Nghị định về đầu tư theo đối tác công tư đã quy định 5 điều kiện cụ thể để lựa chọn đối tác tham gia, trong đó có các điều kiện về vốn đầu tư, kinh nghiệm quản lý, công nghệ…Là chuyên gia về PPP, ông nhận xét gì về các điều kiện này?
- Ông Nguyễn Tiến Đức: Tôi cho rằng đây là những điều kiện hết sức cần thiết. Thực tế những dự án theo mô hình PPP lâu nay (theo các hình thức BT, BOT hay BTO) mà các doanh nghiệp tư nhân tham gia thường đã đáp ứng các điều kiện này rồi. Tuy nhiên, việc cụ thể hóa các điều kiện này thành văn bản pháp quy sẽ góp phần minh bạch và công khai, rõ ràng hơn các tiêu chí, điều kiện để các bên tham gia “lượng sức mình”. Đồng thời cũng là căn cứ để lựa chọn công khai, minh bạch những đối tác đủ tiềm năng, thực lực, giúp cho dự án đảm bảo đúng hiệu quả, tiến độ cũng như chất lượng.
Và có vẻ như với các điều kiện cụ thể về vốn, năng lực, kinh nghiệm của đơn vị tham gia PPP thì hiện tượng “chạy dự án” hay “thông thầu” cũng sẽ bớt đi. Theo ông, liệu có thể chấm dứt những “lình xình” trong việc đấu thầu dự án bằng các quy định mới này hay không?
- Tôi cho rằng, có hiện tượng này không phải chỉ do hành lang pháp lý còn thiếu mà còn bởi các đơn vị tham gia đã cố tình vi phạm. Tuy nhiên, quy định các điều kiện cụ thể như nói ở trên, sẽ giúp cho mọi việc minh bạch hơn.
Để chấm dứt được vấn nạn xin, cho dự án thay vì đấu thầu công khai, minh bạch, thì không chỉ phụ thuộc vào có hành lang pháp lý mà còn phụ thuộc vào cơ chế vận hành. Quy định có mà người thực hiện cố tình lách luật, thông thầu, “quân xanh quân đỏ” thì khó thực thi đúng pháp luật. Tôi hy vọng khi đã có những quy định cụ thể, về mặt thể chế nhà đầu tư có thể yên tâm, vì thế PPP sẽ hấp dẫn nhiều nhà đầu tư tham gia.
Ông Nguyễn Tiến Đức, Chủ tịch AMD Group |
- Cùng với tiến trình cổ phần hóa, tái cấu trúc nền kinh tế, PPP là xu hướng không phải chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới. Tôi tin tưởng rằng với Nghị định mới ban hành cùng với hàng loạt những chính sách vĩ mô mới, mô hình PPP chắc chắn sẽ khởi sắc. Sẽ tới một thời điểm, khi mà PPP phát triển mạnh mẽ thì Nhà nước sẽ thực hiện việc quản lý và điều tiết vĩ mô trên cơ sở chỉ làm những việc tư nhân không muốn làm, không làm được hoặc không được làm.
Ngân sách không phải là cái “nồi Thạch Sanh” trong khi nhu cầu đầu tư của một đất nước đang phát triển là rất lớn. Những lĩnh vực huy động tư nhân làm cùng mà vẫn phát huy hiệu quả thì sao lại không làm, PPP ở các nước đã rất phát triển còn ở nước ta mới chỉ trong giai đoạn bắt đầu.
Vậy theo kinh nghiệm của ông, trong thời gian tới PPP lĩnh vực nào cần được thúc đẩy bên cạnh những mô hình PPP đang hiệu quả trong lĩnh vực như giao thông hay hạ tầng?
- Bên cạnh những lĩnh vực truyền thống như hạ tầng, năng lượng, tôi nhìn thấy nhiều lĩnh vực có thể thực hiện PPP như giáo dục, đào tạo, khoa học công nghệ. Những lĩnh vực này rất phù hợp để thực hiện PPP khi nhà nước có những chính sách cụ thể hơn.
Ví dụ về khoa học công nghệ, Việt Nam đang có một số trung tâm, khu công nghệ cao, trung tâm phần mềm…song tất cả những đơn vị đó vẫn là đơn vị nhà nước thuần túy. Trong khi lĩnh vực ươm tạo công nghệ, đào tạo nhân lực chất lượng cao đang rất cần xã hội hoá để có những bước tiến vượt bậc để khai thác hết tiềm năng.
AMD Group chúng tôi đang triển khai dự án tổ hợp ươm tạo công nghệ và Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao tại phường Phương Canh, quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội. Là chủ đầu tư tổ hợp này, chúng tôi đảm bảo nguồn vốn và tính hiệu quả của dự án nhưng nếu như có sự ủng hộ của nhà nước, vận hành theo mô hình TPP, được Sở KHCN Hà Nội đưa vào quy hoạch phát triển của ngành KHCN thành phố và nếu được là một mô hình PPP thì rất thuận lợi.
Nhà nước có hành lang pháp lý cho những tổ hợp ươm tạo công nghệ của tư nhân phát triển là tạo niềm tin vào cơ chế chính sách, đồng thời đảm bảo tính bền vững của tổ hợp. Như thế tổ hợp hoạt động sẽ hiệu quả, có lợi cho xã hội, đất nước chứ không chỉ chủ đầu tư như AMD Group chúng tôi.
Ông có nói tổ hợp ươm tạo công nghệ và Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của AMD Group sẽ là mô hình đặc biệt, lần đầu tiên có ở Việt Nam, xin ông cho biết cụ thể hơn mô hình này?
- Tổ hợp ươm tạo công nghệ và Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của chúng tôi là mô hình mà nếu được áp dụng sẽ là lần đầu tiên được triển khai ở Việt Nam. Như bạn thấy, hiện tại các DN hoạt động trong lĩnh vực khoa học công nghệ, các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực đào tạo, tư vấn và cá nhân các nhà khoa học chưa có nơi hội tụ, chưa có sàn giao dịch ý tưởng tập trung mặc dù có manh nha đâu đó nhưng việc tập hợp lại, kết nối và tạo ra sân chơi chung thì hiện tại ở Việt Nam chưa có. Hoặc nếu có thì ở những vị trí không thuận lợi, xa trung tâm, khó tiếp cận.
Mô hình của chúng tôi ở trung tâm, là nơi để có thể tập hợp được các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu, xúc tiến cũng như các nhà khoa học, những người có ý tưởng, sáng chế mà không phải nhà khoa học tập hợp lại với nhau. Chúng tôi sẽ vừa là người thẩm định, đánh giá để quyết định đầu tư, đồng thời đóng vai trò là cầu nối để đưa những ý tưởng, sáng chế đó đến với những nhà đầu tư tiềm năng. Khi các doanh nghiệp hay các tổ chức nước ngoài đến thì họ có thể dễ dàng tìm thấy một địa chỉ tập trung để hợp tác, tìm hiểu.
Hiện chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng hạ tầng và các nguồn lực để triển khai.
- Chúng tôi rất mong muốn. Hiện về nguồn lực chúng tôi có thể cam kết 100%, chỉ cần sự tạo điều kiện của nhà nước, trên cơ sở đó lấy Tổ hợp của chúng tôi làm mô hình làm kinh nghiệm để xây dựng, phát triển các trung tâm khác. Các trung tâm, tổ hợp như thế này ở nước ngoài rất phổ biến, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao. Bởi vì khoa học công nghệ cao thường gắn với rủi ro nhưng cũng đem lại lợi nhuận lớn vì có rất nhiều nghiên cứu nhiều năm không ra kết quả nhưng có những phát kiến lại tạo ra những giá trị gia tăng rất lớn. Vì vậy cần có sự tham gia của các nhà đầu tư mạo hiểm, có những hỗ trợ ban đầu để các nhà khoa học có một nơi để hội tụ, chia sẻ và bán những ý tưởng, sáng chế nếu thấy đó là sáng tạo rất cần thiết.
Tôi được biết, Bộ KH&CN có chiến lược xây dựng 30 tổ hợp ươm tạo công nghệ như của chúng tôi trên cả nước, nếu như chúng tôi được lựa chọn thì tổ hợp của chúng tôi sẽ có nhiều cơ hội được khai thác được hiệu quả hơn. Nhà nước có hành lang pháp lý và tạo niềm tin có sự tham gia của nhà nước để đảm bảo tính bền vững của tổ hợp. Như thế sẽ hiệu quả, ví dụ một DN hoạt động về KHCN.
Ông nghĩ sao khi PPP hết sức cần thiết như vậy nhưng không phải ai cũng hiểu để ủng hộ và thúc đẩy. Với tình hình hiện nay, liệu các DN trong nước có “thua” ngay trên “sân nhà” khi thiếu chuẩn bị để hấp thụ “PPP” không, thưa ông?
- Tôi cho rằng cơ chế pháp lý phải đi liền với tư duy đổi mới, cần thúc đẩy tư duy phát triển mô hình PPP, các địa phương cũng cần chuẩn bị để hấp thụ mô hình này. PPP là hình thức hiệu quả để huy động các nguồn lực khác nhau của xã hội để phục vụ cho việc phát triển kinh tế, xã hội. Nền kinh tế càng huy động được nhiều nguồn lực thì nền kinh tế càng khỏe.
Chúng ta cần nền kinh tế có dòng vốn được luân chuyển, nhiều kênh thu hút và quản trị đồng tiền. PPP là xu hướng và đó là kênh hiệu quả, làm cho đồng vốn sinh sôi nảy nở một cách tối đa. Khi xác định những lĩnh vực cần PPP thì chúng ta phải chấp nhận cạnh tranh, trong nước yếu thì phải nhường sân chơi cho nhà đầu tư nước ngoài (trừ một số lĩnh vực mà nhà nước quy định cụ thể không rộng cửa với nhà đầu tư nước ngoài).
Nhiều DN Việt hiện đã ngang sức, ngang tài với nhà đầu tư quốc tế và ai đáp ứng đủ tiêu chuẩn thì sẽ được lựa chọn. Tôi thì không bi quan nhưng không quá lạc quan, tôi tin rằng các DN Việt Nam rất nhanh nhạy, họ sẽ đón được cơ hội lớn từ PPP.
Xin cảm ơn ông!
5 điều kiện để tham gia đối tác công tư:
1. Phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, vùng và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
2- Phù hợp với lĩnh vực đầu tư theo quy định.
3- Có khả năng thu hút và tiếp nhận nguồn vốn thương mại, công nghệ, kinh nghiệm quản lý của nhà đầu tư.
4- Có khả năng cung cấp sản phẩm, dịch vụ liên tục, ổn định, đạt chất lượng đáp ứng nhu cầu của người sử dụng.
5- Có tổng vốn đầu tư từ 20 tỷ đồng trở lên, trừ dự án đầu tư theo hợp đồng O&M và dự án công trình kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn và dịch vụ phát triển liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Dự án chưa có trong quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, vùng, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của địa phương phải được Bộ, ngành, UBND cấp tỉnh xem xét bổ sung theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Dự án đáp ứng các điều kiện quy định nêu trên có khả năng thu hồi vốn từ hoạt động kinh doanh được ưu tiên lựa chọn.