Nắng, gió, mưa… vùng biên giới
Chúng tôi tự hào là những người thực hiện Trợ giúp pháp lý luôn đi cùng dân, thường xuyên được về với bà con vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, được chia sẻ những khó khăn nhọc nhằn với người nghèo, hướng dẫn chế độ, chính sách, tìm hiểu, nhận thức về pháp luật, về phát triển kinh tế ở các địa phương trên địa bàn tỉnh.
Vượt hơn 300 km, quanh co đèo dốc để được trở về vùng biên giới, nơi đó chất chứa những kỷ niệm khó quên, những nụ cười rạng ngời, mừng vui từ xa bà con đã vẫy tay đón chào đoàn công tác vào buổi tối loang nhoang những ánh nắng hoàng hôn, lất phất từng hạt mưa trái mùa.
Từ rất sớm bà con đã tập trung đông đủ, chuẩn bị sẵn những nội dung cần thiết để nhờ đoàn công tác tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, trong đó chủ yếu là những vấn đề liên quan đến chính sách ưu đãi người có công, phát triển và bảo vệ rừng, chế độ học sinh, hỗ trợ sản xuất, phát triển kinh tế, lao động, việc làm cho con em mới ra trường và việc đền bù giải phóng đường quốc phòng…
Đường về Ch'om |
Những thành quả từ Trợ giúp pháp lý
Thực hiện theo kế hoạch công tác năm 2016, theo đề nghị của Phòng Tư pháp, Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh đã phối hợp cùng Phòng Tư pháp, Phòng LĐTBXH huyện và UBND các xã thực hiện trợ giúp pháp lý lưu động cho bà con Cơtu 4 xã Gary, Ch’om, Axan, Tr’Hy, huyện Tây Giang từ ngày 9/8 đến ngày 12/8/2016. Tổng số 354 người tham dự, với 47 đơn yêu cầu TGPL ở các lĩnh vực, trong đó: đất đai 11, chính sách 22, lao động việc làm 4, pháp luật HNGĐ và trẻ em 6, lĩnh vực khác 18.
Nhân dịp này, Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh còn tuyên truyền những điểm mới của Bộ luật hình sự 2015, Luật Hôn nhân và gia đình 2014, Đề án đổi mới công tác TGPL và chính sách trợ cấp đối với người có Bằng khen của Thủ tướng và UBND tỉnh, bộ, ngành đối với có thành tích trong kháng chiến (Quyết định số 24/2016/QD-TTg ngày 14/6/2016)...
Trợ giúp Pháp lý tại xã Ch'om |
Huyện Tây Giang là một huyện miền núi cao biên giới giáp Lào, Thừa Thiên Huế, với tổng số dân hơn 10.076 người, đa số là người đồng bào dân tộc thiểu, được chia tách từ huyện Hiên theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ năm 2003. Đến nay đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, đường giao thông huyết mạch của 4 xã trên chưa lưu thông, gập gềnh, mỗi khi có đoàn công tác lên phải đón xe ôm để đến nơi thực hiện nhiệm vụ công tác.
Theo chủ trương của Đảng và Nhà nước về xây dựng nông thôn mới, trong đó có tiêu chí tiếp cận pháp luật của nhân dân. Đảng bộ và nhân dân huyện đang phấn đấu từng bước xây dựng nông thôn mới, trong 13 năm qua đã được nhiều hiệu quả, lồng ghép các chương trình, dự án, phát triển kinh tế - xã hội để đầu tư, phấn đấu đến 2020 có trên 50% xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Ông Lê Hoàng Linh, Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang khẳng định: Đến nay, đối với dự án trên các hạng mục: Công trình chỉnh trị sông A Vương đã đạt được 70% khối lượng, xây dựng hội trường kết hợp nhà văn hóa cơ bản hoàn thiện xong phần cứng, việc san lấp mặt bằng đạt khoảng 20%; huyện đã thành lập được 69 khu dân cư có đường, điện, trường, trạm, nhà văn hóa để ổn định cho trên 70% người đồng bào sinh sống. Và hiện nay, huyện đang tiếp tục triển khai thêm 8 khu dân cư mới để đến năm 2018 sẽ có 100% người đồng bào được sống trong khu dân cư mới để ổn định cuộc sống đạt mục tiêu đề ra.
Trợ giúp Pháp lý tại xã Axan |
Ngày mới đang về trên quê hương Tây Giang, những kết quả bước đầu về đầu tư xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng, theo đó chủ trương nâng cao tầm nhận thức pháp luật, tuyên truyền, tư vấn, trợ giúp pháp lý đã đáp ứng được nguyện vọng của bà con vùng biên giới. Hy vọng trong thời gian đến các cấp, các ngành và chính quyền địa phương sẽ thực hiện thành công hơn nữa những tiêu chí phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa, góp phần xây dựng bức tranh miền núi Quảng Nam bền vững, giàu mạnh./.