Quốc hội cho ý kiến về Luật Dân sự sửa đổi

(PLO) -Sáng hôm nay (25/11), Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về Dự án Luật Dân sự sửa đổi. 
Quốc hội cho ý kiến về Luật Dân sự sửa đổi
Bộ luật Dân sự năm 2005 được Quốc hội khóa XI thông qua ngày 14 tháng 6 năm 2005 trên cơ sở kế thừa truyền thống của pháp luật Dân sự Việt Nam, phát huy thành tựu của Bộ luật Dân sự năm 1995 và kinh nghiệm gần 20 năm đổi mới, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. 
Sau hơn 9 năm thi hành, Bộ luật Dân sự cơ bản đã có tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cũng như đối với việc hoàn thiện hệ thống pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội được hình thành trên cơ sở bình đẳng, tự do ý chí, độc lập về tài sản và tự chịu trách nhiệm của chủ thể trong các quan hệ Dân sự.
Tuy nhiên, bước sang giai đoạn phát triển mới của đất nước, Bộ luật Dân sự hiện hành đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, đòi hỏi cần phải sửa đổi. 
Trong lần sửa đổi này, dự thảo Bộ luật có tổng số 710 điều, được bố cục thành 6 phần, 29 chương. So với Bộ luật dân sự năm 2005, dự thảo Bộ luật giữ nguyên 265 điều, sửa đổi 298 điều, bổ sung 174 điều, bãi bỏ 147 điều.
Một số vấn đề được sửa đổi, bổ sung trong Dự luật này như: Phạm vi điều chỉnh của Bộ luật Dân sự; nguyên tắc cơ bản của pháp luật Dân sự; Xác lập, thực hiện và bảo vệ quyền dân sự; Chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự; Về tài sản; Về giao dịch dân sự; Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng ; Vấn  đề thời hiệu thừa kế...
Thẩm tra dự luật,  Ủy ban pháp luật cơ bản nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết sửa đổi cơ bản, toàn diện Bộ luật Dân sự và tán thành nhiều nội dung của dự thảo. Dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi) đã được chuẩn bị công phu trên cơ sở tổng kết thực tiễn thi hành Bộ luật dân sự hiện hành.
Ủy ban pháp luật nhận thấy, Bộ luật Dân sự (BLDS) là đạo luật rất quan trọng, tác động đến các mối quan hệ cơ bản của xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến mọi hoạt động và đời sống của các tổ chức, cá nhân, gia đình. Việc sửa đổi, bổ sung BLDS không chỉ nhằm giải quyết những vấn đề vướng mắc, tồn tại, đáp ứng được các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội mà điều quan trọng hơn là phải phản ánh, bảo vệ và phát huy được giá trị văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc, xây dựng BLDS trở thành luật chung của hệ thống pháp luật liên quan đến các quan hệ dân sự, kinh tế, thương mại, góp phần bảo đảm tính ổn định, bền vững của các quan hệ xã hội trên cơ sở kế thừa, phát triển pháp luật dân sự Việt Nam.
Xuất phát từ yêu cầu đó, Ủy ban pháp luật đề nghị Cơ quan soạn thảo rà soát kỹ các quy định để bảo đảm phù hợp với Cương lĩnh và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, phù hợp với Hiến pháp và các điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; sự tương thích giữa các quy định trong Bộ luật với đặc điểm về văn hóa, địa lý, phong tục, tập quán ở nước ta; dự báo khả năng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. 
Việc sửa đổi, bổ sung hay bãi bỏ một quy định nào của Bộ luật hiện hành cũng cần được cân nhắc thận trọng và thuyết minh cụ thể lý do của việc sửa đổi, bổ sung hay bãi bỏ, làm cơ sở cho Quốc hội xem xét, quyết định./.

Đọc thêm