Quảng Ngãi phấn đấu thành trung tâm phát triển công nghiệp hỗ trợ vào 2030

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Tỉnh Quảng Ngãi sẽ xây dựng và phát triển công nghiệp hỗ trợ phục vụ mục tiêu công nghiệp hóa – hiện đại hóa của tỉnh, phấn đấu đến năm 2030 trở thành một trung tâm phát triển công nghiệp hỗ trợ cho cả Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và khu vực miền Trung – Tây Nguyên.

Phát triển theo mô hình chiến lược hỗn hợp

Thực hiện đề án phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT) tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2025 tầm nhìn đến năm 2030, tỉnh này sẽ xây dựng và phát triển CNHT phục vụ mục tiêu công nghiệp hóa – hiện đại hóa tỉnh Quảng Ngãi, với sản phẩm CNHT có khả năng cạnh tranh cao. Mục tiêu đến năm 2030, phát triển tỉnh Quảng Ngãi trở thành một trung tâm phát triển CNHT cho cả Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và khu vực miền Trung – Tây Nguyên.

“Quảng Ngãi sẽ ưu tiên đầu tư thực hiện các chính sách khuyến khích nhằm nâng cao năng lực sản xuất, tạo nền tảng để phát triển mạnh CNHT trên địa bàn tỉnh, từng bước đáp ứng nhu cầu về nguyên, phụ liệu cho sản xuất tại địa phương và ngoài tỉnh cả về số lượng lẫn chất lượng”, lãnh đạo tỉnh này chia sẻ.

Quảng Ngãi phấn đấu đến năm 2030 sẽ thành một trung tâm phát triển CNHT cho cả Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và khu vực miền Trung – Tây Nguyên. (Ảnh: Công Huy).

Quảng Ngãi phấn đấu đến năm 2030 sẽ thành một trung tâm phát triển CNHT cho cả Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và khu vực miền Trung – Tây Nguyên. (Ảnh: Công Huy).

Theo Sở Công thương Quảng Ngãi, tỉnh sẽ ưu tiên lựa chọn phát triển 5 lĩnh vực, nhóm sản phẩm CNHT, gồm: cơ khí – chế tạo; lọc – hóa dầu; dệt may – da giày; chế biến thực phẩm, chế biến gỗ và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Để hiện thực hóa mục tiêu trên, tỉnh sẽ xây dựng khu công nghiệp hoặc cụm công nghiệp chuyên sâu, hình thành các cụm liên kết sản xuất phục vụ thu hút đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn; Đẩy mạnh thu hút đầu tư; Xây dựng cơ chế liên kết phát triển giữa Quảng Ngãi và Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung trong phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ; Giải pháp về bảo vệ môi trường; Giải pháp về tín dụng, đầu tư; Giải pháp về cung cấp dịch vụ hành chính công.

Đặc biệt, Quảng Ngãi sẽ lựa chọn phát triển công nghiệp hỗ trợ, theo mô hình chiến lược hỗn hợp, có sự kết hợp giữa "chiến lược kéo" và "chiến lược đẩy". Trong đó thiên về "chiến lược kéo". Kinh phí thực hiện Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2025 là từ nguồn vốn sự nghiệp kinh tế thuộc ngân sách nhà nước cấp, dự toán kinh phí dự kiến là 11,442 tỷ đồng.

Quảng Ngãi ưu tiên lựa chọn phát triển 5 lĩnh vực gồm: cơ khí – chế tạo; lọc – hóa dầu; dệt may – da giày; chế biến thực phẩm, chế biến gỗ và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. (Ảnh: Vĩ Huy).

Quảng Ngãi ưu tiên lựa chọn phát triển 5 lĩnh vực gồm: cơ khí – chế tạo; lọc – hóa dầu; dệt may – da giày; chế biến thực phẩm, chế biến gỗ và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. (Ảnh: Vĩ Huy).

“Chiến lược kéo' sẽ sử dụng các chính sách khuyến khích (thậm chí ràng buộc) để các doanh nghiệp lớn liên kết, phối hợp với các nhà cung cấp trong nước, tạo ra một thị trường cạnh tranh lành mạnh và có lợi cho các nhà cung cấp. 'Chiến lược đẩy' sẽ có các chính sách khuyến khích, nâng đỡ các doanh nghiệp nhỏ và vừa đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ, như các ưu đãi về đất đai, thuế, đào tạo nhân lực, thông tin... cho phát triển các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ còn lại và các loại vật tư nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao”, Sở Công thương Quảng Ngãi thông tin thêm.

Cam kết tạo mọi thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư

Theo Chủ tịch UBND Quảng Ngãi Nguyễn Hoàng Giang, địa phương có tiềm năng lớn trong phát triển kinh tế biển, nhất là các ngành công nghiệp nặng gắn với cảng biển nước sâu Dung Quất.

Trong giai đoạn 2021 - 2025, phát triển công nghiệp được tỉnh xác định là nhiệm vụ đột phá. Tỉnh đã tập trung quy hoạch và phát triển các KKT, KCN, trong đó, nổi bật nhất là KKT Dung Quất với diện tích quy hoạch hơn 45.000 ha - là một trong 5 KKT ven biển có nhiều tiềm năng lợi thế được Chính phủ ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng và có chính sách ưu đãi cao nhất Việt Nam. Tương lai nơi đây sẽ hình thành Trung tâm Lọc hóa dầu và Năng lượng quốc gia.

Quảng Ngãi có tiềm năng lớn trong phát triển kinh tế biển, nhất là các ngành công nghiệp nặng gắn với cảng biển nước sâu Dung Quất. (Ảnh: Vĩ Huy).

Quảng Ngãi có tiềm năng lớn trong phát triển kinh tế biển, nhất là các ngành công nghiệp nặng gắn với cảng biển nước sâu Dung Quất. (Ảnh: Vĩ Huy).

Thống kê cho thấy, tỉnh Quảng Ngãi thu hút hơn 639 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký gần 400.000 tỷ đồng, và 73 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 2,3 tỷ USD của các nhà đầu tư đến từ nhiều quốc gia trên thế giới.

Theo Chủ tịch tỉnh Quảng Ngãi, trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có cùng với sự hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời từ nhiều nguồn lực, Quảng Ngãi đã vươn lên trở thành tỉnh phát triển khá khu vực tỉnh bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung.

Quảng Ngãi phấn đấu đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước, phát triển hài hòa 3 trụ cột “Kinh tế - Xã hội - Môi trường”. Tập trung phát triển kinh tế số, kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn. Từng bước hình thành công nghiệp xanh, công nghiệp công nghệ cao tại các khu công nghiệp và cụm công nghiệp tập trung.

Hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp được tỉnh Quảng Ngãi chú trọng đầu tư. Trong ảnh là Công ty TNHH Công nghiệp nặng Doosan Việt Nam. (Ảnh: HX).

Hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp được tỉnh Quảng Ngãi chú trọng đầu tư. Trong ảnh là Công ty TNHH Công nghiệp nặng Doosan Việt Nam. (Ảnh: HX).

Ông Giang cho hay, tỉnh mong muốn tạo ra một không gian mở để các doanh nghiệp, nhà đầu tư có thể giao lưu, trao đổi và tìm kiếm cơ hội hợp tác. Địa phương sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư thông qua việc đầu tư, hoàn thiện hạ tầng, cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục đầu tư và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

“Chúng tôi cam kết, các doanh nghiệp, nhà đầu tư sẽ được tạo mọi thuận lợi để thực hiện dự án thành công và phát triển bền vững. Với tâm huyết và trách nhiệm vì sự phát triển bền vững của Quảng Ngãi, chúng tôi trân trọng kính mời quý doanh nghiệp, nhà đầu tư đến với tỉnh để biến ý tưởng đầu tư thành hiện thực tại tỉnh”, ông Giang nhấn mạnh.

Với những tiềm năng và triển vọng của tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi mong rằng, trong thời gian tới sẽ có nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư đến với Quảng Ngãi để khảo sát thực tế, tìm hiểu sâu hơn về môi trường đầu tư, kinh doanh, để tận mắt thấy được hình ảnh của Quảng Ngãi - một tỉnh thuộc vùng Duyên hải miền Trung đã và đang có những khát vọng để phát triển. Chọn Quảng Ngãi là điểm đến lý tưởng để cùng gặt hái những thành công trong tương lai.

Quảng Ngãi cam kết đồng hành, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư đến với địa phương. (Ảnh: Vĩ Huy).

Quảng Ngãi cam kết đồng hành, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư đến với địa phương. (Ảnh: Vĩ Huy).

“Quảng Ngãi luôn rộng mở chào đón, kêu gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư đến nghiên cứu, tìm hiểu môi trường đầu tư vào các lĩnh vực: Hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp; công nghiệp công nghệ cao, chế biến, chế tạo, công nghiệp hỗ trợ, logistics, các ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động; công nghiệp bán dẫn; y tế, môi trường, du lịch; hạ tầng đô thị, dịch vụ, thương mại”, ông Giang chia sẻ.

Đọc thêm