Quản lý chặt các dự án chuyển đổi mục đích sử dụng rừng

(PLVN) - Ngày 12/12, Tổng cục Lâm nghiệp (TCLN) đã tổ chức Hội nghị Tổng kết hoạt động Lâm nghiệp 2019 các tỉnh phía Bắc. Theo TCLN, năm 2019, cơ bản nhiệm vụ phát triển rừng ở các tỉnh phía Bắc đã hoàn thành với nhiều chỉ tiêu vượt kế hoạch như trồng rừng tập trung hay chăm sóc rừng.
Toàn cảnh hội nghị.

Năm nay, giá trị xuất khẩu lâm sản của các tỉnh phía Bắc tiếp tục tăng, góp phần tăng giá trị xuất khẩu lâm sản cả nước năm 2019 ước đạt hơn 11 tỷ USD, tăng khoảng 19% so với năm 2018, vượt 2% so với kế hoạch.

Trong đó, gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 9,6 tỷ USD, tăng 19%; lâm sản ngoài gỗ đạt 600 triệu USD, tăng 34%. Lâm sản Việt Nam được xuất khẩu sang trên 140 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Tiến tới năm 2020, TCLN cho rằng các tỉnh phía Bắc phải tăng cường công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng, ngăn chặn và xử lý kịp thời, có hiệu quả các hành vi vi phạm quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, giảm tối thiểu 10% số vụ vi phạm và diện tích rừng bị thiệt hại so với năm 2019.

Cần quản lý chặt chẽ các dự án chuyển đổi mục đích sử dụng rừng trên toàn quốc, đặc biệt là các dự án chuyển đổi mục đích sử dụng rừng tự nhiên và đẩy nhanh sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty lâm nghiệp theo phê duyệt của Thủ tướng.

Nhận xét về năm 2019, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cho biết do tiến độ sắp xếp các công ty nông, lâm nghiệp còn chậm, gặp nhiều khó khăn, vướng mắc nên nhiều cán bộ, người lao động giao động tư tưởng theo hướng tiêu cực, không an tâm công tác, thậm chí có biểu hiện buông lỏng công tác quản lý, bảo vệ rừng dẫn đến tình trạng phá rừng.

Trước khi bước sang năm 2020, ông Tuấn yêu cầu các địa phương và Tổng cục cần chủ động rà soát kế hoạch, chuẩn bị triển khai ngay từ đầu năm theo phương hướng làm thế nào để lâm nghiệp tăng trưởng cao dựa trên đà đang có nhưng phải bền vững.

Trong năm qua, ngành lâm nghiệp còn một số hạn chế như tình trạng phá rừng, đặc biệt phá rừng tự nhiên để trồng rừng, khai thác lâm sản vẫn diễn ra ở một số nơi, nhiều vụ việc phá rừng diễn ra với quy mô lớn, trong thời gian dài nhưng chậm bị phát hiện và xử lý.

“Vi phạm pháp luật về phá rừng và ứng phó hạn hán trong phòng chống cháy rừng đã có những chuyển biến tích cực, số vụ giảm nhưng diện tích phá rừng vẫn còn lớn, chưa thể hài lòng được”, ông Tuấn nhấn mạnh và yêu cầu các địa phương có phá rừng tự nhiên trong năm qua phải tự kiểm điểm sâu sắc.

Ông Tuấn nhấn mạnh, trồng rừng là phải gắn với chế biến, tiêu thụ và áp dụng công nghệ cao, giống tốt. Theo ông, cần duy trì tỷ lệ che phủ rừng ở mức 42% sau năm 2020, tập trung nâng cao chất lượng rừng. Bên cạnh đó, giữ tốc độ tăng trưởng kinh tế của lâm nghiệp không thấp hơn giai đoạn 2016-2020, hay không được dưới 6%. 

Đọc thêm