Quản lý chặt chẽ người dưới 18 tuổi du lịch nước ngoài

(PLVN) - Thiếu nữ 15 tuổi “mất tích” khi đi du lịch ở Anh gây xôn xao dư luận trong và ngoài nước nhiều ngày qua đã được tìm thấy an toàn. Tuy nhiên, sau khi nhiều nghi vấn xung quanh vụ việc này được giải đáp, cộng đồng mạng đã dậy lên một làn sóng bất bình...
Lê Thị Diệu Linh, 15 tuổi, được trình báo mất tích từ hôm 6/8.
Lê Thị Diệu Linh, 15 tuổi, được trình báo mất tích từ hôm 6/8.

Hệ lụy nghiêm trọng 

Theo tiến trình vụ việc, ngày 8/8, ông Nguyễn Bá Thanh Tùng, hướng dẫn viên du lịch Công ty Travel Plus, đã đến Đại sứ quán Việt Nam tại Anh trình báo về vụ mất tích của du khách Việt tên Diệu Linh khi đang tham quan, mua sắm tại thành phố York ngày 6/8 và nộp lại hộ chiếu của Linh cho các cơ quan chức năng.

Ngay sau đó, truyền thông nước Anh và Việt Nam đều liên tục đưa tin về việc này, để báo tin cho gia đình của Diệu Linh, cũng như phục vụ công việc điều tra, tìm lại người mất tích. Được biết, Diệu Linh không biết tiếng Anh và lần đầu tiên tới nước này.

Theo đó, Bộ Ngoại giao chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Anh giữ liên lạc với các cơ quan chức năng sở tại trong quá trình tìm kiếm công dân được cho là mất tích nói trên, sẵn sàng thực hiện các biện pháp bảo hộ công dân trong trường hợp cần thiết. 

Tuy nhiên, trong đơn trình báo gửi đến UBND xã Hải Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình của mẹ thiếu nữ 15 tuổi “bị mất tích”, lại thông tin rằng: “Chúng tôi xin xác nhận con của chúng tôi là cháu Lê Thị Diệu Linh, sinh ngày 16/9/2003, đã đi du lịch và ở lại thăm bà con bạn bè, chứ không phải mất tích và bắt cóc như báo chí đưa tin”. Trong đơn của bà cũng có nhắc đến thời gian sau cháu sẽ về nhưng phải “coi lại xem visa hết hạn đến ngày nào”.

Không lâu sau, cảnh sát Bắc Yorkshire (Anh) cho biết nữ du khách Việt này đã được tìm thấy an toàn vào tối 12/8. Đồng thời, cảnh sát Bắc Yorkshire vẫn đang tiếp tục điều tra về vụ việc. Trong số 10 người bị bắt vì có liên quan đến vụ mất tích, có hai người vẫn bị cảnh sát giam giữ để thẩm vấn, một người đã bị buộc tội và xuất hiện tại tòa án.

Theo BBC, anh Hồ Quang Ngọc (người Việt) bị tòa án sơ thẩm York (miền đông bắc Anh) truy tố tội bắt cóc trẻ em và tạo điều kiện cho hành vi vi phạm luật di trú, phiên xét xử tiếp theo dự kiến vào ngày 16/9 sắp tới. Phía cảnh sát cũng cho biết: “Chưa thể xác minh hay bác bỏ khả năng cô bé người Việt bỏ trốn”. 

Sau khi câu chuyện được ngã ngũ, đa phần cộng đồng mạng đã rất bức xúc vì sự “thiếu ý thức, thiếu hiểu biết, thiếu trách nhiệm” của nữ du khách này, trong đó gia đình của em cũng không ngoài vòng trách nhiệm. Việc tự ý tách đoàn mà không thông báo cho hướng dẫn viên của tour cũng như không trở lại với đoàn theo đúng lộ trình, đã dẫn tới nhiều hệ luỵ nghiêm trọng kể trên.

Quản lý người dưới 18 tuổi ở nước ngoài

Nhiều nước như Anh, Mỹ, Canada… đều rất khắt khe trong việc người dưới 18 tuổi đi du lịch nước ngoài so với người trên 18 tuổi. Đơn cử, Anh quy định việc cấp visa du lịch (thị thực) cho người dưới 18 tuổi khi phải có cha hoặc mẹ đi cùng hoặc người được uỷ quyền giám hộ đã có xác nhận của địa phương.

Tại Mỹ, nếu người dưới 18 tuổi du lịch với bố hoặc mẹ ruột thì phải có văn bản đồng ý của người còn lại, nếu đi với trường học, nhóm tôn giáo, các tổ chức văn hoá – xã hội, đội thể thao… phải có văn bản đồng ý của cả hai bố mẹ.

Tại Hải quan của Canada, có trường hợp không cung cấp được văn bản cho phép của bố mẹ đã bị từ chối nhập cảnh. Trong trường hợp này, được biết, thời điểm chuyến đi, một phụ nữ tên Q. (sống tại TP HCM) nhận là mẹ của cô bé nhưng sau đó dư luận mới hay: chị H. (sống tại Quảng Bình) mới là mẹ ruột của Diệu Linh.

Nhiều năm gần đây khi tình hình kinh tế của các gia đình tốt hơn, việc cho con cái đi du lịch nước ngoài không còn hiếm gặp, có thể thông qua các công ty du lịch, hoặc các tổ chức, công ty du học. Theo thông lệ, đối với người dưới 18 tuổi đi ra nước ngoài mà không có cha mẹ đều phải chịu sự giám hộ của các cá nhân, tổ chức được uỷ quyền.

Ví dụ, một phụ huynh gửi con dưới 18 tuổi theo học khóa học hè tại nước ngoài thông qua công ty du học thì hết khoá học trẻ sẽ về Việt Nam luôn. Trong thời gian của khóa học, sự an toàn của trẻ em do công ty tổ chức du học chịu trách nhiệm.

Nhưng nếu kết thúc khoá học mà visa còn thời hạn, con muốn ở lại du lịch thêm thì phải có sự đồng ý của cha mẹ cùng với sự bảo lãnh của người thân tại nước sở tại, thì từ lúc này, cha mẹ sẽ phải chịu toàn bộ trách nhiệm về sự an toàn của con.

Qua vụ “mất tích” của thiếu nữ 15 tuổi nói trên, dư luận yêu cầu việc quản lý người dưới 18 tuổi đi du lịch cần được làm chặt chẽ hơn. Ở lứa tuổi chưa trưởng thành, các em có nhiều suy nghĩ chưa chín chắn, còn ham của vui của lạ, có thể thực hiện những hành vi gây nguy hiểm cho bản thân, gây hại cho xã hội, thậm chí vi phạm pháp luật.

Dù trẻ em sống xa gia đình, các quyết định của em vẫn chịu sự giám hộ của bố mẹ hoặc người thân, họ hàng được bố mẹ uỷ quyền. Điều này nhằm đảm bảo luôn có người chịu trách nhiệm với các em khi có sự biến ngoài ý muốn xảy ra, những lúc cần có sự hướng dẫn và trợ giúp của người lớn, đặc biệt khi đặt chân tới một đất nước xa lạ.

Đọc thêm