinh nghiệm về nghề, về lối tư duy kinh doanh cho các bạn trẻ. Tôi đến với nghề này đều là tự mò mẫm, tìm tòi nên hơn ai hết tôi hiểu những sự định hướng quan trọng thế nào. Và Học viện Vivian mong muốn trở thành người chỉ đường cho các bạn trẻ có đam mê. Ngược lại, nhiều bạn trẻ khi được đào tạo bài bản lại quay trở lại cống hiến cho Vivian, tức là chúng tôi đang đào tạo nhân lực cho chính mình.
Lời khuyên của anh dành cho những bạn trẻ đam mê với ống kính máy ảnh và đang có ý định đi tiếp trên con đường này?
Không chỉ riêng nghệ thuật mà bất kỳ ngành nghề nào cũng cần có đam mê. Khi bạn đam mê tức là bạn đã có một nửa thành công. Nửa còn lại là phải kiên trì theo đuổi. Tất nhiên theo đuổi đam mê không phải lúc nào cũng suôn sẻ, sẽ có lúc bạn gặp chông gai, bão tố xong khi vượt qua tất cả thì quả ngọt thành công sẽ là món quà dành tặng bạn.
Hơn nữa, thành công trong cuộc sống không chỉ cần đam mê mà còn cần kiến thức. Tôi sẵn sàng chia sẻ kiến thức cho các bạn trẻ muốn phát triển và kinh doanh nghề nhiếp ảnh.
Cảm ơn anh!