Quay cuồng với “thần dược” trị ung thư

Mặc dù công bố của Viện Dược liệu Trung ương về cây xáo tam phân có tác dụng ức chế, tiêu diệt đối với 5 dòng tế bào ung thư mới chỉ là kết quả sơ bộ qua thí nghiệm ban đầu trên chuột bạch. Nhưng những ngày qua hàng ngàn người, không chỉ ở Khánh Hòa mà cả  Phú Yên,  Ninh Thuận lại lũ lượt kéo nhau vào rừng tìm kiếm. Người thập phương cũng nô nức đổ về miền Trung tìm mua loại “thần dược” này.

Mặc dù công bố của Viện Dược liệu Trung ương về cây xáo tam phân có tác dụng ức chế, tiêu diệt đối với 5 dòng tế bào ung thư mới chỉ là kết quả sơ bộ qua thí nghiệm ban đầu trên chuột bạch. Nhưng những ngày qua hàng ngàn người, không chỉ ở Khánh Hòa mà cả  Phú Yên,  Ninh Thuận lại lũ lượt kéo nhau vào rừng tìm kiếm. Người thập phương cũng nô nức đổ về miền Trung tìm mua loại “thần dược” này.

Nơi “bão” đi qua

Hay tin dạo này có khá nhiều người ‘phất” lên nhờ đi đào cây “thần dược”, tôi về khu vực núi Gò Đá thuộc xã Bình Kiến, TP Tuy Hòa tỉnh Phú Yên để tìm hiểu sự tình. Tuy nhiên khu vực này đã được người dân lục soát tung tóe từ trước, và giờ thì công an, kiểm lâm chặn khắp nơi khó ai có thể mang dụng cụ vào rừng.

vv
Gặp “mánh”, người đàn ông này đang hì hục đào

Tại xã Ninh Vân, huyện Ninh Hòa, Khánh Hòa – nơi được coi là “quê gốc” của loại cây ‘thần dược” xáo tam phân cũng chung một tình trạng.  Tuyệt nhiên không thấy bóng dáng người đi tìm ‘thần dược” đâu cả.

Một anh kiểm lâm tên Hùng đang đứng cùng tốp dân quân xã bên vệ đường cho biết: Sau khi có chỉ đạo của UBND tỉnh Khánh Hòa, chúng tôi đã tăng cường lực lượng, phối hợp với các ngành chức năng quản lý chặt không để người dân tự tiện vào rừng đào bới như trước.

Thế nhưng một cụ già thì chua chát, còn đâu nữa mà đào hả chú, mấy tháng nay người ta hì hục cày xới, đào bứng hết cả rồi… Vậy mà dân ở đây vẫn cứ ngày đêm lén lút vào rừng tìm chút cơ may.

Tuy nhiên để đào các rễ cây này cũng không dễ, phải dùng đủ cả các loại xà beng, cuốc, xẻng… có khu vực được đào xới tung tóe như là hố bom.

Thầy giáo cũng vào rừng tìm thần dược

Nếu như ở Khánh Hòa, “cơn bão’ đi tìm thần dược đã tạm lắng xuống, thì cánh rừng khu vực giáp ranh tỉnh Đaklak lại bắt đầu xôn xao nạn vấn nạn phá rừng tìm thuốc quý.  

Không khí đi tìm “thần dược” ở đây vô cùng sôi động, từng đoàn từng đoàn người trên vai là xà beng, cuốc, xẻng… đổ lên rừng. Họ đến từ tất cả các xã lân cận như Ninh Thân, Ninh Xuân, Ninh Thượng…

Viện Dược liệu (Bộ Y tế) đã có kết luận xác định cây xáo tam phân (tên khoa học là Paramignyatrimera) có chứa  thành phần chủ yếu là courmarin và triterpenoid, ngoài ra còn có các thành phần flavonoid, saponin, alcaoid. Qua thí nghiệm trên chuột nhắt cho thấy loại cây này có độc tính thấp, có tác dụng ức chế tốt viêm gan cấp; ức chế, tiêu diệt được 5 dòng tế bào ung thư là ung thư gan Hep- G2, ung thư đại tràng HTC116, ung thư vú MDA MB231, ung thư buồng trứng OVCAR-8, ung thư cổ tử cung Hela.

Tôi hỏi chuyện ông Mười Tạo, nhà ở thôn Đông xã Ninh Thân thì được biết, cả nhà ông ngày nào cũng lên rừng tìm “thần dược”. Bây giờ đang là thời điểm vào mùa chặt mía và làm đồng nhưng hai vợ chồng nhà Mười Tạo, thậm chí là anh  con út đang dạy học tại một trường tiểu học cũng tranh thủ ngày nghỉ vác cuốc lên rừng tìm “thần dược” để kiếm thêm thu nhập.

Hôm nay cả gia đình Mười Tạo hơi “đen” nên từ sáng đến giờ chẳng gặp được cây nào. Nhưng anh con út thì kể mới chiều qua cả nhà “trúng mánh” đào được khoảng 8 kg, và như thế với giá cả rễ tươi tại thời điểm này cả nhà cũng kiếm được khoảng 2 triệu đồng – bằng một người đi chặt mía cả tháng trời.

Khác với cách đào theo kiểu cày xới như của người dân trong Đá Bàn, ở khu này đa phần sau khi phát hiện người đi đào sẽ dùng sợi dây thép quấn vào đầu rễ cây rồi dùng đòn bẩy để nâng lên.

Giá khủng cho rễ cây

Việc tiêu thụ rễ cây tìm được cũng khá đơn giản. Và hầu như tất cả “thần dược” của những người đào được trên núi đều được mua lại hết ngay tại chân núi với giá khoảng từ 200.000 đồng đến 350.000 đồng.

Một người dân cho hay, những đối tượng này chỉ là các “đại lý con”, họ đa phần là các tay có máu mặt trong vùng, dân vùng khác khó lòng xâm nhập vào mua được. Sau đó số “thần dược” này lại được vận chuyển về Ninh Vân, hoặc Thị xã Ninh Hòa bán lại cho các ‘đầu nậu” kiếm lời. Từ đây các “đầu nậu” này mới tiến hành các công đoạn như phơi khô, xắt nhỏ, pha trộn… để bán cho người thập phương, thậm chí là chuyển vào TPHCM, Bình Dương mở các “văn phòng đại diện” rồi tung lên các trang rao vặt quảng cáo, facebook chỉ dẫn cho người bị bệnh đang có nhu cầu đến mua.

Thật giả lẫn lộn, công dụng… mù mờ

Không chỉ thu hút người vào rừng đào bới, loại dược liệu này còn là mối lời của nhiều tiểu thương. Ông Mười Phát là một trong những điển hình đó, đang hành nghề đại lý ga nhưng thấy buôn “thần dược” ngon ăn cũng kiêm thêm luôn nghề này.

v
Mua bán “thần dược” tấp nập dưới chân núi

Tuy nhiên làm cái nghề này cũng phải biết phân biệt thật giả, bởi thấy “thần dược” giờ bán có giá, nhiều người kiếm cả các loại rễ tương tự đem bán.

Cách phân biệt là cây giả sẽ có vỏ cây màu xám trắng, thân nhỏ hơn, thớ cây màu hơi trắng và không có mùi thơm cũng như không có gai. Cây thật thì vỏ cây mịn, màu hơi vàng, thân cây uốn lượn, mùi thơm, trên thân vẫn còn vết của gai nhọn.

Nói là thế nhưng một khi đã phơi khô, sắt nhỏ và trộn vào nhau thì người mua rất khó phân biệt. Nhất là với những người mua đang trong cơn “thập tử nhất sinh”.

Ngoài Thị xã Ninh Hòa thì giờ đây hầu như xã nào trong huyện cũng có vài đại lý thu mua và bán lại cây “thần dược”.

Ông Lê Hăng, ở thôn Đông, xã Ninh Vân, huyện Ninh Hòa, Khánh Hòa, một đại lý lớn bán “thần dược” vốn nhờ  cây thuốc xáo tam phân mà lành bệnh xơ gan, nay trở  thành “Đại gia” ở vùng này nhờ cửa hàng mua bán cây “thần dược”.

 Được biết, ngoài ông Hăng thì trong vùng cũng có vài người đã qua cơn hoạn nạn nhờ uống loại cây này. Thế nhưng cũng mới đây một người dân ở thị xã Ninh Hòa phát hiện bị ung thư gan, sau khi đã uống khá nhiều loại “thần dược” này thì lại… chết.

Rõ ràng, việc mua đi bán lại cho người bệnh loại cây này vẫn còn thật giả bát nháo, khó kiểm tra. Trong khi chưa hề có bất cứ một kết luận nào hướng dẫn việc sử dụng, công dụng, liều lượng của cây ‘thần dược”. Thế nhưng, trước cơn “thập tử nhất sinh” người dân vẫn cố ‘bấu víu” vào một điều gì đó. Và như thế cơn sốt cây ‘thần dược” chưa hề có dấu hiệu dừng lại, mỗi ngày vẫn có hàng ngàn người đổ về các cánh rừng, các điểm bán “thần dược” ở miền Nam Trung bộ tìm vận may và sự sống sót.

Lam Sơn

Đọc thêm