Hiện Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh Quảng Ninh có 42 thành viên do Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Chủ tịch Hội đồng. Bám sát chỉ đạo của Bộ Tư pháp, Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh, Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh đã triển khai đồng bộ, thường xuyên kiện toàn thành viên, củng cố, nâng cao chất lượng đội ngũ làm công tác PBGDPL.
Đến nay, Hội đồng phối hợp PBGDPL của 13 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh trung bình có khoảng 30 thành viên. Toàn tỉnh có 185 báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, 383 báo cáo viên pháp luật cấp huyện, 2.367 tuyên truyền viên pháp luật cấp xã và 8.983 hòa giải viên ở cơ sở. Đây là lực lượng nòng cốt trong công tác PBGDPL trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra, công tác PBGDPL trên địa bàn tỉnh còn có sự tham gia của đông đảo đội ngũ luật sư, luật gia, trợ giúp viên pháp lý, tư vấn viên pháp luật; cán bộ pháp chế các sở, ngành, doanh nghiệp; đội ngũ phóng viên, biên tập viên; cán bộ, hội viên MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội; giảng viên, giáo viên trong các trường học; cán bộ thôn, bản, khu phố. Hàng năm, để nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng phối hợp PBGDPL các cấp, đội ngũ này đều được tập huấn kỹ năng thực hiện công tác PBGDPL, ứng dụng công nghệ thông tin, tập huấn nghiệp vụ về công tác hòa giải ở cơ sở.
Hoạt động PBGDPL của các cấp, các ngành, địa phương được triển khai với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp từng đối tượng, địa bàn. 9 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh đã tổ chức hơn 2.500 hội nghị tuyên truyền, phổ biến, thu hút hơn 1 triệu lượt người tham dự; tổ chức trên 30 cuộc thi tìm hiểu pháp luật, thu hút 105.000 lượt tham dự.
Việc phát tờ rơi, tờ gấp pháp luật, đề cương tuyên truyền, sách hỏi đáp pháp luật, bản tin pháp luật, nhằm chuyển tải sâu rộng đến cán bộ, nhân dân tiếp tục được quan tâm, chú trọng. 6 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh đã tổ chức biên soạn, in ấn, cấp phát gần 712.000 tài liệu PBGDPL các loại; cùng với đó, biên soạn tài liệu PBGDPL điện tử (infographic, video clip, bài giảng điện tử...).
Thông qua truyền hình, truyền thanh, báo điện tử; các cuộc thi tìm hiểu pháp luật trực tuyến; tư vấn pháp luật trực tiếp trên sóng phát thanh, truyền hình; tổ chức đối thoại chính sách, hội nghị trực tuyến; xây dựng chuyên mục phổ biến pháp luật trên cổng thông tin điện tử; sử dụng website, trang thông tin điện tử, các trang mạng xã hội facebook, fanpage, zalo...
Bên cạnh đó, nhiều mô hình sáng tạo, hiệu quả về PBGDPL tiếp tục được các cơ quan, đơn vị duy trì, phát huy và xây dựng mới như: "PBGDPL thông qua các lớp đào tạo nghề, sát hạch lái xe" (Sở GTVT); "Tăng cường PBGDPL kết hợp giới thiệu việc làm cho ngư dân" (Sở LĐ-TB&XH); “Khéo tuyên truyền, vận động học sinh, sinh viên chấp hành Luật Giao thông đường bộ”, “Khéo tuyên truyền, vận động, hướng dẫn tàu du lịch trên Vịnh Hạ Long đảm bảo an toàn PCCC” (Công an tỉnh); “Phiên tòa giả định” (huyện Bình Liêu)...
Hội đồng phối hợp PBGDPL còn tăng cường tuyên truyền cho các đối tượng đặc thù là người dân vùng nông thôn, người DTTS, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; người lao động trong các doanh nghiệp; nạn nhân bạo lực gia đình; người đang chấp hành hình phạt tù; PBGDPL trong các cơ sở giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân...
Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Chính Nghĩa. |
Theo Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Chính Nghĩa, nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn thời gian qua luôn bám sát chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh và nhiệm vụ trọng tâm của từng sở, ban, ngành, đoàn thể; nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội của từng địa phương. Nội dung tập trung vào các văn bản luật mới ban hành, dự thảo chính sách, pháp luật có tác động lớn đến xã hội, các quy định liên quan trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh, quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp...
Hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật luôn được đổi mới, sáng tạo, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyên truyền phù hợp với từng nhóm đối tượng, địa bàn, như phổ biến, giáo dục pháp luật trực tiếp, tư vấn, hướng dẫn tìm hiểu pháp luật, cung cấp thông tin, tài liệu, đối thoại chính sách, tập huấn, nói chuyện chuyên đề.
Mỗi năm, toàn tỉnh tổ chức gần 3.700 cuộc phổ biến, giáo dục pháp luật trực tiếp, thu hút gần 38.000 người tham dự. Qua đó góp phần đưa pháp luật vào cuộc sống, nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của người dân, tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa công tác PBGDPL với công tác tổ chức thi hành pháp luật, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.