Quản lý họ, hụi, biêu, phường: Đề nghị thiết lập thêm nhiều biện pháp kiểm soát

(PLO) - Trên cơ sở yêu cầu của thực tiễn xã hội cũng như yêu cầu hoàn thiện hệ thống pháp luật và đảm bảo thực thi Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015, Bộ Tư pháp được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan nghiên cứu, đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về họ, hụi, biêu, phường.
Nhiều làng quê nghèo rúng động vì vỡ họ tiền tỷ.
Nhiều làng quê nghèo rúng động vì vỡ họ tiền tỷ.

Theo đó, có rất nhiều nội dung được dự kiến xây dựng nhưng đều hướng tới mục tiêu tạo khung pháp lý thích hợp để những người tham gia tự kiểm soát lẫn nhau, tăng cường ý thức, trách nhiệm tự bảo vệ quyền dân sự.

10 năm vỡ họ hàng nghìn tỷ đồng

Nghị định số 144/2006/NĐ-CP được ban hành ngày 27/11/2006 điều chỉnh về họ, hụi, biêu, phường (gọi chung là họ) với nhiều quy định ghi nhận tập quán tốt đẹp, “tương thân, tương ái” trong đời sống nhân dân. Trải qua hơn 10 năm thi hành, Nghị định 144 đã góp phần xây dựng cơ sở pháp lý bảo đảm thực hiện quyền dân sự của người dân trong xác lập, thực hiện các quan hệ về vay tài sản nói chung và về họ nói riêng. 

Bên cạnh Nghị định 144, BLDS năm 2015 có một điều khoản điều chỉnh về họ (Điều 471). Ngoài ra, còn có một số văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh gián tiếp như Bộ luật Hình sự về các tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự…; các văn bản pháp luật về xử lý vi phạm hành chính như Nghị định số 

167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tư, an toàn xã hội, phòng chống tệ nạn xã hội, phòng cháy và chữa cháy, phòng chống bạo lực gia đình (quy định hành vi cho vay tiền có cầm cố tài sản nhưng lãi suất cho vay vượt quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm cho vay)… Về cơ bản, các văn bản pháp luật điều chỉnh về họ đã đáp ứng được yêu cầu về cơ sở pháp lý để giải quyết các quan hệ liên quan, góp phần tạo hành lang pháp lý an toàn hơn cho người dân trong các giao dịch về họ; góp phần hạn chế cho vay nặng lãi và đẩy lùi các tệ nạn xã hội khác liên quan.

Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của nền kinh tế - xã hội, nhu cầu cho vay, đi vay bằng phương thức họ ngày càng đa dạng, phức tạp. Một số nơi, việc chơi họ phát triển với quy mô lớn, có tính chất phức tạp và bị 

biến tướng dưới hình thức cho vay nặng lãi. Nhiều trường hợp chủ họ đã lợi dụng lòng tin của những người tham gia chơi họ để chiếm đoạt tài sản, thực tế đã xảy ra một số vụ việc vỡ họ gây hậu quả nghiêm trọng cho cá nhân, tổ chức. Theo Báo cáo số 404/BC-BCA của Bộ Công an về tổng kết 10 năm thi hành Nghị định 144, đã xảy ra hàng trăm vụ vỡ họ lớn với thiệt hại lên tới hàng nghìn tỷ đồng, được Công an các đơn vị ở nước ta tiếp nhận. Hay Tổng cục Thi hành án dân sự (THADS), Bộ Tư pháp cho biết, các cơ quan THADS tại 36 địa phương đã giải quyết 14.862 vụ việc thi hành án liên quan đến họ, tương ứng với số tiền được thi hành hơn 599 tỷ đồng.

Kiểm soát hợp lý quan hệ họ

Tình trạng trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau như công tác tuyên truyền, phổ biến nội dung Nghị định 144 chưa hiệu quả, còn nhiều cá nhân, cơ quan nhà nước chưa biết đến Nghị định này; công tác quản lý, nắm bắt tình hình xã hội tại các địa phương còn bất cập; hiểu biết, ý thức tự bảo vệ quyền lợi của chính những người tham gia quan hệ họ còn hạn chế. Nội dung Nghị định 144 còn có những hạn chế, bất cập nhất định như quy định về người tham gia họ, hình thức thỏa thuận họ, sổ họ, cơ chế kiểm soát họ, lãi suất họ… dẫn đến các cơ quan có thẩm quyền khó khăn trong công tác thi hành pháp luật. 

Trong bối cảnh BLDS năm 2015 có nhiều quy định mới liên quan đến địa vị pháp lý của chủ thể; về việc xác lập, thực hiện, bảo vệ các quyền dân sự; về các giao dịch dân sự, về đại diện, về nghĩa vụ và hợp đồng, về lãi suất trong hợp đồng vay… mà chế định hợp đồng vay tài sản đã được sửa đổi, bổ sung khá cơ bản. BLDS năm 2015 cũng quy định rõ việc tổ chức họ có lãi thì mức lãi phải tuân theo quy định của BLDS.

Vì vậy, từ định hướng thiết lập cơ chế tự kiểm soát lẫn nhau giữa những người tham gia họ, tăng cường ý thức, trách nhiệm tự bảo vệ quyền dân sự, Bộ Tư pháp đang xây dựng Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 144 với nhiều điểm mới mang tính chất hướng dẫn hành vi của người tham gia họ để đảm bảo an toàn, chặt chẽ cho các bên tham gia, đồng thời phát huy tinh thần “tương thân, tương ái”. Chẳng hạn, bổ sung nhiều điều kiện tham gia họ của chủ họ, thành viên; thêm quy định về giấy biên nhận; bổ sung quy định xác định thứ tự lĩnh họ bằng hình thức biểu quyết, bình chọn…

Qua thảo luận bước đầu, nhiều ý kiến đồng tình với việc tăng cường cơ chế tự kiểm soát lẫn nhau và đề nghị thiết lập thêm những biện pháp kiểm soát tốt hơn quan hệ hụi họ bởi đây là dạng quan hệ có nhiều biến tướng phức tạp, dễ bị lợi dụng. Tuy nhiên, việc bổ sung các biện pháp này chỉ nên chặt chẽ ở mức độ hợp lý mới đảm bảo tuân thủ nguyên tắc hạn chế quyền của Hiến pháp năm 2013.

Đọc thêm