Niềm vui nhân đôi, nhân ba từ quyết tâm khởi nghiệp
Tháng 6/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 939/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 – 2025” (gọi tắt là Đề án 939) với mục tiêu nhằm hỗ trợ phụ nữ nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng để tham gia giải quyết các vấn đề xã hội, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, tiềm năng, sức sáng tạo của phụ nữ. Bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) đã phối hợp với các cấp, các ngành triển khai sâu rộng Đề án 939 gắn với các chủ đề đa dạng nhằm kêu gọi, động viên đông đảo các chị em phụ nữ tham gia.
Qua đó đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận như: 13,6 triệu hội viên, phụ nữ được tuyên truyền nâng cao nhận thức về việc làm, khởi nghiệp thông qua gần 200.000 cuộc tuyên truyền; hỗ trợ gần 64.000 phụ nữ khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp; phối hợp thành lập gần 4.700 hợp tác xã/tổ hợp tác do phụ nữ quản lý; hơn 5.000 doanh nghiệp phụ nữ mới thành lập được tư vấn, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp…
Tại Điện Biên, 5 năm triển khai Đề án 939 đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm của phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ dân tộc thiểu số. Theo Hội LHPN tỉnh Điện Biên, với vai trò tham gia phát triển kinh tế gia đình, phụ nữ đã mạnh dạn tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để khởi nghiệp, thay đổi thói quen sản xuất nhỏ lẻ, chú trọng xây dựng thương hiệu cho sản phẩm và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Qua đó, đã góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống gia đình. Vai trò, vị thế của phụ nữ được thể hiện rõ nét hơn trong gia đình, xã hội. Đồng thời thu hút, tập hợp phụ nữ tham gia hoạt động Hội và phong trào phụ nữ tại địa phương.
Giai đoạn 2018 - 2021, thực hiện Đề án 939 trên địa bàn tỉnh, các cấp Hội LHPN tỉnh Điện Biên đã đạt được những kết quả như: 23.000 hội viên, phụ nữ được tuyên truyền nâng cao nhận thức về việc làm, khởi nghiệp thông qua gần 1.700 cuộc tuyên truyền; hỗ trợ gần 1.000 phụ nữ khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp; phối hợp hỗ trợ thành lập 5 hợp tác xã, 2 tổ hợp tác do phụ nữ quản lý, 25 tổ/nhóm/câu lạc bộ liên kết sản xuất với 243 thành viên, thành lập Câu lạc bộ nữ Doanh nhân tỉnh Điện Biên với gần 50 thành viên tham gia nhằm hỗ trợ, trao đổi kinh nghiệm, kết nối tiêu thụ sản phẩm giữa các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt, 3 doanh nghiệp của phụ nữ mới thành lập được tư vấn hỗ trợ phát triển doanh nghiệp…
Tại Lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Tổ chức Tài chính vi mô Tình Thương (TYM) vừa qua, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Việt Nam Đỗ Thị Thu Thảo đã có phát biểu gợi nhớ về những kỷ niệm những ngày đầu thành lập TYM rất xúc động: “Tôi được các cô, các chị cán bộ hội qua các thời kỳ của TYM kể lại, vào cuối thập niên 80 của thế kỷ 20 khi nhìn thấy chị em đang lâm vào cảnh đói nghèo và khó tiếp cận tín dụng ngân hàng để phát triển kinh tế, những người cán bộ LHPN Việt Nam đã xây dựng và tìm kiếm nguồn vốn cho nhiều đề án, dự án để giúp chị em nghèo khó được tiếp cận nguồn vốn một cách dễ dàng. Năm 1992 có một dự án với tên gọi thân thương đó là quỹ Tình Thương được gọi tắt là TYM và mọi người còn hay gọi đầy yêu thương là “tao yêu mày”. Vì giữa con người với con người có yêu nhau thì mới chăm lo cùng nhau tiến bộ và phát triển”.
Hình thành từ các hoạt động tín dụng nhỏ đi đôi với tiết kiệm, sau đó nghiên cứu vận dụng kinh nghiệm học tập từ các tổ chức quốc tế, đến năm 2010, dự án này đã trở thành tổ chức tài chính vi mô đầu tiên ở Việt Nam được Ngân hàng Nhà nước cấp phép. Sau 30 năm, TYM đã trở thành điểm tựa tài chính vững chắc cho trên 385.000 phụ nữ và gia đình khắp 13 tỉnh, thành phố. Từ một dự án được tài trợ 200 triệu đồng năm 1992, đến nay TYM đã có tổng tài sản gần 2.800 tỷ đồng, sẵn sàng cấp tín dụng cho phụ nữ qua nhiều vòng vốn.
TYM hiện có hơn 165.000 thành viên/khách hàng, đó cũng là từng ấy câu chuyện về cuộc sống, mảnh đời của mỗi một người. Chị Hoàng Thị Vân ở Hòa Trinh, xã Quảng Hòa, Quảng Xương, Thanh Hóa tham gia TYM từ năm 2016 và là một trong những thành viên điển hình của TYM – Chi nhánh Thanh Hóa. Thời điểm trước khi tham gia TYM, mặc dù anh chị luôn chăm chỉ làm lụng, chăn nuôi lợn nhưng gia đình chị vẫn thuộc diện hộ có thu nhập thấp. Thế nhưng, mọi thứ đã trở nên thay đổi kể từ khi chị quyết định cần phải thay đổi trong hướng làm kinh tế của gia đình. Sau khi nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm chị Vân quyết định đầu tư chăn nuôi thỏ bởi rất phù hợp với điều kiện hiện tại của gia đình như nguồn vốn ban đầu thấp, thu nhập mang lại hàng tháng đều, thỏ sinh sản nhanh, dễ dàng nhân giống, đồng thời thỏ ít dịch bệnh hơn lợn, gà.
“Khi quyết định mở trang trại chăn nuôi thỏ, gia đình tôi đã gặp rất nhiều khó khăn, không có tài sản gì ngoài bãi đất trống chưa được khai hoang cùng 17 triệu đồng tiền mặt. Vợ chồng vận động, thuyết phục anh em trong nhà để vay số tiền 100 triệu đồng xây dựng chuồng trại. Thế mà khi chuồng trại đã sẵn sàng thì cũng là lúc cạn vốn, chẳng còn tiền mua con giống và bắt tay vào chăn nuôi. Mô hình nuôi thỏ lúc bấy giờ ở địa phương còn mới mẻ, không nơi nào dám cho vợ chồng tôi vay tiền. Thế nhưng, khi cán bộ TYM đến nhà thẩm định hồ sơ và tìm hiểu về mô hình kinh doanh của gia đình đã không ngần ngại đồng ý cho tôi vay vòng 2 với số tiền 20 triệu đồng. Nguồn tiền tuy nhỏ mà đúng lúc và ổn định này đã giúp gia đình tôi có điều kiện mua con giống, thức ăn chăn nuôi. Cứ vậy, các vòng vốn tiếp theo, tôi đều đăng ký vay thêm ở mức cao hơn để nâng cao sản lượng chăn nuôi và đầu tư sửa sang, gia cố cho chuồng trại”…
Chuyển đổi số mở ra cơ hội cho phụ nữ
Đại hội XIII của Đảng đặc biệt nhấn mạnh chủ trương chuyển đổi số, phát triển kinh tế số trong các Văn kiện Đại hội. Ngày 3/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Tại Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII, Hội LHPN Việt Nam đã xác định “Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động Hội “sẽ là khâu đột phá quan trọng trong giai đoạn tới nhằm giúp hội viên, phụ nữ và tổ chức Hội tận dụng được cơ hội của chuyển đổi số và tích cực tham gia vào công cuộc chuyển đổi số quốc gia.
Gian hàng khởi nghiệp của phụ nữ Điện Biên được khách hàng quan tâm. (Ảnh TTX) |
Nhiều hoạt động tuyên truyền, nâng cao kiến thức về chuyển đổi số đã, đang và sẽ được các cấp Hội LHPN triển khai, mở ra cơ hội mới cho hội viên, phụ nữ vững tin thực hiện chuyển đổi và gặt hái được những thành công. Tiêu biểu như chương trình tập huấn “Phụ nữ với thương mại điện tử” tại Hải Phòng cho gần 300 học viên là cán bộ Hội các cấp, các cá nhân là nữ chủ doanh nghiệp/HTX/THT, nữ chủ hộ sản xuất kinh doanh, cá nhân có mô hình sản xuất, kinh doanh và có nhu cầu khởi nghiệp kinh doanh, bán hàng trên nền tảng công nghệ số.
Tại Hội LHPN tỉnh Nam Định, trong chương trình sinh hoạt chuyên đề “Chuyển đổi số trong doanh nghiệp”, các diễn giả đã chia sẻ về những kiến thức chuyển đổi số, để hỗ trợ cho các doanh nghiệp nữ có thêm kiến thức, bắt kịp xu thế, có kế hoạch trong phát triển doanh nghiệp của mình phù hợp với thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0, có thêm cơ hội hội nhập để phát triển thịnh vượng, đóng góp xây dựng phát triển kinh tế - xã hội của quê hương, đất nước.
Hội LHPN tỉnh Yên Bái tổ chức khóa học “Tăng cường kỹ năng tiếp thị trực tuyến cho doanh nghiệp nhỏ và vừa”. Tham gia lớp tập huấn, các học viên biết cách xây dựng nội dung quảng cáo hay, hấp dẫn, thu hút được nhiều khách hàng trong và ngoài nước; tối ưu hóa việc kinh doanh của doanh nghiệp trên môi trường mạng nói chung, trên facebook nói riêng. Đồng thời, khóa tập huấn cũng góp phần hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hợp tác xã và hộ kinh doanh tăng cường năng lực marketing trực tuyến, một kênh marketing có thể được thực hiện với chi phí tiết kiệm hơn và không bị giới hạn bởi thời gian, không gian, khu vực, khoảng cách địa lý…
Đánh giá về các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố cho thấy, tính đến hết tháng 9/2019, toàn quốc có hơn 285 nghìn doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, chiếm 24% tổng số doanh nghiệp cả nước và là tỷ lệ cao nhất trong khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, hầu hết doanh nghiệp trong mô hình này còn ở quy mô nhỏ và siêu nhỏ, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực dịch vụ. Các hoạt động khởi sự kinh doanh của nữ giới vẫn gặp không ít khó khăn, thách thức. Theo các chuyên gia, không phải ưu tiên mà phải có sự bình đẳng, đó là điều hệ sinh thái khởi nghiệp cho phụ nữ cần, góp phần xóa đi định kiến về giới, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp tốt hơn.