Xúc động bộ kim phẩm cung tiến Thành hoàng nơi cửa biển
TS. Trần Thị Hoàng Mai, Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao TP Hải Phòng cho biết, bộ kim phẩm gồm 16 hiện vật được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia trong dịp đón năm mới 2025 gồm: 1 đôi vòng; 1 lá vàng; 1 thẻ lá trầu, 3 quả cau; 1 chuỗi hạt; 1 quạt; 2 sáp môi; 3 cái cúc; 1 đôi hoàn to; 2 đôi hoàn nhỏ… Tất cả các hiện vật này được chế tác thủ công từ vàng 24K một cách khá công phu, tinh xảo và đang lưu giữ tại Bảo tàng Hải Phòng.
Lá trầu vàng. |
Bộ kim phẩm được người dân cung tiến vào Đền Nghè-nơi thờ Thánh mẫu Lê Chân, người có công khai phá vùng đất mới và lập nên Trang An Biên xưa (thành phố Hải Phòng ngày nay) và được người dân Hải Phòng tôn vinh vị Thành hoàng của vùng đất Hải Phòng.
Theo Bảo tàng Hải Phòng, với các đặc trưng trên bộ kim phẩm như: hoa văn rồng, hoa văn tứ quý, hoa văn hoa chanh, chấm tròn nhỏ… và chữ khắc trên hiện vật như: “Trung Thiên Thánh Mẫu”; “Trang Huy Thượng Đẳng Thần”, “Dực Bảo Trung Hưng” (đều là những tên mỹ tự của Nữ tướng Lê Chân), thì bộ kim phẩm Đền Nghè được người Việt Nam chế tác vào thời Nguyễn, đầu thế kỷ XX.
Chùm cau vàng. |
Theo đánh giá của các chuyên gia, bộ kim phẩm Đền Nghè là hiện vật gốc, độc bản, chưa thấy xuất hiện trong các di tích và bảo tàng ở Việt Nam. Bộ kim phẩm Đền Nghè lần đầu tiên được giới thiệu đến công chúng trong Trưng bày chuyên đề: “Bảo vật quốc gia - Sưu tập An Biên” tại Bảo tàng Hải Phòng vào tháng 5/2024 trong chuỗi các sự kiện của Lễ hội Hoa phượng đỏ 2024 Hải Phòng - Bừng sáng miền di sản, thu hút sự quan tâm, thưởng ngoạn của đông đảo công chúng và du khách thập phương.
Qua đó, khẳng định tính độc bản, có giá trị lịch sử - văn hóa sâu sắc, là vật phẩm, tế khí của cộng đồng dân cư bản địa cung tiến, dâng lên Thánh mẫu Lê Chân vào đầu thế kỷ XX. Những hiện vật này khẳng định công lao, ân đức của bậc Thánh mẫu đối với nhân dân, đất nước; được tôn thờ và sùng bái, qua thời gian trở thành nét sinh hoạt văn hóa tâm linh, tín ngưỡng đặc sắc của người dân TP Hải Phòng.
Thẻ bài vàng. |
Vật phẩm chất liệu vàng là đại diện cho chế định, quyền lực của nhà nước đương đại. Triều đình Nguyễn trong quá trình tổ chức bộ máy đã sử dụng các thẻ bài vàng với nhiều mục đích. Đời vua Minh Mạng, kim bài được cấp cho hoàng gia, các quan trong Cơ Mật viện (cơ quan chuyên tư vấn cho nhà vua các vấn đề về chính trị, ngoại giao và những vấn đề mang tính cơ mật quốc gia) như một tấm thẻ thông hành và một số quan lại tùy theo chức tước, phẩm hàm. Điều đó cho thấy việc lựa chọn chất liệu của Bộ kim phẩm đền Nghè có mục đích của người cung tiến, đó là sự tưởng nhớ đóng góp to lớn, công lao mang tính thời đại của nữ tướng Lê Chân trong lịch sử dân tộc và nhân dân được tôn thờ là Thánh mẫu như ngày nay.
Quạt vàng. |
Trải qua thăng trầm của lịch sử, các hiện vật bằng vàng tại đền Nghè được chế tác vào giai đoạn này được bảo quản, gìn giữ khá nguyên vẹn, một số hiện vật có tem thời gian, phản ánh tài nghệ khéo léo, tinh tế của các bậc thầy nghệ nhân kim hoàn từ xa xưa. Minh văn trên các hiện vật thẻ bài là mỹ tự về thánh mẫu Lê Chân do các vua triều Nguyễn gia phong “Trang Huy Thượng đẳng thần”, “Dực bảo trung hưng”... các mỹ tự trên vừa góp phần xác định niên đại cho bộ kim phẩm, đồng thời thể hiện được tính thiêng, ngưỡng vọng của nhân dân đối với một nữ tướng gắn liền với lịch sử, truyền thống yêu nước, dựng nước và giữ nước của người Hải Phòng xưa. Những tấm thẻ bài được tạo tác cẩn trọng với những cụm đề tài mang ý nghĩa mật thiết với chức sắc trong cung đình, qua đó thể hiện được tư duy về sự tiếp nối giữa truyền thống với đương thời, giữa quá khứ và thực tại của triều đình nhà Nguyễn với những vị anh hùng đã để lại chiến công oanh liệt cũng là sự khẳng định về chủ quyền đất nước từ những thế kỷ đầu Công nguyên đến thế kỷ XX và kế thừa đến ngày nay.
Lá vàng và cúc vàng. |
Trong văn hóa cung đình Việt Nam, các “linh vật hoàng gia” gồm: Long, Ly, Quy, Phượng; chiếm vị trí vô cùng quan trọng. Qua đó, người cung tiến muốn bày tỏ sự đức hạnh, thanh nhã nhưng cũng đầy oai dũng và kiên cường của nữ tướng Lê Chân. Đồng thời, chim phượng là đại diện cho sự tái sinh và bất tử. Và chuỗi vàng 4 số 9 cũng mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc. Số 9 là tiêu chí có ý nghĩa danh dự và tối cao, là giới hạn cao nhất, là sự khởi đầu của một bước chuyển ngoặt, còn là một sự biến đổi và phát triển. Chuỗi hạt vàng dâng lên thánh cung đền Nghè vừa là món trang sức đến nữ tướng Lê Chân, đồng thời khẳng định vị trí của Thánh mẫu Lê Chân trong văn hóa Việt…
Bông tai vàng. |
Tâm thức yêu nước nồng nàn và thành phố vươn mình ra biển lớn
Cũng theo các chuyên gia, nhóm hiện vật có chữ Hán Nôm gia phong cho Thánh mẫu Lê Chân ít xuất hiện trong những bảo vật quốc gia trước đây. Nhóm hiện vật thẻ bài trong Bộ kim phẩm đền Nghè được dập nổi mỹ tự được các vua thời Nguyễn gia phong “Trang Huy Thượng Đẳng Thần”, “Dực bảo trung hưng”. Do vậy, Bộ kim phẩm đền Nghè là đại diện độc đáo, tiêu biểu hiện nay về việc sử dụng mỹ tự trên thẻ bài với mục đích tâm linh.
Theo các chuyên gia văn hóa, bộ kim phẩm được chế tác riêng cho Nữ tướng Lê Chân, không gắn trên tượng. Nhóm hiện vật được làm bằng vàng, đây là nguyên liệu quý và được sử dụng chủ yếu trong triều đình nhà Nguyễn. Qua đó, có thể thấy, bộ kim phẩm đền Nghè là điểm tiếp nối trong truyền thống tạo tác trang sức cho tượng thờ, là đại diện tiêu biểu của sự sáng tạo trong việc sử dụng đồ trang sức cho mục đích tín ngưỡng tại thành phố Hải Phòng.
Bông tai vàng. |
Đặc biệt, Nữ tướng Lê Chân là một nhân vật lịch sử, một võ tướng giữ chức “Chưởng quản binh quyền” dưới thời Hai Bà Trưng. Bà chiến đấu anh dũng, chống quân Đông Hán xâm lược, lập nhiều công lao, giúp Hai Bà xưng Vương, lập nước, mở nền độc lập cho dân tộc Việt Nam những năm đầu công nguyên. Nữ tướng Lê Chân còn là người khai phá vùng đất ven biển từ vùng bãi bồi sình lầy hoang vu thành làng mạc trù phú, đặt nền móng cho việc hình thành TP Hải Phòng ngày nay, một trung tâm kinh tế - văn hóa - khoa học phát triển, đô thị loại I cấp quốc gia, có vị trí chiến lược trong bảo vệ an ninh quốc phòng và là đầu tàu đưa đất nước hướng ra biển lớn.
Bông tai vàng. |
Công trình kiến trúc Đền Nghè, nơi bộ kim phẩm được cung tiến vào, đã được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích Lịch sử Văn hóa cấp Quốc gia vào năm 1975. Lễ hội truyền thống Nữ tướng Lê Chân được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia năm 2016.
Từ một nhân vật lịch sử, với những công đức lớn lao, trong tâm thức người dân Hải Phòng, nữ tướng Lê Chân đã được tôn vinh là bậc Thánh mẫu - Thành hoàng của thành phố Cảng. Là vị Mẫu thần thực thi quyền năng ban phát ân đức, phù giúp cho cuộc sống ngày càng sinh sôi, nảy nở… Đền Nghè là di tích tín ngưỡng linh thiêng của thành phố Hải Phòng, nằm giữa lòng thành thành phố vẻ trầm mặc, nét rêu phong, cổ kính và linh thiêng. Trong tâm thức người dân Hải Phòng, tín ngưỡng thờ Thánh mẫu Lê Chân mang giá trị truyền thống xuyên suốt hàng ngàn năm, thắm đượm tinh thần dân tộc, lắng đọng trên những công trình kiến trúc, đồ thờ tự, nét hoa văn chạm trổ trang trí chi tiết, tinh xảo, gắn liền với cuộc đời, sự nghiệp của Nữ tướng. Bộ kim phẩm được cung tiến vào đền Nghè là đại diện tiêu biểu cho nét đẹp văn hóa của người Việt, là sự tôn vinh truyền thống yêu nước nồng nàn thông qua một hình tượng nhân vật lịch sử - Nữ tướng Lê Chân.
Hộp sáp môi vàng. |
Bởi vậy, bộ kim phẩm đền Nghè là đại diện cho tín ngưỡng dân gian - tín ngưỡng thờ Thánh mẫu Lê Chân tại Hải Phòng và nghệ thuật chế tác kim hoàn đỉnh cao đầu thế kỷ XX. Nhóm hiện vật có nhiều giá trị trên các lĩnh vực lịch sử, văn hoá, kỹ thuật, mỹ thuật, do đó Bảo tàng Hải Phòng thiết lập hồ sơ, trình UBND TPHải Phòng đề nghị TTg Chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia, nhằm tôn vinh giá trị di sản văn hoá có giá trị tiêu biểu, qua đó nâng cao ý thức bảo vệ di sản của cộng đồng, đồng thời có cơ chế, chính sách phù hợp cho hoạt động bảo tồn, khai thác và phát huy giá trị di sản trong thời gian tới.
Và thành phố có vị thành hoàng thời Bà Trưng, Bà Triệu trải qua hàng ngàn năm lịch sử ấy đang từng ngày vươn mình trong kỷ nguyên mới, với sự khởi đầu mới đầy ấn tượng…
Vòng vàng. |
Từ đầu thế kỷ XX, các văn bia, sắc phong hiện còn lưu giữ tại đền Nghè khẳng định tín ngưỡng thờ mẫu Lê Chân tại Hải Phòng đã rất phổ biến. Bia “Hải Phòng An Biên thần tích bi” niên hiệu Khải Định cửu niên (1924) có đoạn: “… Sau khi mất, Thánh rất linh ứng. Nhân dân địa phương một đêm chiêm bao thấy Thánh về báo: Ta đã hết duyên trần, nay về Thiên đình chầu thượng đế. Thượng đế ân phong làm Thành hoàng... Đền thờ Lê Thánh mẫu nơi Hải ấp là cổ tích bậc nhất TP Hải Phòng. Người đời ca tụng tôn thờ cũng như đền thờ Hai Bà Trưng ở Hà Nội. Vua tôi cùng được thờ tự, cùng được kỷ niệm...”. Hay “Bia ghi công đức trùng tu đền Nghè” khắc năm Bảo Đại nhị niên (1927), ghi chép về việc “…Tiên chỉ, quan Hàn lâm thị giảng học sĩ Lê Xuân Hiên vào ngày tốt mùa xuân, năm Giáp Tý niên hiệu Khải Định cửu niên (1924) cùng các chức dịch, các họ tộc khởi công trùng tu miếu điện… Qua ba, bốn năm thì hoàn thành, miếu điện nguy nga, cảnh sắc lộng lẫy huy hoàng, thật là đẹp đẽ… Việc đó có được là do nhân dân thập phương phát tâm đóng góp tiền của, công sức mà dựng lên. Công đức ấy thật là cao quý, mãi mãi không quên…”. Trong danh sách ghi lại tên của 239 cá nhân, gia đình, dòng họ, cửa hiệu đã cùng góp công, góp của vào việc trùng tu đền Nghè được khang trang, tố hảo.