Sáng hôm nay, mở đầu tuần làm việc mới, các ĐBQH đã tiếp tục với công việc hoàn thiện bản Hiến pháp sửa đổi. Mở đầu phiên làm việc, Uỷ viên Uỷ ban thường vụ Quốc hội Phan Trung Lý đã trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ và hội trường và chỉnh lý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và dự thảo Nghị quyết về việc thi hành Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi năm 2013).
Tiếp đó, thay vì thảo luận tại hội trường như kế hoạch, các ĐBQH đã được phát phiếu lấy ý kiến, sau đó về thảo luận đại Đoàn. Các ý kiến đóng góp sửa đổi Hiến pháp sẽ được các ĐB ghi vào phiếu để gửi lại Ban soạn thảo.
Theo ý kiến của nhiều ĐBQH, đây là một biện pháp để có thể thu thập được nhiều ý kiến đóng góp hơn, so với việc từng người đứng lên phát biểu tại hội trường, trong khuôn khổ thời gian có hạn.
Ngày mai, QH sẽ bước vào phiên chất vấn kéo dài 3 ngày (từ 19 đến 21/11). Bốn vị trưởng ngành dự kiến sẽ đăng đàn kỳ này là bộ trưởng các Bộ Nông nghiệp- Phát triển nông thôn, Bộ Nội vụ, Bộ Thông tin- Truyền thông và Chánh án Toàn án Nhân dân Tối cao.
Như thông lệ ở các phiên họp cuối năm, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng sẽ là người “chốt” phiên chất vấn, để giải trình, làm rõ thêm các vấn đề.
Trong các phiên chất vấn, các Bộ trưởng khác cũng sẽ có ý kiến trả lời những chất vấn liên quan.
Mở đầu phần làm việc liên quan đến chất vấn, sáng mai, theo dự kiến Phó Thủ tướng Chính phủ sẽ trình bày Báo cáo về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc Hội về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 3, thứ 4 và thứ 5. Tiếp đó, các đại biểu Thảo luận ở hội trường về vấn đề này.
Buổi chiều cùng ngày, Trưởng Ban dân nguyện của Ủy ban thường vụ Quốc hội Nguyễn Đức Hiền trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII.
Hai ngày tiếp theo, các bộ trưởng có tên trong kế hoạch sẽ lần lượt đăng đàn trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.
Các phiên làm việc về chất vấn sẽ được phát thanh và truyền hình trực tiếp để cử tri cả nước theo dõi.