Quản lý giá sữa: nhảy đến đâu thì tính đến đó!

Doanh nghiệp kinh doanh sữa sẽ khó “lộng hành” vì chỉ còn hơn nửa tháng nữa, quy định đăng ký, kê khai giá bán (Thông tư 122) đối  với các mặt hàng thiết yếu, trong đó có sữa bột cho trẻ em dưới 6 tuổi, sẽ có hiệu lực.

 Doanh nghiệp kinh doanh sữa sẽ khó “lộng hành” vì chỉ còn hơn nửa tháng nữa, quy định đăng ký, kê khai giá bán (Thông tư 122) đối  với các mặt hàng thiết yếu, trong đó có sữa bột cho trẻ em dưới 6 tuổi, sẽ có hiệu lực.

Phỏng vấn với ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) về vấn đề này. Ông Tuấn, cho biết:

Bắt đầu từ ngày 1/10, các doanh nghiệp (DN) sẽ bắt đầu thực hiện đăng ký giá với cơ quan quản lý giá. Khi đăng ký giá, phải có thuyết minh về cơ cấu giá hình thành nên giá bán đó. Trên cơ sở thuyết minh này, cơ quan quản lý giá địa phương sẽ kiểm soát yếu tố giá của các DN. Thông tư 122 không quy định cụ thể về tỷ lệ biến động bao nhiêu % hay thời gian biến động bao nhiêu ngày cơ quan quản lý mới có quyền kiểm soát giá. Kể từ ngày 1/10, giá sữa cứ biến động bất thường, bất hợp lý thì cơ quản quản lý giá sẽ lập tức can thiệp.

Để biết  việc tăng giá có hợp lý hay không,  cơ quan quản lý sẽ căn cứ vào đâu để xác định các yếu tố cấu thành  giá sữa?

Chúng ta sẽ căn cứ theo quy chế tính giá của Bộ Tài chính ban hành năm 2005 (Quyết định 06/2005/QĐ-BTC). Quyết định này không quy định giá trần, giá sàn của các mặt hàng bình ổn và đăng ký giá, nhưng nó đưa ra nguyên tắc khống chế các khoản mục chi phí như thế nào là hợp lý. Chúng tôi cũng đang tiến hành sửa đổi quy định này để phù hợp hơn với thông tư mới và những quy định của Luật Thuế thu nhập DN. Ngoài ra, còn khoảng 20 khoản mục khác cũng quy định cụ thể về các yếu tố cấu thành giá sữa. Cơ quan quản lý giá sẽ căn cứ vào các quy định này để “rà soát” giá sữa của các DN. Trong thời gian sắp tới, quyết định sửa đổi này cũng sẽ được ban hành.

sua.jpg
ảnh PV

Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ phối hợp với các đơn vị có liên quan để cùng nhau kiểm soát các yếu tố cấu thành nên giá sữa. Cơ quan hải quan sẽ cung cấp số liệu về nguyên liệu nhập khẩu và các DN nhập thành phẩm. Ngoài ra, chúng tôi cũng đề nghị Bộ Công thương cung cấp số liệu về thị phần để kiểm soát các yếu tố cạnh tranh, độc quyền xem có dẫn tới thao túng giá hay không.

Trong số các chi phí cấu thành nên giá sữa, theo ông chi phí nào đang là nguyên nhân đẩy giá lên cao nhất?

Sau khi thanh tra các DN vào tháng 12/2009, chúng tôi thấy có 2 yếu tố bất hợp lý là chi phí quảng cáo và chi phí bán hàng quá lớn. Chi phí quảng cáo chiếm ước khoảng 30% so với doanh thu. Theo thuế thu nhập DN thì quảng cáo trên 10% là bất hợp lý. Cách tính giá sữa hình thành dựa trên hơn 10 yếu tố, và yếu tố quan trọng nhất là chi phí quảng cáo cao. Tất nhiên, chi phí quảng cáo cũng được tính vào giá bán và do người tiêu dùng gánh.

Vì sao Thông tư 122 chỉ kiểm soát mặt hàng sữa bột cho trẻ em dưới 6 tuổi, trong khi trên thị trường sữa còn rất nhiều loại như sứa nước, sữa cho cho người già, bà bầu…?

Thông tư 122 quy định việc đăng ký giá trên cơ sở nghiên cứu tình hình biến động giá cả vừa qua. Qua xem xét, Cục quản lý giá đã tham mưu cho Bộ Tài chính nhặt ra mặt hàng sữa bột cho trẻ em từ 1 - 6 tuổi. Như vậy không phải không xem xét với các mặt hàng khác, mà sữa có tới vài trăm loại, nếu đăng ký giá đồng loạt sẽ tạo ra chi phí xã hội lớn. Mặt khác, do mặt hàng sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi chiếm tới 90% thị phần sữa bột nhập khẩu và là mặt hàng chủ yếu gây biến động giá trong thời gian qua. Nên chúng tôi cho rằng lựa chọn nhóm mặt hàng này để bình ổn giá là hợp lý nhất. 

Người tiêu dùng đang lo ngại, nếu chỉ bắt sữa bột trẻ em dưới 6 tuổi đăng ký giá, DN sẽ “lách” các mặt hàng sữa khác, thực tế hiện hữu là vừa qua sữa bột dành cho người già, sữa nước... đã tăng rồi, thưa ông?

Các DN “nhảy” đến đâu mình sẽ tính đến đó. Nhiều khi các cơ quan quản lý phải căn cứ từ thực tiễn phát sinh ra mới có các điều chỉnh. Tuy nhiên, sẽ không có chuyện không đăng ký là cơ quan quản lý không thể làm gì, vì sữa vẫn là mặt hàng thuộc diện bình ổn giá. Nếu DN tăng bất hợp lý chúng tôi sẽ căn cứ quy định bình ổn giá để can thiệp.  Ngoài ra, trước khi có chính sách mới, DN sẽ thực hiện chính sách bán hàng của họ sao cho có lợi nhất, tùy vào tình hình cụ thể của thị trường. Ví dụ như ô tô, trước khi không thực hiện ưu đãi 50% lệ phí trước bạ thì phải chạy lệ phí. Bởi vậy, việc có những biến động giá cả trên thị trường trước khi thông tư có hiệu lực, tôi cho là không có gì đáng lo.  

Xin cám ơn ông!

Lan Uyên (thực hiện)

Đọc thêm