Khách hàng của Công ty IPIC là nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc, chuyên kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản, hiện đang có dự định đầu tư vào một dự án chung cư cao cấp tại TP. Hà Nội. Sau khi dự án thành công, nhà đầu tư muốn dùng thang máy để kinh doanh dịch vụ quảng cáo (đặt các màn hình LCD trong thang máy và cho các đơn vị thuê màn hình LCD để quảng cáo sản phẩm), vậy việc sử dụng thang máy của chung cư để kinh doanh quảng cáo có phù hợp với pháp luật Việt Nam không?
Theo quan điểm của Công ty Luật TNHH IPIC, căn cứ Khoản 6, Điều 6 Luật nhà ở; Khoản 4, Điều 8 Luật Quảng cáo, chức năng của thang máy là dùng để vận chuyển người và hàng hóa, việc lắp đặt biển quảng cáo để khai thác, kinh doanh là trái với công năng và mục đích sử dụng của thang máy.
Mặt khác, diện tích thang máy có hạn, việc dùng điện chạy quảng cáo màn hình có thể mất mỹ quan và ảnh hưởng đến việc di chuyển bình thường (an toàn giao thông) nên bị cấm theo các điều luật trên.
Công ty Luật TNHH IPIC muốn biết, quan điểm của Công ty có đúng không? Nhà đầu tư có thể sử dụng thang máy chung cư để kinh doanh quảng cáo không?
Bộ Xây dựng trả lời vấn đề này như sau:
Về việc quản lý sử dụng thang máy của khu nhà chung cư, theo quy định tại Khoản 2, Điều 100 Luật Nhà ở năm 2014 thì thang máy là thiết bị thuộc phần sở hữu chung của nhà chung cư.
Tại Khoản 6, Điều 6 Luật Nhà ở năm 2014 có quy định nghiêm cấm sử dụng phần diện tích và các thiết bị thuộc sở hữu, sử dụng chung vào mục đích sử dụng riêng. Như vậy, về nguyên tắc, việc sử dụng thang máy phải bảo đảm đúng công năng và mục đích sử dụng chung là vận chuyển.
Về việc thực kiện quảng cáo trong thang máy, trường hợp nhà đầu tư Hàn Quốc như nêu trong câu hỏi của Công ty được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về nhà ở để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở để bán hoặc để bán kết hợp cho thuê thì sau khi hoàn thành việc đầu tư xây dựng đưa vào sử dụng, căn cứ vào các quy định của pháp luật về nhà ở nhà đầu tư Hàn Quốc tổ chức họp Hội nghị nhà chung cư theo quy định tại Khoản 3, Điều 102 Luật Nhà ở năm 2014 để quyết định việc đặt màn hình LCD trong thang máy để kinh doanh quảng cáo.
Trường hợp nhà đầu tư Hàn Quốc được Nhà nước cho thuê đất để đầu tư xây dựng nhà ở để cho thuê theo quy định của pháp luật về đất đai thì sau khi hoàn thành việc đầu tư xây dựng đưa vào sử dụng, nhà đầu tư Hàn Quốc này là chủ sở hữu đối với dự án xây dựng nhà ở để cho thuê nêu trên.
Theo quy định tại Khoản 4, Điều 102 Luật Nhà ở năm 2014 thì chủ sở hữu (nhà đầu tư Hàn Quốc) sẽ tổ chức Hội nghị nhà chung cư để quyết định các vấn đề quy định tại các Điểm a, b và e, Khoản 3, Điều 102 Luật Nhà ở năm 2014 trong đó có việc đặt các màn hình LCD trong thang máy của chung cư và cho thuê các màn hình này để thực hiện việc kinh doanh quảng cáo.
Việc thực hiện hoạt động kinh doanh quảng cáo (nếu có) trong thang máy của nhà chung cư ngoài việc tuân thủ các quy định của pháp luật về nhà ở, pháp luật về doanh nghiệp thì còn phải tuân thủ các quy định của Luật Quảng cáo năm 2012 và các văn bản hướng dẫn thi hành.