PVN sinh lợi tỷ USD giữa khó khăn dịch bệnh

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Mặc dù chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 nhưng trong 8 tháng năm 2021, Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) đã thu về lợi nhuận trước thuế khoảng 30.200 tỷ đồng (tương đương hơn 1,3 tỷ USD).
Người lao động dầu khí làm việc trên giàn nén khí trung tâm trên biển.
Người lao động dầu khí làm việc trên giàn nén khí trung tâm trên biển.

Các thị trường chính bị ảnh hưởng

Theo PVN, trong tháng 8/2021, hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD) của Tập đoàn bị ảnh hưởng nặng nề do diễn biến dịch bệnh phức tạp. Việc giãn cách xã hội tại các trung tâm kinh tế lớn như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, các tỉnh Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ - vốn là thị trường hoạt động chính của các đơn vị dầu khí đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động của Tập đoàn.

PVN cho biết, đơn vị đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là thị trường các sản phẩm dầu khí. Theo PVN, bên cạnh sức mua giảm mạnh, lực cầu yếu, nguy cơ đứt gãy các chuỗi cung ứng, khó khăn trong vận chuyển, lưu thông đã tác động mạnh đến việc sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm chủ lực của Tập đoàn như: xăng dầu, khí tự nhiên, khí hóa lỏng, điện, đạm…

Trước tình hình đó, PVN cho biết, đã chủ động và có kinh nghiệm ứng phó “khủng hoảng kép” từ đầu năm 2020, nên trong đợt dịch bùng phát lần thứ 4 năm 2021, đơn vị này đã triển khai hiệu quả công tác phòng, chống. Cụ thể, PVN đã xây dựng kế hoạch và tổ chức kiểm soát chặt chẽ đầu vào, áp dụng nghiêm túc 5K, triển khai mô hình sản xuất phù hợp, vận hành hiệu quả “ba tại chỗ” kết hợp tạo vùng đệm, vùng kết nối an toàn cho sản xuất.

Đặc biệt, PVN đã triển khai hiệu quả, kịp thời chiến lược tiêm vắc xin, giúp cho các nhà máy, giàn khoan, công trình, dự án trọng điểm của Tập đoàn hoạt động an toàn, ổn định.

Liên quan đến công tác quản trị tài chính, đơn vị này đã tập trung các giải pháp thông qua các yếu tố điều hành vĩ mô, chính sách tiền tệ, tài khóa để nhận diện và dự báo các khó khăn đảm bảo nguồn tài chính tại các đơn vị được thông suốt. Ngoài ra, trong bối cảnh khó khăn chung hiện nay, PVN và các đơn vị đã tập trung việc triển khai chuỗi liên kết giá trị, trong đó chú trọng chuỗi liên kết ngang nhằm đảm bảo phát triển bền vững và đồng bộ.

17 đơn vị kinh doanh vẫn có lãi

Nhờ các biện pháp này, việc SXKD của PVN đã có những tiến triển. Cụ thể, trong 8 tháng đầu năm, cơ bản các chỉ tiêu SXKD của đơn vị đều đạt kế hoạch đề ra. Khai thác dầu thô vượt 12,7% so với với kế hoạch 8 tháng; sản xuất các sản phẩm như đạm, xăng dầu, LPG… đều vượt từ 2-11%.

Các chỉ tiêu tài chính cũng đều vượt và tăng trưởng so với cùng kỳ. Cụ thể, tổng doanh thu PVN 8 tháng đạt hơn 390 nghìn tỷ đồng, vượt 17% so với kế hoạch 8 tháng. Nộp ngân sách toàn Tập đoàn 8 tháng đạt 56,9 nghìn tỷ đồng.

Ngoài ra, PVN cho biết đã tiết giảm được gần 2.046 tỷ đồng, bằng 75% kế hoạch năm. Tham gia ủng hộ công tác phòng chống COVID-19 tổng số tiền hơn 733 tỷ đồng. Tập đoàn cũng ghi nhận 17 đơn vị kinh doanh có lãi trong 8 tháng đầu năm, trong đó có 13 đơn vị tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2020.

Theo Tổng giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng, trên cơ sở các dự báo diễn biến dịch bệnh, thị trường trong thời gian tới, PVN và các đơn vị sẽ phối hợp, xây dựng kế hoạch, kịch bản triển khai nhiệm vụ của những tháng cuối năm và năm 2022, sẵn sàng các phương án nắm bắt cơ hội phục hồi kinh tế trong giai đoạn sau khi kiểm soát được dịch bệnh, thích ứng với xu hướng chuyển dịch năng lượng.

Lãnh đạo PVN nhận định, dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, có khả năng kéo dài, gây nhiều khó khăn cho công tác phòng, chống dịch và mọi mặt hoạt động của Tập đoàn, do đó PVN và các đơn vị thành viên sẽ tiếp tục tập trung công tác dự báo cung cầu, làm cơ sở để cân đối hoạt động sản xuất linh hoạt, phù hợp. Bám sát biến động thị trường để điều hành linh hoạt với mục tiêu bảo vệ các thành quả đã đạt được trong 8 tháng đầu năm 2021.

Đọc thêm