Quản lý đất đai: Vi phạm lớn nhưng chẳng mấy ai bị xử lý

(PLO) - Cấp “sổ đỏ” cho... người chết, còn người sống muốn có “sổ đỏ” lại phải “bôi trơn”, gần 2 triệu trường hợp hợp sử dụng đất đủ điều kiện chưa được cấp giấy chứng nhận (GCN) nhưng lại có đến 300.000 giấy vì nhiều lý do mà người dân “chưa thèm nhận”.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang thừa nhận có sự nhũng nhiễu trong cấp sổ đỏ
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang thừa nhận có sự nhũng nhiễu trong cấp sổ đỏ
Tại phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng qua (29/9), Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) Nguyễn Minh Quang khẳng định, đến 31/12/2013, đã cấp được 40,7 triệu GCN quyền sử dụng đất, tương ứng với tổng diện tích 22,3 triệu hécta đất (đạt 94,6% diện tích cần cấp và đạt 96,7% tổng số trường hợp sử dụng đất đủ điều kiện cấp GCN. Song kết quả đó vẫn khó làm “dịu” những điểm “nóng” trong công tác cấp loại giấy tờ chứng minh quyền sở hữu đối với loại tài sản quan trọng này.
Không “bôi trơn”, phải chờ “sổ đỏ”... vô thời hạn
Bộ trưởng Quang cho biết, mặc dù kết quả cấp GCN lần đầu của cả nước đã đạt mục tiêu Quốc hội đề ra nhưng tại một số tỉnh còn một số loại đất chưa hoàn thành cơ bản việc cấp GCN, trong đó đất ở đô thị còn 15 tỉnh. Còn khoảng 300.000 GCN đã ký nhưng người sử dụng đất chưa đến nhận, chủ yếu ở các tỉnh: Hưng Yên, Bình Phước, Cao Bằng, Thái Bình, Gia Lai. 
Tuy vậy, số liệu này chưa làm hài lòng Đại biểu Quốc hội (ĐB) và cử tri vì như phản ánh của ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ủy ban Pháp luật), trong việc cấp GCN quyền sử dụng đất vẫn còn những tiêu cực kiểu “cấp sổ đỏ cho người chết”, chậm trễ, biểu hiện tiêu cực, nhũng nhiễu trong cấp sổ đỏ ở Hà Nội, đặc biệt là những bức xúc của người dân khi phải “bôi trơn” mới có được giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu hợp pháp của mình đối với đất đai và tài sản gắn liền với đất. 
Thậm chí, có trường hợp người dân “được gợi ý phải nộp phí bôi trơn 8 triệu đồng để được cấp sổ ngay, còn không nộp thì tiếp tục phải chờ đợi... vô thời hạn” khiến người dân nghi ngờ “ có đường dây tiêu cực giữa chủ đầu tư với cơ quan chức năng trong việc cấp sỏ đỏ”.
Thừa nhận có chậm trễ, nhũng nhiễu như vậy, nhất là “tại Hà Nội, tình hình khá phức tạp nên Bộ đã cử nhiều đoàn xuống làm việc, kiểm tra và đến nay tình hình đã cải thiện hơn”, Bộ trưởng Quang đề cập đến trách nhiệm của các văn phòng đăng ký đất đai của địa phương, nhất là ở các TP lớn như Hà Nội, TP.HCM và nhấn mạnh trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục tăng cường hơn nữa, vừa hướng dẫn, vừa thanh tra, kiểm tra. Bởi theo Bộ trưởng, nguyên nhân chính xuất phát từ việc thực hiện các qui định, chính sách về thủ tục cấp GCN quyền sử dụng đất trên thực tế vì “thủ tục cấp “sổ đỏ” hiện nay đã được rút ngắn hơn nhiều”.
Khiếu nại, tố cáo về đất đai “chưa thể hạ nhiệt”
Đất đai vẫn là lĩnh vực hàng đầu khiến tình hình khiếu nại, tố cáo “chưa thể hạ nhiệt”, hàng năm vẫn có đến 70-80% số vụ khiếu nại liên quan đến đất đai. Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho biết, từ đầu năm 2014 đến nay, đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai chiếm khoảng 68% so với khiếu nại chung, trong đó có 63% là vụ việc cũ, chỉ có 37% vụ việc mới, cũng có nhiều vụ đã giải quyết nhiều lần mà người dân vẫn chưa đồng tình. 
Trung bình những năm gần đây, Bộ TNMT nhận khoảng 4.000 lượt đơn khiếu nại, tố cáo, trong đó 98% lượng đơn thư khiếu nại, tố cáo thuộc lĩnh vực đất đai. Ngoài nguyên nhân từ chính việc thực hiện không đúng chức trách công vụ của cán bộ, công chức quản lý đất đai thì theo ĐB Ngô Văn Minh (tỉnh Quảng Nam), một nguyên nhân quan trọng là do “vi phạm đất đai rất lớn nhưng lại không thấy xử lý được ai. Thực tế, các vụ việc tồn đọng mới xử lý được 17/30 vụ, chưa kể tới đây lại có thêm 49 vụ phức tạp khác được đưa vào danh sách cần giải quyết”.
Cùng với nguyên nhân xuất phát từ tình hình thực tế, thị trường bất động sản, khung giá đất, hạn chế của công tác thanh tra, kiểm tra, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang và cả Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh đều chỉ ra nguyên nhân chính là việc thực hiện các qui định, chính sách đất đại tại các địa phương. Với hơn 400 văn bản liên quan đến đất đai qua các thời kỳ được áp dụng khiến quyền lợi liên quan đến đất đai của nhiều người dân luôn bị biến động, xáo trộn, không được đảm bảo giống nhau giữa các thời kỳ, giai đoạn, nhất là trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng, dẫn đến bức xúc, khiếu kiện. 
Cán bộ “tiếp tay” cho cát tặc, lâm tặc?
ĐB Đỗ Văn Đương (Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp): “Người dân cho rằng phải có sự tiếp tay của cán bộ có thẩm quyền trong cấp phép cho đối tượng khai thác khoáng sản như cát tặc, lâm tặc? Một tàu hút cát trên sông Hồng thu được 50-60 triệu đồng, không dễ gì mà lấy được giấy phép đó! Để những đối tượng đó “ăn” gần hết tài sản quốc gia, tham ô khoáng sản như vậy mà chỉ kỷ luật, xử lý hành chính” .

Đọc thêm