Phố xưa, nghề cũ trên mảnh đất Kinh kỳ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Nhắc đến Hà Nội, không ai không biết đến khu phố cổ - nơi được ví như “hồn cốt” của mảnh đất ngàn năm văn hiến. Từ xưa đến nay, nơi đây là trung tâm buôn bán sầm uất với 36 phố phường, mỗi con phố gắn liền với một nghề thủ công truyền thống như Hàng Bạc, Hàng Đồng, Lò Rèn... Những tên gọi ấy không chỉ khơi gợi ký ức về một thời phồn hoa, mà còn tái hiện khung cảnh buôn bán và văn hóa đặc sắc của người Hà Nội xưa.
Phố Hàng Mã xưa buôn bán đồ vàng mã dùng trong lễ cúng, đồ trang trí và đồ chơi dân gian làm từ giấy. (Ảnh: Tư liệu)
Phố Hàng Mã xưa buôn bán đồ vàng mã dùng trong lễ cúng, đồ trang trí và đồ chơi dân gian làm từ giấy. (Ảnh: Tư liệu)

Theo các tư liệu lịch sử, từ xa xưa phố cổ là tên gọi của một khu đô thị được hình thành từ đời Lý - Trần, nằm ở phía đông và đông bắc ở Hoàng thành Thăng Long, trải dài tới bờ sông Hồng. Thuở ấy, vào cuối thế kỷ 10, những người dân từ các làng nghề khắp nơi đã tụ hội về vùng ngoại thành Thăng Long, dựng nghiệp bên dòng sông Nhị. Các làng nghề bao quanh thành cổ với mỗi con phố là một làng nghề mang dấu ấn riêng biệt, nơi đây cư dân vừa trao đổi hàng hóa, vừa xây dựng mối liên hệ với nhau trong cuộc sống đời thường. Chính từ đó, các phường, các hội ra đời và câu ca “buôn có bạn, bán có phường” cũng bắt nguồn từ đây.

Không chỉ là nơi tụ tập buôn bán, qua gần 10 thế kỷ, phố cổ Hà Nội còn chứng kiến không ít sự kiện lịch sử trọng đại và có vai trò quan trọng trong hành trình dựng nước và giữ nước. Khu phố cổ cùng với sông Hồng là khu vực bảo vệ vòng ngoài cho thành cổ trong thời chiến, còn thời bình lại trở thành trung tâm giao thương sầm uất, góp phần nuôi sống cả thành cổ. Hơn thế nữa, phố cổ còn là “bộ mặt” của đất nước trong những mối giao thương và quan hệ quốc tế lúc bấy giờ.

Trải qua bao biến cố thăng trầm, những dãy phố nhỏ với mái ngói nâu trầm, tường vôi rêu phong loang lổ vẫn là ký ức sống động trong lòng biết bao thế hệ người Hà Nội. Không nơi nào khác, chính tại đây, những con phố bắt đầu bằng chữ “Hàng” như Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Bông, Hàng Bạc, Hàng Buồm, Hàng Mã... hay những cái tên đậm dấu xưa như Lãn Ông, Thuốc Bắc, Lò Rèn, Đồng Xuân, Cầu Gỗ, Cửa Đông… đã trở thành cái nôi lưu giữ những gì cổ kính, hoài niệm về một thời vàng son của mảnh đất Kinh kỳ.

Trăm năm phố thuốc trên đất Hà thành

Nếu để nói về một con phố hiếm hoi trong 36 phố phường Hà Nội vẫn giữ được nghề truyền thống đúng với tên gọi, phố Lãn Ông chắc chắn là cái tên được nhắc đến đầu tiên. Với những đặc trưng riêng có, mỗi ai từng đặt chân qua đây chắc hẳn không quên được mùi thuốc thơm thoang thoảng đến từ các loại thảo mộc và thuốc bắc quen thuộc.

Theo di tích lịch sử văn hóa Hà Nội, phố Lãn Ông vốn thuộc đất thôn Hậu Đông Hoa Môn. Khoảng giữa thế kỷ 19, từ cuối đời Vua Minh Mệnh đến đầu đời Vua Thiệu Trị, thôn này hợp với thôn Đông Hoa Môn và Đông Hoa Nội Tự trở thành thôn Đức Môn. Theo sách “Đại Nam nhất thống chí” thời Nguyễn, nơi đây đã tập trung buôn bán các mặt hàng thiếc và đồng được khai thác từ mỏ quặng Tụ Long, tỉnh Cao Bằng.

Cuối thế kỷ 19, thực dân Pháp chiếm Hà Nội, đặt tên phố này là “rue de Fou-Kien” (phố Phúc Kiến) bởi phần đông cư dân là người gốc Trung Quốc, gốc tỉnh Phúc Kiến đến ngụ cư tại đây. Họ mang theo nghề bốc thuốc bắc đến lập nghiệp, tổ chức thành “bang” và có nhà Hội quán Phúc Kiến ở số nhà 40, xây từ năm 1817.

Tới những năm đầu thế kỷ 20, phần lớn dân quanh đây thay vì buôn bán mặt hàng thiếc và đồng đã mở hiệu bán thuốc bắc. Dần dần, phố Phúc Kiến trở thành con phố chuyên kinh doanh các loại thuốc bắc của người gốc Trung Quốc và các loại Đông Nam dược của người Việt. Trong đó nổi tiếng nhất phải kể đến dòng họ Phó đến từ tỉnh Phúc Kiến. Sau đó còn có hàng chục lương y người Việt thành danh trên phố này; họ có gốc gác phần lớn là từ những làng nghề làm thuốc có truyền thống như Đa Ngưu (Văn Giang, Hưng Yên), Nghĩa Trai, Ninh Hiệp, Đồng Tâm, hay từ những vùng đất học giỏi như Nhân Chính, Đông Ngạc, Hành Thiện…

Năm 1949, phố Phúc Kiến được đổi tên thành Lãn Ông, lấy theo biệt hiệu Hải Thượng Lãn Ông của Lê Hữu Trác, một danh y nổi tiếng có nhiều đóng góp cho y học dân tộc Việt Nam, kế thừa sự nghiệp “Nam dược trị nam nhân” của Tuệ Tĩnh thiền sư. Trong "Chuyện cũ Hà Nội", Nhà văn Tô Hoài từng kể vào đầu thế kỷ 20, trong việc mua bán, phố xá còn phân biệt rõ hơn: phố Thuốc Bắc bán cất thuốc sống, còn thuốc bào chế rồi, thuốc đã thành thang thì sang mua ở các hiệu thuốc tại phố Lãn Ông.

Sau năm 1979, khi những gia đình người gốc Trung Quốc lần lượt trở về nước, các gia đình còn lại vẫn tiếp tục giữ nghề kinh doanh Đông Nam dược - loại thuốc truyền thống của người Việt cho đến ngày nay. Nhìn vào lịch sử hơn một thế kỷ của phố thuốc Lãn Ông, có thể thấy rõ rằng đây không chỉ là nơi buôn bán mà còn là minh chứng sống động cho sự giao thoa văn hóa và công cuộc gìn giữ nghề truyền thống qua những thăng trầm của lịch sử.

Con phố lưu giữ tuổi thơ của biết bao thế hệ

Bên cạnh con phố trăm tuổi Lãn Ông ghi dấu ấn với mùi thuốc thơm thân quen, phố Hàng Mã cũng là một con phố trăm tuổi đặc trưng với không khí lễ hội sôi động. Đây không chỉ là nơi lưu giữ những ký ức tuổi thơ của bao thế hệ người Hà Nội, mà còn được biết đến là con phố sắc màu nhất trong 36 phố phường. Bất chấp sự va đập của thời gian, nét xưa Hà Nội vẫn được lưu giữ vẹn nguyên ở con này.

Một cửa hàng thuốc đông y trên phố Phúc Kiến (Lãn Ông hiện nay) năm 1907. (Ảnh: Edgard Imbert)

Một cửa hàng thuốc đông y trên phố Phúc Kiến (Lãn Ông hiện nay) năm 1907. (Ảnh: Edgard Imbert)

Phố Hàng Mã xưa kia thuộc hai thôn Vĩnh Hanh và Yên Phú thuộc tổng Tiền Túc, huyện Thọ Xương. Hai thôn cách nhau bởi sông Tô Lịch, khi đó còn thông với sông Hồng. Vào thời Pháp, phố được đặt tên chung với phố Hàng Đồng, được gọi là Rue du Cuire. Sau này, khi đoạn sông Tô Lịch thông ra sông Hồng bị san lấp thì hai thôn Vĩnh Hạnh và Yên Phú cũng được sáp nhập lại với nhau, từ đó phố Hàng Mã xuất hiện và tồn tại cho đến tận ngày nay.

Giống như nhiều phố trong khu phố cổ Hà Nội, Hàng Mã là phố nghề, chuyên sản xuất và buôn bán giấy, đồ vàng mã dùng trong lễ cúng, đồ trang trí và đồ chơi dân gian làm từ giấy. Ngày ấy, người dân sinh sống ở đây chủ yếu thuộc những gia đình ở phố Cổng Đục, thuộc thôn Tân Khai, tổng Tiền Túc (sau đổi là tổng Thuận Mỹ), huyện Thọ Xương thành lập năm 1822 dưới thời Nguyễn xưa. Sau khi lên định cư, họ mở cửa hàng bán giấy, đồ vàng mã dùng trong những buổi lễ cúng bái cũng như các vật dụng bằng giấy dùng trong trang trí.

Mỗi dịp lễ, Tết, người dân tìm đến phố Hàng Mã để mua các món đồ trang trí như hoa giấy, đèn giấy và những đồ mã cúng lễ như mũ, áo quần cho ông Công, ông Táo, vàng mã. Ngoài ra, nơi đây cũng là điểm mua sắm các vật phẩm cho các nghi lễ, từ đồ tùy táng, đồ dùng cho đám ma, đến các vật dụng cầu siêu, cầu an. Trước đây, phố Hàng Mã Vĩ (nay sáp nhập với phố Hàng Mây thành phố Mã Mây) cũng là nơi chuyên cung cấp những vật phẩm này.

Đặc biệt, phố Hàng Mã lưu giữ tuổi thơ của bao thế hệ thông qua những món đồ chơi trẻ con, chủ yếu là các món đồ chơi dân gian làm từ giấy, gỗ hoặc sắt tây. Những chiếc đèn lồng, đèn kéo quân, đèn ông sao, đèn ông sư, mặt nạ giấy bồi hình con vật hoặc các nhân vật trong truyện cổ, đầu sư tử, trống ếch - tất cả đều là những món đồ gắn liền với ký ức Trung thu của trẻ em Hà Nội. Mỗi món đồ chơi tuy đơn giản nhưng lại chứa đựng niềm hạnh phúc lớn lao đối với những đứa trẻ, khiến phố Hàng Mã luôn là điểm đến hấp dẫn trong dịp Tết Trung thu.

Bây giờ, giống như các phố nghề khác, những mặt hàng kinh doanh ở phố Hàng Mã đã thay đổi ít nhiều. Những món đồ vàng mã, đồ chơi giấy xưa kia vẫn còn, nhưng giờ đây được bổ sung thêm nhiều sản phẩm mới để đáp ứng nhu cầu của một xã hội hiện đại, như văn phòng phẩm, phông màn, thiệp cưới, bưu thiếp và cả những món đồ chơi hiện đại. Dù vậy, sự thay đổi đó không làm phai mờ thói quen của người Hà Nội, họ vẫn nô nức lên phố Hàng Mã để được thấy niềm vui, sự rộn ràng của cuộc sống và tìm thấy tuổi thơ mình qua những sắc màu rực rỡ đến từ những chiếc đèn lồng, đèn ông sao vào dịp Tết Trung thu hay sắc đỏ, sắc vàng của những vật phẩm trang trí truyền thống như câu đối, bao lì xì, hoa giả của dịp Tết Nguyên đán.

Bên cạnh phố Lãn Ông, phố Hàng Mã còn nhiều con phố khác ít nhiều vẫn lưu giữ nghề xưa. Mặc dù nếu nhìn lại nhiều nét xưa đã lặn chìm vào dĩ vãng, nhưng cái hồn của những con phố cổ vẫn đậm nét để tạo nên đặc sắc Hà Nội “ba sáu phố phường”. Bởi vậy, dù có bao nhiêu thay đổi trong nhịp sống hối hả của thành phố hiện đại, những con phố cổ vẫn là nơi để biết bao thế hệ tìm về, để cảm nhận những giá trị xưa cũ, để không quên những ký ức đầy sắc màu của một thời đã qua.