Quốc hội cần sớm ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên Giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh, để phát huy được giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam, thời gian tới, Quốc hội cần sớm ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa.
Quốc hội cần sớm ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa

Phát biểu tại Hội thảo Văn hóa 2022, diễn ra tại tỉnh Bắc Ninh hôm nay, 17/12, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên Giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, cho biết, sau hơn 35 năm Đổi mới, các chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đã được ghi trong Hiến pháp và cụ thể hóa trong nhiều chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nguồn lực của Nhà nước, của xã hội đầu tư cho văn hóa được nâng lên; hoạt động giao lưu, hợp tác quốc tế về văn hóa không ngừng được mở rộng; đội ngũ làm công tác văn hóa được quan tâm bồi dưỡng, có bước trưởng thành.

Đời sống tinh thần của con người, xã hội phong phú, đa dạng hơn, mức hưởng thụ văn hóa của Nhân dân từng bước được cải thiện. Nhiều giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc được phát huy, đồng thời đã xuất hiện những giá trị văn hóa mới, từng bước được định hình trong đời sống. Bên cạnh những thành tựu, chúng ta cũng còn nhiều hạn chế, yếu kém đã được Đảng chỉ rõ từ lâu cần khắc phục ngay và trong thời gian tới.

Đó là, môi trường văn hóa bị ô nhiễm và có những diễn biến phức tạp. Chất lượng sáng tạo các giá trị văn hóa mới còn nhiều hạn chế, ít các công trình, tác phẩm có giá trị tư tưởng, nghệ thuật, khoa học cao. Hiệu lực, hiệu quả quản lý văn hóa còn nhiều mặt hạn chế, chưa theo kịp sự phát triển. Việc thể chế hóa các chủ trương, quan điểm của Đảng còn chậm và chưa đồng bộ. Đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý văn hóa các cấp chưa tương xứng với yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Nguồn lực đầu tư cho văn hóa còn hạn hẹp, đầu tư dàn trải, hiệu quả thấp. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu rõ: “Sự yếu kém, khuyết điểm trong lĩnh vực xây dựng văn hóa, con người Việt Nam thời gian qua đã gây hệ luỵ, tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội, đến xây dựng con người và môi trường văn hóa của chúng ta”.

Cũng tại Hội thảo, ông Lê Minh Hoan, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chia sẻ, qua hơn 10 năm triển khai, Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được đánh giá đã đạt được thành tựu “to lớn, toàn diện và có tính lịch sử”. Bộ mặt nông thôn ngày càng khang trang, tiện ích xã hội được nâng lên, thu nhập người dân cải thiện dần.

"Đi xa lâu ngày trở về, bỗng thấy lạ mà hình như quen, ngỡ quen mà hình như sao thấy lạ. Nhưng nhìn nơi này nơi kia, hình như còn thiếu điều gì đó đã ăn sâu vào tâm thức. Nhiều nơi hiện đại hơn, nhưng dường như thô ráp, vô hồn “đồng phục hoá”, lạc lõng với khung cảnh làng quê", ông Hoan nói.

Các diễn giả tham gia phiên thảo luận.

Các diễn giả tham gia phiên thảo luận.

Cũng theo ông Hoan, kiến trúc truyền thống dựa vào phong thổ và văn hoá bản địa. Mỗi địa phương có thiên nhiên khác biệt. Mỗi dân tộc anh em trầm tích những bản sắc văn hoá riêng. Tuy nhiên, thật trăn trở trước sự “sao chép” thiếu chọn lọc. Đường hoá phố, phố trong làng, vui mừng xen lẫn tiếc nuối. Làng cao lên, làng to ra, nhưng con người lại dần xa nhau. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh trong Hội nghị Văn hoá toàn quốc vừa qua: “Nhiều di sản văn hóa quý báu của dân tộc có nguy cơ bị xuống cấp, mai một, thậm chí bị tiêu vong”. Đã có những đứt gãy văn hóa nông thôn trước sự du nhập văn hóa thiếu chọn lọc. Một lỗ thủng nhỏ cũng có thể làm đắm con tàu to. Giữ gìn bản sắc văn hóa nông thôn là vấn đề nhiều quốc gia gặp phải trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Việt Nam không là ngoại lệ. Với ý nghĩa và tầm quan trọng của văn hóa nông thôn, cần đến tư duy hệ thống và hành động hệ thống".

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm cho hay, trong bối cảnh hiện nay, văn hoá các dân tộc thiểu số (DTTS) ở nước ta đang đứng trước những biến đổi rất sâu sắc, đặt ra những thách thức to lớn trong bảo tồn và phát huy giá trị. Trong đó, có thể nhận diện một số thách thức, biến đổi. Đó là sự mai một, biến mất của một số thành tố vốn là bản sắc văn hóa tộc người. Nhiều giá trị văn hóa vốn được xem là đặc trưng, là bản sắc độc đáo của các DTTS có nguy cơ bị mai một như các lễ hội dân gian, phong tục tập quán truyền thống dần ít được thực hành, các sinh hoạt văn hóa dân gian như dân ca, dân vũ bị suy giảm, nhiều nhạc cụ dân tộc không còn được nhiều người DTTS am hiểu yêu thích...

Quá trình tiếp biến văn hoá đã làm xuất hiện quan niệm, lối sống và nhiều yếu tố văn hóa lai căng/không lành mạnh trong các DTTS, đặc biệt là ở giới trẻ như: văn hóa lai căng, không lành mạnh, tâm lý chối bỏ các giá trị văn hóa truyền thống, chạy theo xu hướng mới, hình thành lối sống mới, hiện đại và thực dụng ở một bộ phận thanh niên nhưng lại ít quan tâm đến các giá trị văn hóa truyền thống. công tác thực hiện, đánh giá chính sách bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá các DTTS còn nhiều hạn chế.

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm đề xuất: "Cần tiếp tục đầu tư xây dựng nội dung cụ thể về chính sách bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các DTTS phù hợp với trình độ phát triển kinh tế - xã hội của từng dân tộc, từng khu vực, từng vùng".

Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên Giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh: "Chủ trương, định hướng của Đảng cần được thể chế hóa, cụ thể hóa thành các chính sách, pháp luật về văn hóa giàu tính thực tiễn, có tầm nhìn xa, qua đó phá vỡ rào cản, kích thích năng lực sáng tạo, giải phóng sức sản xuất, năng lực cạnh tranh, tạo động lực to lớn cho sự phát triển của văn hóa".