Luật Quốc tịch Việt Nam 2008 đã quy định rõ trách nhiệm của Bộ Tư pháp và các Bộ ngành trong quản lý nhà nước về quốc tịch. Tuy nhiên, sau hơn một năm triển khai, công tác quản lý nhà nước theo Luật chưa thực sự chuyển biến.
Phần mềm quản lý chưa thể… sử dụng
Năm 2008, Dự án Hỗ trợ thể chế của EC đã xây dựng và bàn giao một phần mềm quản lý quốc tịch cho Vụ Hành chính tư pháp (HCTP) - Bộ Tư pháp. Có điều, phần mềm được thiết kế theo mẫu và quy trình… của Luật Quốc tịch năm 1998 nên bộc lộ một số điểm bất cập, chưa thể áp dụng được. Từ tháng 6/2010, Vụ HCTP đành chọn giải pháp chuyển đăng công khai kết quả giải quyết các việc về quốc tịch trên Cổng thông tin điện tử của Bộ.
Trong năm 2010 cũng chưa có đổi mới nhiều về quy trình phối hợp giải quyết hồ sơ quốc tịch. Không ít hồ sơ do một số UBND cấp tỉnh và các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài gửi về vẫn sử dụng mẫu cũ, viện dẫn văn bản đã hết hiệu lực; không theo mẫu quy định trong Thông tư số 08/2010/TT-BTP ngày 25/3/2010… Ngoài ra, nội dung văn bản đề xuất của hầu hết UBND cấp tỉnh và các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài quá sơ sài, không thể hiện được sự đánh giá, phân tích hồ sơ, giải trình, kết luận và đề xuất cụ thể.
Đại diện lãnh đạo Vụ HCTP kiên quyết, Vụ sẽ gửi trả lại những hồ sơ không đúng quy định, sẽ không giải quyết hồ sơ theo lối “sự vụ” như trước nữa. Được biết, hiện nay, Vụ HCTP đã thiết kế một số mẫu Tờ trình song một số mẫu văn bản đề xuất về nhập, thôi, trở lại quốc tịch Việt Nam thì đang bị bỏ ngỏ. Nên chăng, các cơ quan chức năng cần hướng dẫn những văn bản trên để các cơ quan tiếp nhận hồ sơ ở trong và ngoài nước thể hiện được thống nhất, đầy đủ các yêu cầu, đảm bảo thời hạn quy định.
“Tắc” ở địa phương
Điều 7 Thông tư liên tịch số 05/2010/TTLT/BTP-BNG-BCA hướng dẫn cụ thể giải quyết việc nhập quốc tịch Việt Nam cho những người không quốc tịch theo Điều 22 Luật Quốc tịch Việt Nam. Một số UBND cấp tỉnh như Điện Biên, Sơn La, Bình Phước, Đà Nẵng, Trà Vinh, Cà Mau đã phê duyệt Kế hoạch “Giải quyết việc nhập quốc tịch cho những người không quốc tịch mà không có đầy đủ giấy tờ về nhân thân, nhưng đã cư trú ổn định trên lãnh thổ Việt Nam từ 20 năm trở lên” và bước đầu đã có những hoạt động triển khai. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều địa phương lại chưa xây dựng và phê duyệt Kế hoạch để triển khai vấn đề này.
Luật Quốc tịch Việt Nam và Nghị định số 78/NĐ-CP quy định, việc đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam được thực hiện tại các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và hằng năm các Cơ quan đại diện có trách nhiệm báo cáo số liệu về Bộ Ngoại giao để thông báo cho Bộ Tư pháp. Nhưng theo phản ánh, cho đến nay Bộ Tư pháp chưa nhận được số liệu báo cáo của các Cơ quan đại diện.
Qua thông tin Bộ Tư pháp nắm được thì hiện nay số công dân Việt Nam đang cư trú nước ngoài cũng đã đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam ở những nước mà quốc gia đó cho phép công dân của họ có thể có hai quốc tịch (như Pháp, Mỹ) và số lượng đến đăng ký chưa nhiều. Riêng việc thông báo có quốc tịch nước ngoài hầu như chưa có trường hợp nào yêu cầu.
Sơn Hà