Tổng kế hoạch vốn năm 2023 tại Quyết định số 3371/QĐ-UBND ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh là hơn 7.778 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách trung ương hơn 3.021 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương hơn 4.757 tỷ đồng.
|
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Nguyễn Hồng Quang chủ trì phiên họp về quản lý đầu tư xây dựng cơ bản hôm 15/2. |
Báo cáo của Kho bạc tỉnh Quảng Nam tính đến hết ngày 31/1/2023, tỷ lệ giải ngân của các dự án đầu tư năm 2023 thấp hơn so cùng kỳ năm 2022, chỉ đạt 3,7% so với 4% với tổng số vốn đã giải ngân là 286,298/7.778,766 tỷ đồng (ngân sách trung ương đạt 2,1% (62,784 tỷ đồng) và ngân sách địa phương đạt 4,7% (223,514 tỷ đồng)).
Đối với nguồn vốn ngân sách Trung ương năm 2022 kéo dài sang năm 2023, tính đến hết ngày 31/1/2023, đã giải ngân hơn 1.321 tỷ đồng, đạt 55,4%.
Riêng với nguồn vốn địa phương năm 2022 kéo dài sang năm 2023, hiện nay, Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Nam đang tổng hợp số liệu kế hoạch vốn ngân sách địa phương năm 2022 đề nghị kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân sang năm 2023 do các đơn vị, địa phương đề xuất.
Tỉnh Quảng Nam cũng đã thực hiện thu hồi số tiền thanh toán, tạm ứng vượt so với giá trị quyết toán được duyệt của các hạng mục, dự án, công trình hoàn thành là 55,4 tỷ đồng của 35 chủ đầu tư. Đã thực hiện thu hồi nộp ngân sách nhà nước 527,375 triệu đồng.
Đến ngày 1/2/2023, còn lại 49 dự án/công trình/hạng mục thanh toán vượt giá trị quyết toán được duyệt, phải thu hồi nộp ngân sách nhà nước là hơn 54,9 tỷ đồng.
Theo đại diện các ban quản lý, chính quyền địa phương các huyện, TP trên địa bàn tỉnh đều cho rằng vướng giải phóng mặt bằng, giá vật liệu gia tăng đột biến, khan hiếm, hồ sơ thủ tục vẫn còn gặp nhiều khó khăn... nên tiến độ đầu tư yếu, dẫn đến tỷ lệ giải ngân chậm.
|
Các dự án đầu tư chuyển tiếp năm 2022 như kè khẩn cấp bảo vệ bờ biển Hội An sẽ tiếp tục được đầu tư, giải ngân trong năm 2023. |
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Nguyễn Hồng Quang yêu cầu các ban quản lý, chính quyền địa phương khắc phục những điểm yếu giải ngân năm 2022, tập trung thi công các công trình dự án để tăng khối lượng đầu tư và giải ngân đúng tiến độ.
Các cơ quan quản lý cần xử lý thời gian thẩm định hồ sơ, dự án đầu tư nhanh hơn, phân bổ vốn nhanh cho các dự án, ưu tiên vốn cho các công trình đã hoàn thành, quyết toán, có đủ khối lượng. Chính quyền địa phương phối hợp cơ quan chuyên môn đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tính toán lại giá cước vận chuyển và xác lập đơn giá nguyên vật liệu theo sát với diễn biến thị trường...
Theo ông Nguyễn Hồng Quang, mục tiêu cuối cùng là phải gia tăng tỷ lệ hấp thụ vốn của các dự án đầu tư nhưng phải đảm bảo chất lượng công trình. Phấn đấu giải ngân đạt 100% tổng kế hoạch vốn đầu tư năm 2023.
Cụ thể, đến hết quý III/2023 đạt hơn 60%, hết quý IV/2023 đạt hơn 90% (riêng kế hoạch vốn năm 2022 kéo dài được cấp thẩm quyền cho phép đạt hơn 100%) và đến ngày 31/1/2024 giải ngân 100% kế hoạch vốn năm 2023.