Chuyện chồng… tránh thai

(PLO) - Cứ nói đến chuyện tránh thai, người ta nghĩ ngay đấy là nhiệm vụ của đàn bà. Dựa vào đâu mà đàn ông cho mình cái quyền nói không như vậy?

Ảnh minh họa. Nguồn internet.
Ảnh minh họa. Nguồn internet.
Chỉ 11,8% quý ông Việt chịu dùng bao cao su
Đây là một phần kết quả điều tra đánh giá các mục tiêu về trẻ em và phụ nữ năm 2013-2014 mà Tổng Cục Thống kê Việt Nam và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc (UNICEF) công bố đầu tháng 9/2015. Theo đó, riêng trong vấn đề tình dục, các con số cho thấy nam giới đang đùn đẩy trách nhiệm dùng biện pháp tránh thai cho phụ nữ. Chỉ có 0,1% nam giới trên cả nước triệt sản và 11,8% quý ông chịu dùng bao cao su, có tới 24,3% gia đình không dùng biện pháp tránh thai nào. 
Thống kê của Trung tâm Nghiên cứu giới, Gia đình và Môi trường phát triển (CGFED) cũng cho thấy, Việt Nam là một trong ba nước có tỷ lệ nạo phá thai cao nhất thế giới và 80% lượng khách của các chương trình sức khỏe sinh sản – kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) là phụ nữ. 
Điều đó chứng tỏ, trách nhiệm của nam giới Việt Nam trong việc thực hiện KHHGĐ chưa cao. Hay nói cách khác, “đàn ông tránh thai” là chuyện viễn tưởng đối với cả đàn ông lẫn phụ nữ. Và khi phụ nữ có thai ngoài kế hoạch, ngoài ý muốn, thì đương nhiên vai trò của người đàn ông là… vô can!
Câu chuyện “vỡ kế hoạch” của vợ chồng chị Nguyễn Thị T. là một trong những ví dụ ghi lòng của cộng tác viên (CTV) dân số phường Chương Dương, Hà Nội. Chị T. bị dị ứng với vòng tránh thai và có tiền sử bệnh không thể sử dụng thuốc tránh thai, nhưng chồng chị không quan tâm đến điều đó. 
Trong quan niệm của anh chồng, “đàn bà là chỗ… “để đựng”, nếu không muốn “đựng” thì đậy nắp lại, hà cớ gì mà bắt người khác phải làm thay” nên nhất quyết anh không chịu sử dụng báo cao su. 
Hậu quả của việc đó là chị T. có đến hàng chục lần nạo phá thai, có năm chị phải làm thủ thuật đến 5 lần. Bác sĩ đã cảnh báo dạ con chị đã quá mỏng, nếu cứ đà này sẽ rách, vỡ, nguy hiểm tính mạng. Sức khỏe chị T. ngày một tàn tạ, héo hon. 
Cuộc sống gia đình chị T. chỉ thực sự thay đổi khi CTV dân số của phường thuyết phục được chồng chị sử dụng bao cao su. Và tất nhiên việc thuyết phục này cũng rất kỳ công và không chỉ một lần. 
Minh họa nguồn internet.
Minh họa nguồn internet. 
Nhắm trúng “đích”
Quỹ Dân số Liên Hợp quốc (UNFPA) coi sự tham gia của nam giới vào việc KHHGĐ là một chiến lược, hứa hẹn giải quyết một số vấn đề bức bách hiện nay về dân số. Trong thuật ngữ của công tác dân số, nam giới trong độ tuổi sinh đẻ được coi là “đối tượng đích” để chiến dịch chăm sóc sức khỏe sinh sản – KHHGĐ hướng tới. Tuy nhiên, trong các buổi truyền thông, tọa đàm, chị em chiếm số đông, còn “đối tượng đích” thì chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Làm thế nào để nhắm trúng “đích”? Kinh nghiệm của Chi cục DS-KHHGĐ Hà Nội cho thấy để nam giới nhận thức đúng vai trò và tầm quan trọng của việc KHHGĐ thì tuyên truyền, vận động rất cần thiết. 
Bà Trương Thị Thanh Nhàn, Giám đốc Trung tâm Dân số quận Hoàn Kiếm cho biết, không đơn lẻ vận động mà tranh thủ sự vào cuộc của các đoàn thể, chính quyền là kinh nghiệm quý trong việc vận động nam giới tham gia các buổi truyền thông về KHHGĐ ở quận. Thời gian đầu, số nam giới tham gia các buổi truyền thông dân số ở các phường rất ít, có buổi chỉ được vài ba người, nhưng hiện nay nam giới đến dự đông hơn và chịu khó lắng nghe.
Mô hình nam nông dân với công tác DS-KHHGĐ đó là lời khẳng định của nam giới xóm 8B, xã Thanh Phong, huyện Thanh Chương, Nghệ An rằng phụ nữ không còn đơn độc trên “trận tuyến” KHHGĐ vì đã có nam giới song hành cùng họ. 
Chị Bùi Thị Đông, CTV dân số với 23 năm kinh nghiệm làm công tác dân số cho biết, xóm 8B hơn 10 năm về trước, hầu hết công việc nhà cửa, đồng áng nuôi dạy con cái và cả KHHGĐ của một số gia đình đều dồn lên vai người phụ nữ.  
Từ năm 2011, để đẩy mạnh việc thực hiện bình đẳng giới trong chương trình DS-KHHGĐ, Hội KHHGĐ xóm được sự hỗ trợ từ Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh đã phối hợp với Hội Nông dân xây dựng mô hình Câu lạc bộ “Chồng yêu vợ” bao gồm cả mô hình nam nông dân với công tác DS-KHHGĐ. 
Những ngày đầu, cánh đàn ông cứ nghe chuyện tham gia câu lạc bộ là giãy lên như “đỉa phải vôi”. Lý lẽ của họ chắc nịch rằng đó là chuyện của đàn bà. Không ngại khó, Ban Chủ nhiệm câu lạc bộ đã đi từng nhà, gõ từng cửa, gặp từng người để vận động. 
Từ khi cánh đàn ông “chân lấm tay bùn” tham gia câu lạc bộ, họ đã hiểu được những khó khăn và chia sẻ với vợ. Nhờ vậy, tỷ lệ người áp dụng các biện pháp tránh thai đã phát động đạt trên 90%; tỷ lệ người chấp nhận biện pháp tránh thai trong xóm đạt gần 80%. 
Trước tình trạng một số gia đình sinh con một bề có ý định sinh thêm con thứ ba, các thành viên câu lạc bộ thường xuyên gặp gỡ, tìm hiểu nguyên nhân, đồng thời chủ động đến tận gia đình phân tích điều hơn lẽ thiệt của việc thực hiện chính sách dân số với lợi ích gia đình, nhất là tương lai con trẻ. Nhiều thành viên nam giới đã thay đổi nhận thức và được Chi hội nông dân thôn lấy làm tấm gương giáo dục, tuyên truyền cho bà con noi theo. 
Như vậy, chuyện tránh thai, chuyện KHHGĐ là chuyện không chỉ riêng ai, điều đó không những theo luật mà còn theo đạo lý vợ chồng, vì yêu vợ, đâu chỉ mỗi có mỗi chuyện nói ba từ “anh yêu em”… 

Đọc thêm