Quảng Nam: Ép thu tiền không được thì cấm xe xuất bến

(PLO) - Không thu được các khoản tiền bị cho là vô lý của hàng chục chủ nhận khoán xe chạy tuyến cố định Tam Kỳ - Hiệp Đức, Công ty CP Đầu tư Phát triển hạ tầng Quảng Nam đã ra lệnh cấm các xe xuất bến khiến nhiều hành khách bị “bó chân”.
Xe buýt Quảng Nam
Xe buýt Quảng Nam
Hôm đầu tuần, toàn bộ 11 xe buýt chạy tuyến cố định Tam Kỳ - Hiệp Đức (Quảng Nam) đã phải ngưng hoạt động vì không được Cty CP Đầu tư Phát triển hạ tầng Quảng Nam cấp phép xuất bến. Nhiều tài xế và phụ xe đã phải đưa xe tập trung tại một góc đường Hùng Vương để phản ánh bức xúc với các phóng viên.
Ông Huỳnh Nguyễn Ngọc Điền cho hay, trước đây tuyến xe buýt ông đang nhận khoán do Cty CP Giao thông Vận tải tỉnh Quảng Nam quản lý và khai thác. Tuy nhiên, do hoạt động thua lỗ trong khi không có tiền để trả nợ vay của Quỹ Đầu tư Phát triển Quảng Nam nên buộc phải chuyển cho Cty CP Đầu tư Phát triển hạ tầng Quảng Nam khai thác nhằm thu hồi nợ cho ngân sách nhà nước.
Sau khi được chuyển chủ sở hữu vào tháng 8, Cty CP Đầu tư Phát triển hạ tầng Quảng Nam đã ký hợp đồng với những người nhận khoán để tuyến xe buýt tiếp tục hoạt động bình thường. Để phục vụ người dân tốt hơn, Cty yêu cầu các chủ nhận giao khoán phải bỏ ra hàng chục triệu đồng để tu sửa lại xe như thay lốp, sơn xe, bọc ghế ngồi…
Sau 2 tháng hoạt động, mới đây Cty này đã họp yêu cầu chủ quản lý xe phải đóng nhiều khoản tiền mà họ cho là vô lý và quá sức nên không chấp nhận, liền bị Cty CP Đầu tư Phát triển hạ tầng Quảng Nam “cấm” hoạt động bằng việc không cấp lệnh cho phép xuất bến.
Theo phản ánh của nhiều chủ xe, bắt đầu từ tháng 11/2015, Cty này buộc phải mua bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp cho lái xe với số tiền lên đến 942.500 đồng, phụ xe là 877.500 đồng. Chủ nhận giao khoán xe phải chịu 50% trong tổng số 5.800.000 đồng/năm đối với tiền mua bảo hiểm thân, vỏ xe. 
Ngoài ra, số tiền giao khoán mà các chủ xe phải nộp cũng tăng từ 400.000 lên 500.000 đồng/ngày. Trong khi đó, tất cả những khoản tiền trên trước đây chủ nhận khoán xe đều không phải nộp.
Một chủ xe bức xúc: “Nhiều người đã có bảo hiểm y tế rồi mà công ty vẫn bắt buộc phải nộp. Tiền lương mỗi tháng chỉ 2-3 triệu nhưng nộp bảo hiểm hơn 900.000 đồng, chúng tôi lấy gì để sống? Hơn nữa, tài xế thường không chạy cố định, có khi chỉ chạy một vài tháng rồi nghỉ nhưng bắt chủ xe phải nộp các khoản bảo hiểm như thế là hết sức vô lý”. 

Đọc thêm