|
Những vết chấn thương bầm tím trên cổ, trầy xướt hằn dấu bị tấn công trên người nạn nhân. Ảnh do gia đình nạn nhân cung cấp |
Có nhiều sai phạm trong quá trình điều tra vụ án
Ngày 8/7/2015 ông Phạm Văn Tứ làm đơn tố cáo gửi Công an phường Phú Mỹ và Công an Quận 7 về việc con gái ông tên T.Trang bị anh rể là Lê Phú Cự làm nhục. Đồng thời ngày 10/7/2015 và ngày 13/7/2015, chị T.Trang cũng gửi “bản tường trình” và “ đơn tố cáo” có chứng thực của Lãnh sự quán Việt Nam tại San Francisco từ Hoa Kỳ đến Công an quận 7.
Lê Phú Cự được mời tới Cơ quan công an để lấy lời khai, và cho về nhà ngay sau đó. Phía ông Tứ cũng đã cung cấp thông tin Cự có khả năng bỏ đi khỏi nơi cư trú nhằm gây khó khăn cho công tác điều tra (Cự có visa đi Hoa Kỳ). Trên thực tế, ngày 21/7/2015 Cự đã xuất cảnh đi Hoa Kỳ. Đáng nói, từ lúc ông Tứ nộp đơn, đến lúc Cự xuất cảnh là 20 ngày, nhưng cơ quan điều tra không có biện pháp ngăn chặn. Trong khi đó, lời khai của Cự là có mâu thuẫn với lời khai của nạn nhân. Điều 138 Bộ luật Tố tụng Hình sự quy định: Trong trường hợp có mâu thuẫn lời khai giữa hai hay nhiều người thì Điều tra viên tiến hành đối chất. Thế nhưng, cơ quan điều tra cũng không tiến hành đối chất khi thấy có sự mâu thuẫn trong lời khai của Cự và T.Trang. Cự đã qua Hoa Kỳ trót lọt.
Trong các ngày 31/8/2015, 18/9/2015, 23/9/2015, 28/9/2015 ông Tứ liên tục có đơn kiến nghị và khiếu nại gửi đến các cơ quan điều tra và lãnh đạo các cấp. Đơn thể hiện sự bức xúc việc chậm trễ trong việc điều tra, nghi can bỏ trốn… trong đó, có nội dung tố cáo điều tra viên có hành vi vi phạm pháp luật.
Trong đơn mới nhất ngày 30/9/2016, ông Tứ khẳng định: Con gái đã có thẻ Thường trú nhân Hoa Kỳ, sinh sống, học tập tại Hoa Kỳ nên thẩm quyền giải quyết vụ án là của Công an TP HCM. Cơ quan CSĐT Công an quận 7 “ôm án” không chuyển lên là trái quy định về thẩm quyền tố tụng hình sự.
Vi phạm thời hiệu phê chuẩn, tùy ý sử dụng lời khai của nghi can
Trước những khiếu nại, tố cáo có cơ sở của ông Tứ, các cơ quan có thẩm quyền đã tiến hành tổ chức khám nghiệm lại hiện trường và thay đổi Điều tra viên. Ngày 10/11/2015, Cơ quan CSĐT Công an quận 7 đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 240. Tiếp đó, ngày 30/11/2015 Cơ quan CSĐT Công an quận 7 ra Quyết định khởi tố bị can số 300 và Lệnh bắt bị can Lê Phú Cự. Các quyết định trên được chuyển sang VKSND quận 7 đề nghị phê chuẩn.
Theo Thông tư liên tịch của VKSNDTC– Bộ Công an – Bộ Quốc phòng số 05/2005 ngày 07/9/2005 về quan hệ phối hợp giữa CQĐT và Viện kiểm sát trong việc thực hiện một số quy định của Bộ luật TTHS 2003: Trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi ra quyết định khởi tố hoặc không khởi tố vụ án hình sự, CQĐT phải gửi quyết định đó kèm theo các tài liệu có liên quan cho Viện kiểm sát cùng cấp. Trong thời hạn 3 ngày, kể từ khi nhận được quyết định khởi tố hoặc quyết định không khởi tố vụ án hình sự và các tài liệu có liên quan, nếu thấy đủ căn cứ thì Viện kiểm sát phải thông báo bằng văn bản cho CQĐT biết; nếu chưa đủ căn cứ thì có văn bản yêu cầu CQĐT bổ sung tài liệu, chứng cứ.
Ở vụ án này, VKSND Q7 không thực hiện theo quy định trên mà ra Văn bản số 01/VKS-HS ngày 03/12/2015 gửi Lãnh đạo VKSND TP HCM thỉnh thị ý kiến chỉ đạo nghiệp vụ. Đáng chú ý: Văn bản thỉnh thị gửi lên VKSND TP HCM ghi lời khai của Cự là “té úp mặt vào vùng mông Trang” nhưng để mãi đến ngày 30/12/2015 thì Trưởng phòng 2 - VKSND TP HCM ký Văn bản số 49/VKS-P.2 trả lời thỉnh thị, trong văn bản này, lời khai của Cự được “sửa” thành “té ập đầu vào người T.Trang” .
Theo Luật sư Trần Hải Đức (Đoàn LS TP HCM): Việc tùy tiện ghi lại lời khai của nghi can là không được phép trong hoạt động tố tụng. Hành động “té ập đầu vào người” mang tính chung chung, và “té úp mặt vào vùng mông” là chỉ rõ té vào vùng nhạy cảm của người phụ nữ, một hành động rất “khó hiểu”. Tại sao hai cấp viện ghi khác nhau về “độ nặng” trong lời khai của Lê Phú Cự ?
Luật sư Đức phân tích: Nếu không ghi trung thực lời khai của nghi can thì việc điều tra kết hợp với các chứng cứ khác để làm rõ tội phạm rất khó thực hiện.
Chưa hết, việc cả hai cấp viện kiểm sát đều khẳng định lời khai của nhân chứng Nguyễn Vỹ không trực tiếp nhìn thấy sự việc cũng không chính xác. Bởi vì, mặc dù không thấy được các hành vi tấn công của Cự lúc ban đầu, nhưng đã trực tiếp nhìn thấy nạn nhân T.Trang kêu cứu, Cự không mặc áo kéo T.Trang vào... Vỹ trực tiếp thấy T.Trang bị chấn động tâm lý, khóc lóc, sợ hãi sau khi vào được trong nhà.
Đặc biệt, các hình ảnh chụp T.Trang bị bầm ở cổ, thân thể bị trầy xước, hằn rõ những vết thương phần mềm do Cự tấn công nhưng chưa thấy làm rõ.
Vừa yêu cầu điều tra, đã yêu cầu đình chỉ
Như đã thông tin, sau khi “ngâm” tới 30 ngày, ngày 31/12/2015 ông Lê Công Hòa – Phó Viện trưởng VKSND quận 7 mới văn bản yêu cầu Công an quận 7 truy tìm Lê Phú Cự (đã bỏ đi khỏi nơi cư trú) để lấy lời khai, đấu tranh làm rõ hành vi của Cự có phù hợp với lời khai của T.Trang không để xử lý. Chỉ trong 12 ngày nhận được yêu cầu từ Viện kiểm sát, Cơ quan CSĐT chưa truy tìm được Cự, việc cho đối chất chưa thực hiện thì Phó Viện trưởng Hòa đã vội ký Quyết định số 02/QĐHBQĐKTBC hủy bỏ Quyết định khởi tố bị can số 300 ngày 30/11/2015 của Công an quận 7 và đình chỉ các hoạt động tố tụng đối với Lê Phú Cự.
Trả lời cơ quan báo chí, Quyền Viện trưởng VKSND Q7, ông Phạm Trung Kiên thừa nhận về thời hạn phê chuẩn Quyết định khởi tố bị can có quá hạn, vi phạm nhưng lý giải: “Chúng tôi còn phải xin và chờ ý kiến của thành phố để tránh oan sai nên có quá hạn”. Ý kiến về việc đình chỉ các hoạt động tố tụng với Lê Phú Cứ và sau đó là đình chỉ vụ án, quan điểm của ông Kiên là: “Nếu là tôi làm thì tôi sẽ ra Quyết định tạm đình chỉ”.
Nhưng vậy cũng đã quá rõ, quan điểm áp dụng luật của lãnh đạo VKSND quận 7 khác nhau. Trên thực tế, việc không tìm được nghi can để điều tra, làm rõ nhưng ra quyết định đình chỉ vụ án thì chẳng khác nào giúp nghi phạm thoát tội.
Được biết, trước đó ngày 06/5/2016 VKSNDTC cũng đã có Văn bản số 1642/VKSTC-V2 đề nghị Viện trưởng VKSND TP HCM chỉ đạo đơn vị nghiệp vụ kiểm tra nội dung, trình tự giải quyết của vụ án nêu trên và báo cáo kết quả về VKSNDTC (Vụ 2) để tổng hợp báo cáo Lãnh đạo Viện và trả lời đương sự. Tuy nhiên, thời gian đến nay đã hơn 04 tháng, ông Phạm Văn Tứ vẫn chưa nhận được sự trả lời thỏa đáng.
Thiết nghĩ, hãy thử một lần “làm phụ nữ”, khi bị tấn công hiếp dâm thì phải can đảm vượt qua mặc cảm, tủi hổ mới dám tố cáo tội phạm, chưa nói đến những chấn thương vể thể xác, tổn hại tâm lý sau này. Trong khi đó, những tội phạm hiếp dâm thường chọn nơi vắng vẻ, nơi người phụ nữ hoàn toàn yếu thế, mất khả năng tự vệ mới thực hiện hành vi phạm tội. Nếu cách điều tra, giải quyết như trên trở thành tiền lệ thì sẽ nguy hiểm khôn cùng.