Khao khát gia đình
Buổi sáng, trời mưa lất phất. Khác với vẻ lạnh lẽo, vắng hoe phía ngoài sân, bên trong các dãy nhà của trung tâm, không khí làm việc nhộn nhịp hẳn. Có nhóm đang trồng nấm, có nhóm đang làm nón, thêu thùa, nhóm khác thì chăm sóc gà vịt. Tiếng chuyện trò rôm rả, thế nhưng vẫn dễ dàng nhận ra những ánh mắt ngờ nghệch, nụ cười ngô nghê trên những gương mặt bệnh nhân tâm thần.
Vừa thêu nón, chị Nguyễn Thị Thành vừa tâm sự, quê chị ở Bắc Ninh. Một lần nhảy lên tàu, chị đi tuốt một mạch đến Huế rồi quên mất đường về. Không nhà cửa, không tiền bạc, chị sống lang thang trên phố, đói rách, sau đó được đội quản lý đô thị đưa về trung tâm chăm sóc và chữa bệnh. Đã nhiều năm nay, chị chưa một lần được gặp người thân.
Khi đến trung tâm, chị chẳng nhớ mình là ai. Ngay cái tên “Thành”, cũng là do trung tâm đặt cho. Biết khách là Nhà báo, chị hớn hở: “Em nhớ mấy anh chị của mình lắm, chắc họ cũng rất nhớ em. Chụp giúp em tấm hình rồi đăng báo, để người thân em được nhìn thấy”, chị vừa nói vừa đưa tay tạo dáng, miệng cười tươi như hoa.
Chị Phan Thị Trang thì kể, mình có chồng con hẳn hoi. Sau khi chị phát bệnh, người chồng cuốn gói bỏ đi mất, mặc kệ vợ bệnh tật và hai đứa con nhỏ dại bơ vơ không nơi nương tựa. Ngày chị vào trại, đứa con nhỏ phải mang cho người ta làm con nuôi, đâu tận trong Nam:
“Ngày mô tui cũng ước, được một lần trở về nhà thăm con. Tui cũng ước có thật nhiều tiền để vào Nam tìm lại đứa con gái út. Tui chỉ muốn được một lần nhìn thấy gương mặt hắn, được ôm hắn trong lòng. Nhớ thương hắn đứt ruột, đêm nằm ngủ, tui mường tượng mãi, nhưng… mô có nhớ nổi gương mặt của hắn”.
Hỏi cặn kẽ hơn, chị vào trại ở, đứa nhỏ mang cho, đứa lớn giờ ở với ai? Chị trầm ngâm một lúc lâu, làm như suy nghĩ nhiều lắm, rồi áy náy bảo không thể nhớ ra. Một bệnh nhân ngồi bên cạnh chị nói chen vào: “Đừng tin hắn. Hắn nói láo đó” rồi cười phá lên. Chị Trang cự nự: “Chuyện nhà tui, không lẽ tui không nhớ?”.
Một bệnh nhân khác tóc đã bạc trắng, cho rằng năm nay 60 tuổi, có bảy đứa con. Các con bà đã khôn lớn, công việc đều ổn định, có người còn thành đạt, giàu có. Bà ở trung tâm đã 10 năm. Lúc đầu, cuối tuần nào con cháu cũng lui tới thăm nom.
Nhưng dần dà, những cuộc thăm viếng dần thưa thớt, nay dứt hẳn. Hễ thấy có người lạ đến trung tâm, bà lại nhấp nha nhấp nhổm, hớn hở, mong ngóng. Ngày nào bà cũng đứng ôm song cửa, ánh mắt già nua, buồn hiu hắt, đợi chờ người thân trong vô vọng.
Nghe bà lão than thở nỗi niềm nhớ con nhớ cháu, những bệnh nhân khác lại rúc rích cười, bảo bà làm gì có người thân, toàn là do bà tưởng tượng. Bà lão nguýt dài: “Tại họ không có người thân, cũng không có con cái đến thăm như tui, nên họ ganh tỵ đó. Mấy đứa con của tui, chắc bận bịu công chuyện, mới không có thời gian ghé lên đây”.
Hết lòng vì người bệnh
Ba nhân vật trên là điển hình trong số hàng trăm người đang cư ngụ nơi đây. Họ là những bệnh nhân được người nhà gửi đến trại, một số khác lang thang không nhà không cửa, được thu gom về. Theo ông Trần Lâm Tiến, Phó giám đốc Trung tâm, hiện trung tâm đang quản lý 487 bệnh nhân tâm thần, mỗi bệnh nhân là một hoàn cảnh, khác nhau về độ tuổi, giới tính, nhưng phần lớn chung một nỗi buồn thân phận. Những phận người không biết mình là ai, tên gì, ở đâu tới, không còn nhớ “dấu vết” gia đình, người thân.
Phụ bếp chuẩn bị các món ăn |
“Chính vì nỗi thiệt thòi của bệnh nhân nên tất cả các cán bộ nhân viên ở đây đều nặng lòng thương. Đối với những trường hợp không biết mình là ai, ở đâu đến, chúng tôi luôn trăn trở, tìm mọi cách để tìm người thân cho bệnh nhân.
Chỉ cần “moi” được chút thông tin từ người bệnh, biết được tên làng xã… chúng tôi sẽ tìm cách kết nối thông qua thư từ, điện thoại, thông báo trên báo đài. Chúng tôi luôn ý thức, biết đâu cha mẹ, anh em họ đang ở đâu đó, thắt ruột thắt gan, ngày đêm mỏi mòn tìm kiếm”, ông Tiến chia sẻ.
Theo chị Hà Thị Hồng Phương, phó trưởng phòng giáo dục hòa nhập cộng đồng, với những bệnh nhân mất ý thức, để “moi” được thông tin từ họ là điều vô cùng khó khăn. Nhưng bằng tình yêu thương, chăm sóc tận tình từ nhân viên trung tâm, sau thời gian dài được điều trị thuốc thang, được lao động, làm việc như những người bình thường, nhiều bệnh nhân dần dần ổn định tâm lý. Chắp nối, lượm lặt từ những câu chuyện vụn vặt của người bệnh, họ “lọc” được những thông tin quý báu.
Nhìn những gia đình từ các tỉnh xa xôi lặn lội đến trung tâm xin đón người thân về chăm sóc, nước mắt mừng vui của họ chính là niềm hạnh phúc của những người đang công tác tại đây, càng khiến họ có thêm động lực, kiên trì tìm kiếm người thân cho bệnh nhân.
Dù gia đình đón về, hay nhờ trung tâm nuôi dưỡng, miễn tìm được người thân cho bệnh nhân, họ mới cảm thấy yên lòng. Bởi những số phận kém may mắn sẽ bớt đi phần nào bất hạnh khi thỉnh thoảng có người thân tới lui thăm viếng, hay chỉ là những cuộc điện thoại được kết nối, khi bệnh nhân nhớ nhà.
Dẫu vậy, vẫn còn rất nhiều số phận, gắn bó cả đời với trung tâm, không ai lui tới, đến khi qua đời, cũng chỉ có những nhân viên nơi đây đưa tiễn đến nơi an nghỉ cuối cùng. Những phần mộ cô quạnh của họ, đến ngày giỗ, hoặc tết thanh minh, người của trung tâm lại tổ chức đi tảo mộ, thắp lên nén nhang an ủi những linh hồn bất hạnh.
Căn phòng thờ những người bệnh đã khuất được trung tâm bố trí ở cuối một dãy nhà khá trang trọng. Gian phòng dù toát lên vẻ lạnh lẽo, nhưng sạch sẽ, ngăn nắp, chứng tỏ mỗi tháng đều được lau dọn kỹ càng. Những người “nương tựa” ở căn phòng này đều là những người hoàn toàn mất liên lạc với người thân. Khi sống, họ nhờ vào sự chăm sóc của những người đang công tác ở đây. Đến khi thác xuống, cũng chính những cán bộ nhân viên hương khói linh hồn họ.
“Phương thuốc” đặc biệt
Trời đã gần trưa, mưa ngớt hạt, không khí ở các dãy nhà càng thêm sôi động. Ở khu nhà bếp, mùi thức ăn thơm nồng, lan tỏa khắp mấy dãy nhà. Hơn chục bệnh nhân chạy lui chạy tới, phụ giúp các nhân viên nhà bếp chuẩn bị cơm. Chị Phan Thị Trang hãnh diện chìa cánh tay có đeo tấm vải ghi chữ “đội trưởng đội tự quản”, rồi chỉ tay về phía mấy bệnh nhân như mình, giọng hớn hở: “Em quản lý mấy chị ấy đấy”.
Bệnh nhân trong khu trồng nấm |
Bên khu làm nấm, các bệnh nhân nam vừa huýt sáo vừa thao tác theo sự chỉ dẫn cặn kẽ của các nhân viên trung tâm. Bên khu chăn nuôi, nhiều bệnh nhân đang lúi húi vệ sinh chuồng gà, chuồng vịt. Dọc hành lang, vài người bệnh đang khệ nệ ôm một đống lá chuối vừa chặt xong, kéo dọc lối đi về chuồng bò.
Những ngọn lá dài quét xuống đất bật lên tiếng kêu xẹt xẹt khiến người đàn ông thích chí, bật cười khanh khách. Ở khu vực thêu nón của các bệnh nhân nữ, mọi người vẫn chăm chú với công việc. Những cánh tay nhấc lên nhấc xuống liên tục, đâm kim, rút chỉ một cách thành thục.
Theo ông Tiến, các bệnh nhân của trung tâm hàng tháng được nhận 900 ngàn tiền trợ cấp theo chính sách của nhà nước. Những bệnh nhân nào sau khi điều trị, bệnh tình ổn định, trung tâm tạo điều kiện để họ được làm việc, như là một cách để “tái hòa nhập” với cuộc sống.
Trung tâm nhận các mặt hàng gia công để các bệnh nhân làm như xếp giấy, thêu nón. Những bệnh nhân khỏe mạnh hơn thì tham gia sản xuất trồng rau, trồng nấm, chăn nuôi gà vịt, nuôi heo, nuôi bò. Tiền thu được từ các mặt hàng gia công và các sản phẩm thu được từ chăn nuôi, trồng trọt đều được bổ sung vào khẩu phần ăn, cải thiện bữa ăn hàng ngày cho bệnh nhân.
“Điều trị bằng thuốc, vừa hướng dẫn họ làm những công việc bình thường đều là cách thức giúp bệnh nhân chữa bệnh, giúp họ trở lại với cuộc sống. Để cải thiện hơn nữa đời sống vật chất cũng như tinh thần cho bệnh nhân, chúng tôi mong rằng các tổ chức, cá nhân có sự chung tay hỗ trợ, chia sẻ”, ông Tiến cho biết.
Nhờ được chữa trị chu đáo bằng thuốc và nhận tình yêu thương săn sóc của cán bộ nhân viên ở trung tâm, một số bệnh nhân thuyên giảm bệnh tật, trở về với người thân, với cuộc sống gia đình. Ông Tiến kể, gần đây nhất, có hai bệnh nhân lành bệnh, trở về với gia đình, ngày ngày đi bán vé số dạo, giúp gia đình mưu sinh. Đó là niềm vui nho nhỏ của những cán bộ nhân viên kiêm “thầy thuốc” đặc biệt./.