1. Một con người khác trong tranh Phương Bình, đó là người đàn bà nổi loạn và phóng khoáng, đau đớn, run rẩy nhưng đầy khát vọng. Thân phận đàn bà với bao nỗi truân chuyên, khổ đau, mất mát từ cuộc đời riêng của mình đã được Phương Bình trải lòng trên mặt giấy, chị vẽ như lên đồng, như rồ dại, vẽ ào ạt suốt ngày đêm để nhào nặn những tác phẩm mang tên “Đàn bà”. Tôi như bị lạc vào thế giới đàn bà của chị, một cõi mơ màng, một không gian đẫm sắc màu lạ lẫm và riêng biệt, rất Phương Bình.
Hẹn gặp chị vào một sớm mùa thu, trong không gian lãng đãng, dịu mát, yên tĩnh ở quán cafe nhỏ, Bình bảo rằng đời đẹp quá nhỉ, giờ mà bày giá vẽ thì thích quá! Người đàn bà vẽ ấy bắt đầu câu chuyện với câu nói thật dễ thương, cảm giác như vẽ là thức ăn hàng ngày của chị, bất cứ chỗ nào chị cũng có thể ngồi vẽ khi có cảm xúc. Chị kể có lần ngồi trên hè phố vẽ, không cần biết mọi thứ xung quanh.
Tôi không thể hình dung nổi người đàn bà sang tuổi 45 mà trẻ trung đến lạ, hồn nhiên đến lạ. Bình đẹp lắm, mắt to tròn, đen láy. Khóe miệng mọng và tươi. Dáng nhỏ nhắn, trắng trẻo và ăn vận độc đáo. Chị nói chuyện dịu dàng, cười kín đáo, tiếng Nghệ đặc sệt, ấm trầm. Chị khoe là con trai vừa cưới vợ, đứng cạnh con mà ai cũng nghĩ là chị em, chị vui lắm khi cuộc đời cho chị đứa con trai hiếu thảo, thương mẹ.
Tôi nhắc đến tranh, Bình hoạt bát hẳn lên, hào hứng cuốn vào câu chuyện say mê. Nói về những tác phẩm mình vẽ và đặc biệt về đàn bà, đàn bà “nude”, chị kể chi tiết về ý tưởng, hình khối, sắc màu để tạo ra nó. Đàn bà dưới bàn tay tài hoa của Bình hiện ra với những sắc thái riêng biệt, lạ lùng, mê hoặc. Những khuôn mặt đàn bà không rõ nét, điểm nhấn là những nét đẹp nhất, gợi nhất trên cơ thể đàn bà được phô bày táo bạo, mãnh liệt, hấp dẫn, ma mị.
Chị luôn nhất quán tư duy trong tranh của mình, rằng tạo hóa sinh ra đàn bà là đẹp, không ai xấu, nên chị vẽ đàn bà nude là để khoe với đời về vẻ đẹp ấy, không phải giấu giếm, không phải bó buộc, đàn bà cần được chiêm ngưỡng, che chở và nâng niu.
Bước vào phòng tranh của chị, ta sẽ lạc vào thế giới đàn bà, mê đắm, dẫn dụ, lôi cuốn nhưng có một nỗi buồn xâm lấn, có lẽ bởi mỗi bức tranh đều ánh lên phảng phất nỗi buồn, đằng sau nét u sầu của khuôn mặt không rõ nét kia là một số phận, một thân phận đàn bà mà như chị đã chia sẻ, đó có thể là mẹ ta, là chị ta, em ta và cả chính ta nữa. Bởi vậy, tranh chị như một sự giãi bày thiết tha về cõi đàn bà ấy, ám ảnh lắm, da diết lắm!
|
Tác phẩm trên giấy dó của học sỹ Phương Bình. |
Những gì Bình muốn nói, chị đã thể hiện trên nét cọ, dứt khoát và mãnh liệt, cảm giác như Bình vẽ như một nhu cầu tự thân, vẽ như lên đồng, như điên rồ, chị có thể ngồi với giá vẽ cả ngày không rời cây cọ, bôi xóa, tung tẩy trên những tấm toan, thỏa sức sáng tạo, những mảng màu trộn lẫn, quyện vào nhau tạo ra những bức tranh lạ lùng, đáo để, gai góc và hấp dẫn, cứ thế, từng số phận đàn bà ngự trên giá vẽ như một lời tâm sự của Bình. Bình ngắm nhìn tác phẩm của mình như nhìn vào cõi riêng, cõi đàn bà sâu thẳm.
Nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo khi bước vào phòng tranh của chị, đắm say ngắm những bức vẽ đầy màu sắc, đầy trắc ẩn, ông đã phải thốt lên rằng: “Người đàn bà trong tranh Phương Bình là một thế giới, đầy mê hoặc, ẩn ức, vụn vỡ nhưng mãnh liệt, cháy bỏng. Và tôi đã nhận ra một “Đàn bà” thực sự ở cô với tất cả những cung bậc tâm tình nhất”. Hàng trăm bức “Nude” trên các chất liệu như giấy dó, sơn dầu, bột màu, gốm sứ... là hàng trăm góc cạnh của đàn bà.
Khi là vẻ đẹp kiêu sa, mĩ miều, khi là nét đau đớn, mất mát, hay khi là nỗi niềm phận đời, nét sầu nhân thế. Đây là giai điệu dịu dàng mang sự trải lòng với cuộc sống, đó còn là sự bùng phát đến cuồng si cõi tình. Người xem như bị hút vào những đường nét và sắc màu mơ hồ trong ảo giác. Sự quyến rũ trong cõi “Nude đàn bà” chính là sự độc đáo, ấn tượng trào lên trong cảm xúc, chứ không phải là những nét tả thực trần trụi.
Với những tác phẩm sơn dầu “Đàn bà” của chị, người xem có thể hình dung, lắng nghe những bản nhạc tình yêu ngân lên với cung bậc nặng trĩu nỗi niềm, những góc khuất đàn bà được chị gọi lên bằng nét vẽ cuồng say. Những tác phẩm mang tên “ Hai nửa đau”, “Cái bóng tôi”, “Tôi với tôi cạn ly”, “Kiếp luân hồi”, “Tự họa”, “Hoang mạc”... đã nói lên nỗi niềm sâu kín và nhân văn nhất của đàn bà, rằng vết thương nào rồi cũng qua đi, hãy biết tự làm lành bằng cách nghĩ về nỗi đau ít đi, quên đi và hướng trái tim cần bao dung và độ lượng. Chị đã biết mình như thế và vẽ đắm đuối cũng vì ý nghĩ ấy.
Phương Bình gọi tranh của mình là “Mùi đàn bà thức dậy”, đó là lời nói của cơn say vẽ vang lên mỗi khi Phương Bình cầm cọ. Vì những chuyến đi và tâm hồn bay bổng, cây cọ trong tay chị vụt biến hóa với những hình tượng chợt đến. Vẽ chỉ một đề tài là quá khó với bất kỳ họa sĩ nào, vẽ cho một câu chuyện về “Đàn bà” qua thủ pháp nude lại càng không dễ.
Ấy vậy mà Phương Bình vẽ như chơi, như phát điên, phát cuồng với muôn hình vạn trạng, với mọi góc nhìn khác nhau. Mỗi một bức tranh đàn bà của Phương Bình, ta như thấy mọi đường nét, mọi tiết tấu, rất riêng biệt, độc đáo và đẹp lạ thường.
2. Tiếp xúc, chuyện trò với Phương Bình, không ai nghĩ chị lại có một đời sống buồn và cô đơn như thế. Làm mẹ khi mới 19 tuổi, đó là nỗi buồn đầu đời của một người đàn bà và suốt 25 năm qua, chị vẫn lặng lẽ một mình, nuôi con, đi dạy và vẽ. Dường như người đàn bà ấy đã quên đi hạnh phúc riêng tư, quên đi quá khứ đã từng làm chị buồn đau và chị đã tìm đến hội họa như một cách để sống khác, sống mãnh liệt qua mỗi bức tranh.
Có lẽ vì thế mà cái chất đàn bà luôn ngập ngời trong xúc cảm của Phương Bình, đầy say đắm mà cô đơn, đau khổ. Tất cả đều toát lên từ con người chị, mềm mại, nữ tính nhưng cũng thật bùng vỡ, khao khát và cô đơn. Cái đẹp của người đàn bà dưới tay cọ của chị trở nên phóng khoáng, rõ ràng, thổn thức nhưng ẩn khuất bên trong là cả những nỗi đau giấu kín, những khát vọng mong manh. Bình yêu đàn bà, điều ấy quả không sai bởi chị quá hiểu về thân phận đàn bà, hiểu mình.
Có lần chị bảo, sao mình lại không yêu mình nhỉ, phải yêu con người mình nhất, cứ nuông chiều mình một chút đâu có sao vì đàn bà khổ lắm, tội lắm, đàn bà chịu nhiều bất hạnh. Vậy nên, không được ghét đàn bà, phải nâng niu, trân quý.
Chị luôn nhớ lời khuyên của bố chị là nhạc sĩ Tùng Vinh, khi còn sống luôn dạy chị rằng, cuộc đời này ngắn ngủi lắm, con hãy thương yêu tất thảy dù con đã có nhiều đau khổ, hãy biết vượt qua và yêu đời, yêu người. Điều đó sẽ giúp con đủ nghị lực để sống và sáng tạo.
|
Tác phẩm “Đàn bà” năm 2018 bằng chất liệu tổng hợp. |
Tranh là người, nhìn tranh cũng đoán ra được tính cách con người. Họa sĩ nhiều tâm sự thì vẽ tranh sẽ nhiều nỗi niềm. Phương Bình có bao nhiêu ẩn ức chất chứa thì tranh chị có bấy nhiêu đường nét tâm trạng, bấy nhiêu thổn thức. Niềm vui của chị là được vẽ, vẽ bất cứ ở đâu, bất cứ chất liệu nào. Chị vẽ say mê đến độ, có thể ngồi bệt ngoài đường ồn ã để vẽ, mọi thứ xung quanh đều rơi vào im lặng, chỉ mình chị độc thoại với tấm toan. Vẽ với chị lúc ấy là quên đi thực tại để sống một đời sống khác, đầy đam mê của người đàn bà mộng mị.
Họa sĩ họ Ngô này rất gắn bó với Hải Phòng, là dân xứ Nghệ nhưng chị có duyên với mảnh đất Hải Phòng. Chị nói rằng bởi vùng đất và con người nơi đây có nhiều điều đặc biệt, với tính cách bộc trực, thẳng thắn của người Hải Phòng đã cuốn hút chị và Bình không ngần ngại khi vẽ những mảnh màu gai góc, sắc nét, dữ dội về miền đất ấy.
Đài Truyền hình Hải Phòng làm phóng sự chân dung về chị, Phương Bình thật thà chia sẻ bằng chất giọng xứ Nghệ trọ trẹ dễ thương: “Tôi yêu Hải Phòng như quê tôi bởi con người ở đây ngay thẳng và trung thực, có phần táo bạo nhưng sống nghĩa tình trước sau. Người Nghệ chúng tôi cũng có những nét tính cách ấy. Với Hải Phòng, mỗi lần đến với tôi không phải là để vẽ, mà là trở về, trút bỏ những mỏi mệt, muộn phiền. Đứng trước cửa biển, tâm hồn tôi phóng khoáng, tự do và mãnh liệt, tôi tự thấy như thế vì tôi yêu con người và miền đất này”. Đi nhiều vùng đất và mỗi miền quê đều có dấu ấn tranh của chị nhưng có lẽ, Nghệ An và Hải Phòng là 2 vùng quê chị dành nhiều tình cảm hơn, thiết tha và sâu nặng.
Danh họa Picasso đã từng nói rằng, mất tận 4 năm để vẽ được như Raphael, nhưng phải tốn cả cuộc đời để vẽ như một đứa trẻ. Đời họa sĩ không phải ai cũng làm được như thế nhưng cái chất đàn bà trong tranh Phương Bình đã được gọi thành tên, bởi chị đã vẽ trong tận cùng say mê và đau khổ. Vẽ như kể chuyện đời mình, đời người. Vẽ say mê từ thuở còn là cô bé trường làng và mượn sắc màu, đường nét mà chuyển tải mọi xúc cảm đàn bà khi đã trải qua bao mất mát, đắng cay.
Con đường nghệ thuật của Phương Bình đang rộng mở. Chị vẽ cho mình, về mình và bao nhiêu thân phận đàn bà khắc khoải. Chị an nhiên với nghệ thuật, với những bức họa khác biệt. Chị tìm thấy bình yên trong thế giới ấy. Hạnh phúc của Phương Bình là được vẽ, vẽ những gương mặt đàn bà khác nhau, ma mị và đầy ám ảnh.