Trước đó, ngày 18/6, do mưa kèm theo hiện tượng sét dẫn tới đường dây cấp điện cho huyện đảo Cô Tô và 5 xã đảo huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) gặp sự cố gây mất điện. Đến 6 giờ ngày 19/6, điện lưới đã được khôi phục và cấp điện trở lại cho 5 xã đảo của Vân Đồn. Tuy nhiên, đối với huyện đảo Cô Tô, đến thời điểm hiện tại toàn huyện vẫn mất điện.
Nổi tiếng là hòn đảo du lịch đẹp nhất nhì Quảng Ninh, trung bình mỗi ngày Cô Tô đón khoảng 7.000 đến 10.000 nghìn khách du lịch, tháng hè cao điểm tới 15.000 khách/ngày. Hầu hết hoạt động kinh tế của đảo là nhờ hoạt động dịch vụ du lịch. Sự cố mất điện đã khiến lượng khách đến Cô Tô giảm đáng kể trong tuần vừa qua.
Trao đổi với báo Pháp Luật Việt Nam, ông Đào Văn Vũ, Phó chủ tịch UBND huyện Cô Tô cho biết, hiện tại trên đảo lượng khách đã giảm đáng kể do mất điện, đỉnh điểm trên đảo có thể đón 15.000 khách nhưng hiện tại trên đảo chỉ còn khoảng 4.000 đến 5.000 khách.
|
Người dân trên đảo Cô Tô mua mát phát điện để đảm bảo hoạt động kinh doanh và sinh hoạt diễn ra bình thường |
"Để đảm bảo cho du khách, UBND huyện đã đưa thông tin trên các phương tiện đại chúng, khuyến cáo du khách nên chọn những điểm du lịch tuyến đảo khác như Quan Lạn, Minh Châu, Ngọc Vừng để tránh trường hợp khách quá tải trên đảo trong khi sự cố mất điện chưa được khắc phục", ông Vũ nói.
Tuy nhiên theo ông Vũ Thanh Minh, Phó chủ tịch Hiệp hội du lịch huyện Cô Tô, với ước tính chi phí khoảng 2 triệu đồng/du khách, khi lượng khách du lịch giảm đột ngột xuống chỉ 3,4 nghìn khách mỗi ngày, ước tính doanh thu từ du lịch thiệt hại gần chục tỷ đồng.
Tuy mất điện nhưng hiện 100% các nhà nghỉ và nhà dân trên đảo đã mua máy phát điện, tích trữ dầu để đảm bảo hoạt động sinh hoạt và du lịch vẫn diễn ra bình thường. Vì vậy ở ngưỡng cho phép Cô Tô vẫn có thể đón được gấp đôi lượt khách như hiện tại.
|
Người dân phải dùng máy phát điện phục vụ kinh doanh và sinh hoạt |
Anh Nguyễn Văn Dũng (hộ dân kinh doanh hải sản và nhà nghỉ trên đảo) cho biết, chưa có đợt nào mất điện lại kéo dài như đợt này. Cả đảo tính tới thời điểm hiện tại các hộ dân và hộ kinh doanh đã mua gần 1000 chiếc máy phát, gia đình tôi cũng không ngoại lệ phải đi mua 2 chiếc máy phát để phục vụ hoạt động kinh doanh và sinh hoạt của gia đình. Trung bình mỗi ngày tiền dầu chạy máy phát khoảng 600 nghìn nên giá phòng nghỉ hay các dịch vụ tăng hơn 1 chút nhưng vẫn đảm bảo cung cấp các dịch vụ ăn uống, phòng nghỉ bình thường cho các du khách.
"Thời tiết đang trong giai đoạn nắng nóng, đối với du khách sử dụng điện, nước là nhu cầu thiết yếu, các nhà nghỉ lớn với số lượng 50 đến 60 phòng nghỉ trên đảo như nhà nghỉ Hoàng Trung, Tuấn Vũ… trung bình mỗi ngày cũng phải chạy mất khoảng 20 triệu đồng tiền dầu để đáp ứng tối đa nhu cầu của du khách", Anh Dũng cho biết thêm.
Theo thông tin mới nhất từ công ty điện lực Quảng Ninh, dự kiến ngày 25/6, các trang thiết bị chuyên dùng sẽ được vận chuyển đến đảo Ba Mùn (huyện Cô Tô, Quảng Ninh) để tiến hành nối cáp, ít nhất khoảng 5 ngày nữa Cô Tô sẽ có điện trở lại.