Bây giờ mới tranh cãi chuyện nhập khẩu đường là quá trễ

(PLO) - Hiệp hội Mía đường Việt Nam luôn kiên quyết kiến nghị Chính phủ không cho nhập đường vì viện dẫn lý do sẽ gây thiệt hại cho nền kinh tế và người trồng mía… 
Bây giờ mới tranh cãi chuyện nhập khẩu đường là quá trễ
Thế nhưng, lãnh đạo Bộ Công Thương, nhiều học giả, chuyên gia kinh tế uy tín lại cho rằng sự phản đối đó là không phù hợp, thậm chí họ phản đối chỉ vì quyền lợi của các doanh nghiệp mía đường, của một nhóm lợi ích nào đó mà thôi, bởi hiện nay người nông dân vẫn khốn khó vì cây mía, người tiêu dùng phải bỏ tiền mua đường với giá cao.
Các đối tượng được bảo hộ bị thiệt thòi!
Có thể nói mục tiêu của chính sách bảo hộ ngành Mía đường là đảm bảo có lợi cho người trồng mía, người tiêu dùng, doanh nghiệp và lợi ích nền kinh tế. Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú cho biết: “Tuy nhiên, yêu cầu của Nhà nước và xã hội đối với ngành sản xuất mía đường và sức ép của hội nhập kinh tế quốc tế thời gian qua đã không mang lại kết quả như kỳ vọng…”. 
Tính đến thời điểm này, hai đối tượng chính trong chính sách bảo hộ đều bị thiệt thòi. Đối tượng thứ nhất - nông dân trồng mía vẫn khổ sở vì thường xuyên bị ép giá, giá mía luôn thấp, các doanh nghiệp mía đường (DNMĐ) chậm trả tiền mua mía, thậm chí xảy ra tình trạng “bán mía lấy đường”, chứ DN đưa ra lý do không có tiền để trả! 
Bất cập luôn tồn tại là quan hệ giữa người trồng mía với các DNMĐ vẫn không đổi mới trong hàng chục năm qua: Người nông dân tự trồng mía và bán cho nhà máy theo phương thức “mua đứt, bán đoạn”, người nông dân luôn ở thế yếu trong quan hệ này. Đó là những nguyên nhân khiến người trồng mía luôn trong tình trạng thua lỗ, nghèo khó. Vì thế, không thể tránh khỏi chuyện nông dân phải chặt bỏ cây mía, trong khi họ đã bỏ vào đó rất nhiều công sức, tiền bạc.
Nghịch lý lớn nhất là trong khi giá mía thấp, làm khổ người nông dân thì giá đường trên thị trường Việt Nam lại rất cao. Thứ trưởng Tú nhận định giá đường ở nước ta cao gấp rưỡi, có thời điểm gấp đôi giá thế giới. Vì thế, đối tượng thứ hai được bảo hộ là hàng chục triệu người tiêu dùng phải mua đường với giá cao! Chưa kể, các DN chế biến thực phẩm, nước giải khát… có sử dụng nguyên liệu đường sẽ cho ra sản phẩm với giá thành cao hơn, ảnh hưởng đến người tiêu dùng, đồng nghĩa với việc ít nhiều cũng ảnh hưởng đến nền kinh tế.
Đã đến lúc phải cho nhập khẩu đường ngay
Vấn đề đặt ra hiện tại phải trả lời câu hỏi gây nhiều tranh luận là đã đến lúc cho nhập khẩu đường chưa? Lãnh đạo Bộ Công Thương, các học giả, chuyên gia kinh tế, doanh nhân khẳng định rằng cho nhập khẩu đường sẽ giúp tạo sự cạnh tranh, làm cho ngành Mía đường trong nước đứng trước sức ép hội nhập, cần phải khẩn trương đổi mới và giải quyết những tồn tại của ngành Mía đường. 
Với chính sách và mục tiêu bảo hộ, có thể xem là lớn nhất, dài nhất cho ngành Mía đường, nhằm để Hiệp hội Mía đường (HHMĐ), các DNMĐ và các cơ quan chức năng có thời gian đầu tư kỹ thuật, công nghệ hiện đại, nghiên cứu tạo giống tốt, hình thành vùng nguyên liệu rộng lớn, liên kết với nông dân một cách sòng phẳng và minh bạch… để lúc mở cửa, ngành Mía đường Việt Nam đủ sức cạnh tranh với đường ngoại nhập. 
Nhưng bảo hộ để làm gì, khi thực tế một thời gian dài nông dân trồng mía và người tiêu dùng bị nhiều thiệt thòi, còn đa số DNMĐ vẫn thu lãi lớn. Đây phải chăng là lý do mà HHMĐ và những DN ngành này luôn tìm mọi cách để bảo vệ chính sách bảo hộ?
TS. Trần Du Lịch - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, vì bảo hộ nên các DNMĐ mới thụ động, do vậy phải từng bước cho phép nhập đường để tạo sức ép, buộc DN phải thay đổi để cạnh tranh. 
Một chuyên gia kinh tế khác nhận định: Để tình trạng yếu kém của ngành Mía đường như bây giờ là có một phần trách nhiệm lớn của HHMĐ, cần nhanh chóng cho nhập khẩu để ngành Mía đường trong nước có động lực đổi mới. Nếu cần thiết cũng phải có những cuộc đào thải, sẽ có những DN mạnh mua lại những DN yếu kém để đầu tư. Ngành Mía đường khi đó được tái cơ cấu lại theo hướng tốt hơn, chứ đừng tư duy bảo thủ rằng cho nhập đường là DN chết, người trồng mía thất nghiệp. 
TS.Nguyễn Văn Ngãi – Trưởng khoa Kinh tế (Đại học Nông Lâm TP.Hồ Chí Minh) đánh giá, hiện nay mà còn tranh cãi việc cho nhập hay không cho nhập đường là quá chậm trễ! Theo ông Ngãi, hãy xóa dần chính sách bảo hộ với ngành Mía đường, do HHMĐ luôn đặt vấn đề vì người trồng mía, nhưng bảo hộ lâu nay mà họ vẫn nghèo khó, và ông nói “không thể hy sinh quyền lợi của người tiêu dùng mãi được”. 
GS.TS Võ Tòng Xuân khẳng định: “Cho nhập khẩu đường ngay bây giờ là một hướng đi đúng, đây đâu phải là thời bao cấp mà đòi bảo hộ hoài. Vả lại, nếu không làm như thế thì DNMĐ sẽ tiếp tục ỷ lại vào chính sách bảo hộ và năng lực cạnh tranh sẽ là con số không!”. 
Tóm lại, với thực trạng của ngành Mía đường, những thiệt thòi cho người trồng mía và người tiêu dùng, sự hội nhập, cạnh tranh đang đến quá gần, đa số ý kiến đều cho rằng đã đến lúc Chính phủ nên từng bước xóa dần chính sách bảo hộ, cho nhập đường về Việt Nam ngay. 
Ông Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai: 
Hiệp hội Mía đường chỉ bảo vệ cho quyền lợi của chính họ
Tổ chức này mang tiếng là HHMĐ, nhưng thực chất đứng đầu Hiệp hội, các thành viên đều là chủ các DNMĐ, đang cạnh tranh để bán đường ra thị trường. Từ đó đặt ra vấn đề HHMĐ đang lên tiếng bảo vệ cho ai? Rõ ràng họ đang lên tiếng để bảo vệ quyền lợi cho chính họ, chính DN của họ chứ không phải cho nông dân trồng mía. Họ chỉ lấy nông dân trồng mía làm cái cớ mà thôi! 
Với đề xuất không nhập khẩu đường của HHMĐ tôi cho rằng không hợp lý. Đất nước chúng ta đang mở cửa hội nhập mà giá đường trong nước cao hơn thế giới 30 – 40%, có lúc cao nhiều hơn nữa thì chuyện cấm nhập đường ngoại là đi ngược với quy luật kinh tế thị trường. Vấn đề này không chấp nhận được, người tiêu dùng có quyền được mua đường giá rẻ. 
Hơn nữa, cấm nhập đường từ Lào làm gì, khi mà đường lậu ở các nước lân cận vẫn tuồn vào nước ta. Ngay bây giờ nên mạnh dạn cho đường ngoại hội nhập, chấp nhận cuộc cạnh tranh sòng phẳng để thúc đẩy phát triển kinh tế.

Đọc thêm