Văn bản quy phạm pháp luật đầu tiên điều chỉnh về quản lý, thu chi tiền công đức
Hoạt động công đức, tài trợ tại các di tích lịch sử - văn hóa gắn liền với đời sống tinh thần của người Việt Nam, là nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Những năm qua, việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội còn nhiều bất cập, bị chi phối bởi nhiều yếu tố khác nhau, trong đó có yếu tố kinh tế thị trường, đòi hỏi các vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích vật chất cần được quản lý theo hướng minh bạch, rõ ràng, loại bỏ xu hướng chạy theo lợi ích cá nhân, phục vụ lợi ích nhóm. Thông tư số 04 là văn bản quy phạm pháp luật đầu tiên điều chỉnh về quản lý, thu, chi tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội trên phạm vi cả nước.
Tháng 2/2023, trả lời trên Cổng TTĐT Bộ Tài chính, bà Vũ Thị Hải Yến - Phó Vụ trưởng Vụ Hành chính sự nghiệp Bộ Tài chính đã cho biết, Thông tư số 04/2023/TT-BTC thể hiện rõ quan điểm:
Thứ nhất, tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người; bảo đảm để các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật; tôn trọng, bảo vệ giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tín ngưỡng, tôn giáo; bảo hộ cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo và tài sản hợp pháp của cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo.
Thứ hai, Nhà nước không quản lý tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội đối với cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo. Các cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo tự quyết định và chịu trách nhiệm về tiếp nhận, quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ cho việc bảo vệ, phát huy giá trị di tích và hoạt động lễ hội (bao gồm cả việc tự quyết định về nội dung chi và mức chi cho hoạt động lễ hội, bảo vệ và phát huy giá trị di tích), bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật.
Thứ ba, các khoản thu, chi tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội được ghi chép, quản lý an toàn, công khai, minh bạch để tạo niềm tin cũng như phát huy hiệu quả và đem lại lợi ích chung cho toàn thể cộng đồng.
Có thể nói, việc ban hành Thông tư số 04 đã tạo hành lang pháp lý để vừa tạo điều kiện cho người dân và các tổ chức tham gia đóng góp phát triển văn hóa đất nước, vừa tạo ra sự tin tưởng, minh bạch trong các hoạt động này, giúp đóng góp tích cực hơn cho việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích và lễ hội nói riêng, phát triển văn hóa của đất nước nói chung.
Vì thế, Thông tư số 04 đã được Nhân dân và các tổ chức xã hội đồng thuận, ủng hộ. Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có Văn bản số 62/HĐTS-VP1 ngày 20/02/2023 hướng dẫn áp dụng Thông tư cho Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo các địa phương, trụ trì các chùa, cơ sở tự viện, đề nghị các tăng ni, phật tử, tổ chức tôn giáo trực thuộc, trụ trì chùa, cơ sở tự viện của Giáo hội thực hiện nghiêm Thông tư số 04.
Nghiên cứu, bổ sung quy định trách nhiệm quản lý tiền công đức của chính quyền địa phương
Thông tư số 04/2023/TT-BTC có hiệu lực thi hành kể từ ngày 19/3/2023, theo Bộ VH,TT&DL, sau 1 năm thực hiện quản lý tiền công đức, báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy cả nước thu 4.100 tỷ đồng (không bao gồm các khoản công đức, tài trợ bằng hiện vật, công trình xây dựng; tiền công đức, tài trợ cho hoạt động tôn giáo của tổ chức tôn giáo), trong đó: số thu tại các di tích là cơ sở tín ngưỡng 3.062 tỷ đồng (75%), số thu tại các di tích là cơ sở tôn giáo 1.038 tỷ đồng (25%).
Trước và trong thời gian kiểm tra, các địa phương thực hiện tuyên truyền, giải thích về mục đích, đối tượng và nội dung kiểm tra, trong đó nêu rõ quan điểm: Nhà nước không quản lý tiền công đức, tài trợ cho hoạt động tôn giáo của tổ chức tôn giáo; tiền công đức, tài trợ cho việc bảo vệ, phát huy giá trị di tích và hoạt động lễ hội phải được quản lý chặt chẽ, sử dụng đúng mục đích, mở sổ sách ghi chép đầy đủ các khoản thu, chi, bảo đảm công khai, minh bạch.
Thủ tướng yêu cầu tăng cường các giải pháp quản lý tiền công đức.(Ảnh minh họa VGP) |
Cũng theo Bộ VH,TT&DL, từ thực tiễn kiểm tra tại các di tích là cơ sở tôn giáo về cơ bản đều có hoạt động thu, chi tiền công đức, tài trợ nhưng còn khoảng 31%, tương ứng 1.771 cơ sở di tích không báo cáo; trong số này có nhiều chùa thuộc sở hữu chung của cộng đồng đã được UBND cấp tỉnh đưa vào danh mục kiểm kê để phục vụ cho công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích không báo cáo, với lý do là việc địa phương đưa chùa vào danh mục kiểm kê di tích không có ý kiến nhà chùa.
Tại các di tích là đền, chùa có đặt đĩa, đặt khay trên các ban thờ khiến du khách đặt nhiều loại tiền lộn xộn, không chỉ làm mất đi sự tôn nghiêm, thanh tịnh nơi thờ tự mà còn gây lòng tham cho người khác. Theo quy định tại Thông tư số 04, các khoản tiền nêu trên được thu gom để kiểm đếm và sử dụng chung cho việc bảo vệ, phát huy giá trị di tích và lễ hội; trong đó có chi thù lao cho người trông coi, bảo vệ di tích và chi mua hương, hoa, lễ vật, đèn nhang tại di tích. Tuy nhiên, việc thực hiện tại những di tích chưa lắp camera có bảo đảm minh bạch hay không hoàn toàn phụ thuộc vào ý thức tự giác của người đại diện di tích.
Việc quản lý tiền công đức, tài trợ tại không ít di tích chưa chặt chẽ, tiềm ẩn rủi ro, để thất thoát, trộm cắp. Một số di tích giao tiền cho cá nhân giữ, đứng tên gửi tiết kiệm, cho các cá nhân vay, đã có trường hợp bị lừa nhiều tỷ đồng. Một số di tích có thói quen giữ tiền mặt mà không gửi vào tài khoản bị kẻ gian lấy trộm; nhiều di tích tiếp nhận tiền trong hòm công đức chưa kịp thời bị kẻ gian cạy phá hòm lấy tiền. Cá biệt, có trường hợp nhân viên Ban quản lý di tích lấy trộm tiền công đức bị nhiều người phát hiện, số tiền không nhiều nhưng hành vi trộm cắp tiền công đức đã để lại ấn tượng không tốt với du khách thập phương.
Vẫn còn xảy ra "va chạm" trong việc tiếp nhận tiền công đức, tài trợ tại một số di tích đan xen các chủ thể khác nhau quản lý, nhất là những di tích vừa có cơ sở tín ngưỡng, vừa có cơ sở tôn giáo (cụm di tích gồm đình, đền, miếu, chùa) và một số cụm di tích là cơ sở tín ngưỡng giao khoán cho các hộ gia đình quản lý, làm ảnh hưởng đến những giá trị tốt đẹp của tín ngưỡng, tôn giáo...
Trước thực tế này, để tiếp tục tiến tới quản lý tiền công đức, tài trợ công khai, minh bạch, ngày 8/8/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 77/CĐ-TTg ngày 8/8/2024 yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với tiền công đức, tiền tài trợ tại các di tích lịch sử - văn hóa trên phạm vi toàn quốc.
Công điện nêu rõ, Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL có nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Tài chính, các Bộ, cơ quan, địa phương liên quan nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền trong quý IV/2024 để bổ sung quy định về trách nhiệm quản lý nhà nước của chính quyền địa phương các cấp trong việc quản lý tiền công đức, tiền tài trợ tại các di tích lịch sử - văn hóa và chế tài xử lý nghiêm khi để phát sinh sai phạm...
Theo số liệu thống kê của Bộ VH,TT&DL, cả nước hiện nay có gần 9.000 lễ hội, trong đó có khoảng 7.000 lễ hội dân gian truyền thống, gần 1.400 lễ hội tôn giáo, hơn 400 lễ hội lịch sử, cách mạng, ngoài ra có gần 30 lễ hội du nhập từ nước ngoài. Về di tích, cả nước có trên 10.000 di tích đã được xếp hạng di tích cấp tỉnh, gần 4.000 di tích đã được xếp hạng di tích quốc gia, 123 di tích đã được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt; đồng thời, có trên 40.000 di tích đã được kiểm kê theo quy định của Luật Di sản văn hóa.