Cần cụ thể phần diện tích và các thiết bị thuộc sở hữu riêng
Về phần sở hữu riêng trong nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu, Dự thảo Quy chế nêu, phần diện tích và các thiết bị thuộc sở hữu riêng của chủ sở hữu quy định tại Khoản 1 Điều 100 của Luật Nhà ở phải được ghi rõ trong hợp đồng mua bán, hợp đồng thuê mua căn hộ hoặc phần diện tích khác không phải căn hộ trong nhà chung cư (sau đây gọi chung là hợp đồng mua bán, thuê mua căn hộ). Kèm theo hợp đồng mua bán, thuê mua căn hộ, chủ đầu tư phải cung cấp bản vẽ theo quy định tại Quy chế này cho người mua, thuê mua.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, cơ quan soạn thảo Quy chế cần bổ sung quy định cụ thể hơn đối với các loại hình bất động sản (BĐS) thương mại, du lịch. Theo đó, phải chi tiết hóa các vấn đề nội dung bàn giao vì việc quản lý phần sở hữu riêng của các chủ sở hữu BĐS này là vấn đề này có tính liên kết hệ thống, kết cấu liên hệ tổng thể trong cụm nhà chung cư, dẫn đến nếu có rủi ro gì đó thì sẽ là liên hoàn mà không thể chia cắt, phân biệt rạch ròi.
Hoạt động kinh doanh không thể ảnh hưởng đến nhà ở
Mối quan hệ giữa việc quản lý và sử dụng phần sở hữu chung ảnh hưởng thế nào đến đời sống dân cư chung cư là một trong những nội dung luôn được nhiều người quan tâm. Theo quan điểm của ông Nguyễn Hoàng Thanh - Viện phó Viện Nghiên cứu chính sách quản lý BĐS và công trình dân dụng quốc tế, phải quy định chi tiết hơn, rõ ràng hơn đối với chung cư hỗn hợp, đặc biệt chung cư có bao gồm phần BĐS du lịch, thương mại, văn phòng cho thuê, từ đó có thể định nghĩa được các rủi ro phát sinh.
“Đối với loại BĐS có mục đích sử dụng hỗn hợp, bài toán đặt ra là phải thực hiện quản lý như thế nào để tránh phá vỡ toàn bộ môi trường tại nhà chung cư. Như vậy, các nội dung quy định nhà chung cư sẽ bao trùm điều chỉnh các hoạt động của BĐS kinh doanh, du lịch, thương mại” – ông Nguyễn Hoàng Thanh nói – “Nói cách khác, chúng ta phải tuyên bố rằng mọi hoạt động của BĐS kinh doanh, du lịch, thương mại, văn phòng cho thuê không được gây ảnh hưởng đến cuộc sống nhà tại chung cư”.
Chị Trần Hà (KĐT Trung Hòa – Nhân Chính) cũng cho rằng, trong trường hợp BĐS kinh doanh, du lịch, thương mại gây ảnh hưởng đến cuộc sống nhà chung cư thì Hội nghị cư dân có quyền đưa vào nội quy tòa nhà để điều chỉnh hoạt động của các khu BĐS này, tránh toàn bộ cuộc sống nhà ở của chung cư bị xáo trộn và xung đột với tinh thần Luật Nhà ở.
Anh Hoàng (TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) cho rằng, dự thảo Quy chế cũng cần xem xét, bổ sung quy định, các hợp đồng cho thuê của khu thương mại, khu căn hộ cho thuê ngắn ngày, dài ngày trong một chung cư phải thống nhất một mẫu chung và các điều khoản chung phải nằm trong khuôn khổ phạm vi của nội quy quy chế của nhà chung cư để bảo đảm các cư dân cư ngụ và người viếng thăm tại các BĐS khác không thuộc nhà ở phải tuân thủ nội quy, quy chế phục vụ cho cư dân nhà ở. “Có thể thống nhất một mẫu Hợp đồng cho thuê nhà, văn phòng và hợp đồng này phải được toàn bộ cư dân thông qua. Đồng thời phải khống chế lượng người hoạt động tại tòa nhà đối với các BĐS khác ngoài nhà ở” – anh Hoàng nói.
Quy định chặt chẽ về chuyển giao công nghệ và phần mềm vận hành
Liên quan đến quy định bàn giao và lưu trữ hồ sơ nhà chung cư, nhiều ý kiến cho rằng, cần bổ sung quy định chặt chẽ về chuyển giao công nghệ và phần mềm vận hành các trang thiết bị liên quan đến nhà chung cư. Ban quản trị, cư dân cũng như chủ đầu tư gặp phải thách thức là không được chuyển giao hết tất cả các quyền sở hữu công nghệ, phần mềm, quy trình công nghệ liên quan đến vận hành nước xả thải, thang máy, Phòng cháy chữa cháy; dẫn đến phải sử dụng độc quyền các dịch vụ bảo trì, bảo dưỡng sau này, ảnh hưởng đến chi phí…