Quan ngại cuộc chiến “cày view” để phô trương hình ảnh của ca sĩ trẻ

(PLO) - Có những sản phẩm âm nhạc đạt hàng trăm triệu lượt xem, hay như gần đây nhất “Nơi này có anh” của Sơn Tùng M-TP lọt top MV có nhiều lượt xem nhiều nhất trên thế giới trong những ngày đầu ra mắt… Ít ai biết, đằng sau lượt xem khủng ấy lại là 1001 cách “cày view” của người trong cuộc. Không còn xem lượt view là thước đo chất lượng, đây hẳn là điều đáng buồn cho thị trường âm nhạc Việt Nam.
Cộng đồng fan Sky kêu gọi lượt like để “thức đêm” cày lượt xem cho Sơn Tùng MV “Nơi này có anh” của giọng ca Thái Bình đã giành vị trí số một trong top Trending của Youtube thế giới nhưng chất lượng không hề được đánh giá cao
Cộng đồng fan Sky kêu gọi lượt like để “thức đêm” cày lượt xem cho Sơn Tùng MV “Nơi này có anh” của giọng ca Thái Bình đã giành vị trí số một trong top Trending của Youtube thế giới nhưng chất lượng không hề được đánh giá cao

1001 cách “cày view”

Người khởi đầu cho trào lưu “cày view” để giúp các sản phẩm âm nhạc của thần tượng có đạt được những con số khủng về lượt xem bắt đầu từ cộng đồng fan của Sơn Tùng M-TP - (tên FC của Sơn Tùng M-TP). Theo dõi kênh Youtube của giọng ca Thái Bình, những dòng bình luận có nội dung kêu gọi, động viên nhau xem MV không hề ít.

Có fan còn cho biết: “Thức cả ngày lẫn đêm để cày view” hay “Giờ đang là 4 giờ 43 sáng vẫn cày view”... Thậm chí còn đặt ra mục tiêu: “24 giờ được 15 triệu view”, “14 triệu view trong 2 ngày”, “Một tháng ít nhất cũng phải được 77 triệu view nhé”… Kết quả là sau 2 ngày ra mắt, MV “Nơi này có anh” của giọng ca Thái Bình đã giành vị trí số một trong top Trending của Youtube thế giới. 

Điểm thú vị tạo nên cơn sốt “cày view” của fan xuất phát là bởi vào ngày 14/2 vừa qua cả Sơn Tùng và Đông Nhi cùng ra MV vào lúc 0 giờ 00 phút cộng với những scandal của hai ca sĩ trước đó nên cuộc chiến về lượt view giữa hai MV ra cùng lúc lại càng kịch tính hơn bao giờ hết. Cả hai cộng đồng fan đều liên tiếp kêu gọi tăng lượt xem cho sản phẩm của thần tượng chứ không một chút bàn luận về chất lượng của MV hay ý nghĩa mà MV mang lại đối với nghệ thuật âm nhạc. 

Có nhiều cách “cày view” được các fan chia sẻ, đơn giản nhất, họ xem đi xem lại MV trên điện thoại, kết hợp tối đa các thiết bị công nghệ khác: laptop, tablet của mình lẫn người thân, bạn bè… Cũng có nhiều tin đồn cho rằng, có fan “chân chính” còn thuê thêm nhiều máy tính ở tiệm net để phục vụ cho việc “cày view”. Một số fan còn giữ cho nhau tỉnh táo bằng cách bình luận các nội dung mang tính “câu like” như “100 like thức câu view đến sáng”…

Chính trào lưu tăng lượt xem cho view mà cư dân mạng đã có nhiều câu chuyện “dở khóc, dở cười”. Điển hình như câu chuyện của một nam sinh quyết định chia tay bạn gái của mình vì thời gian chủ yếu trong một ngày của cô ấy không dùng để làm gì ngoài việc ngồi kè kè máy tính để bật đi bật lại MV của Sơn Tùng...

Câu chuyện fan huy động “lực lượng máy móc” để “cày view” cho thần tượng của mình khiến nhiều người cảm thấy bất bình về sự vô nghĩa của việc làm đó. Ngoài việc mất thời gian, tiền bạc của chính mình, nhiều bạn trẻ tham gia vào “cuộc chiến” này đang biến những tác phẩm nghệ thuật trở nên vô giá trị. Bởi xưa nay nghệ thuật là để thưởng thức, để chiêm ngắm và quan sát, từ đó đưa ra nhận định đánh giá để những thành quả sau được hoàn thiện hơn chứ không phải xem đi xem lại một cách vô thức để đạt được những con số “vô tri”.

Nếu những MV ca nhạc có lượt xem khủng trên youtube hiện tại về chuyên môn bị đánh giá “tầm thường” nhưng lượt xem lại “bất thường” thì ắt hẳn bây giờ không còn ai lấy lượt xem trên youtube là thước đó chất lượng và giá trị thực sự của sản phẩm âm nhạc đó nữa rồi!

Không còn xem lượt view là thước đo chất lượng?

“Nơi này có anh” ra mắt 0 giờ ngày 14/2 như món quà Sơn Tùng dành tặng các fan của mình. Sản phẩm được quay ở Hàn Quốc với nhiều khoảnh khắc ngọt ngào của đôi tình nhân. Ngày ra mắt chạm mốc 7 triệu lượt xem, vượt qua kỷ lục 4 triệu do “Lạc trôi” nắm giữa sau 24 giờ, “Nơi này có anh” vẫn được nhiều người đánh giá không hấp dẫn bằng các sản phẩm trước đây của ca sĩ Thái Bình.

Chính sự kêu gọi công khai nhằm tăng lượt xem cho MV thần tượng bằng cách xem đi xem lại nhiều lần chứ không phải là thưởng thức nghệ thuật đã biến lượt xem xưa nay được lấy ra làm thước sự ủng hộ và yêu thích của khán giả dành thành quả âm nhạc đó trở nên vô nghĩa hơn bao giờ hết.

Facebooker  Minh Thùy  chia sẻ: “Thay vì 12 giờ đêm, 1 giờ sáng các bạn trẻ thi nhau kêu gọi thức để tăng lượt xem cho MV thần tượng để đạt con số kỉ lục mình nghĩ các bạn nên dành thời gian để nghỉ ngơi hoặc làm những việc có ích cho bản thân”. Ý kiến này được rất nhiều người đồng tình bởi lẽ không phải ai cũng có thể làm mãi một việc là đi tăng lượt xem cho thần tượng của mình, việc MV này đạt con số khủng vì nhiều người “cày”, MV sau ít người “cày” hơn nên lượt xem ít hơn dù chất lượng hơn thì đấy hẳn là điều đáng buồn cho thị trường âm nhạc Việt Nam.

Và một ca sĩ có những sản phẩm chất lượng, được giới chuyên môn đánh giá cao và những sản phẩm của họ thật sự có ý nghĩa mới có thể ở lại lâu trong lòng công chúng, còn những con số ở một thời điểm nào đó cũng sẽ có người vượt qua hoặc bị lãng quên? Vậy thử hỏi sản phẩm âm nhạc chân chính ý nghĩa hơn hay những con số có ý nghĩa hơn.

Thiết nghĩ, những cộng đồng fan chân chính thay vì đang cố gắng tạo nên những con số ảo để đưa thần tượng của mình đạt được những kỉ lục nhất thời thì nên trở nên khắt khe hơn, khó tính hơn trong mỗi sản phẩm của thần tượng để bản thân nghệ sĩ đó phải nỗ lực cố gắng hơn nữa, hoàn thiện những thành quả của mình hơn nữa.