Quốc hội ngày càng khẳng định vị thế quyền lực cao nhất

(PLO) - Đa số các đại biểu tại Hội thảo “Quốc hội Việt Nam: 70 năm hình thành và phát triển” do Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức hôm qua (8/12) đều thống nhất, 70 năm qua, Quốc hội Việt Nam từng ngày đã khẳng định vị thế của mình là cơ quan quyền lực cao nhất, phát huy hiệu quả trong công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo của Quốc hội Việt Nam tại hội thảo 
Phát triển mạnh mẽ
Nhận xét về quá trình phát triển của Quốc hội (QH) trong 70 năm qua, nguyên Phó Chủ tịch QH Nguyễn Văn Yểu cho rằng, thành công rất lớn của QH đến lúc này đó là QH đã thể chế hóa tương đối trọn vẹn, đầy đủ và chính xác quan điểm của Đảng ta để xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCH và xây dựng nước Việt Nam ngày càng vững mạnh, hội nhập sâu rộng với quốc tế.
Ông Nguyễn Văn Yểu cho rằng, việc cho ra đời 5 bản Hiến pháp ứng với 4 giai đoạn phát triển của đất nước ta là phù hợp và tất yếu. Trên cơ sở của Hiến pháp, cách thức làm luật, thông qua luật của QH - cơ quan quyền lực cao nhất ngày càng có tốc độ và chất lượng tốt hơn. Chức năng giám sát cũng tiếp tục hoàn thiện khá nhanh về cơ chế. Việc quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước cũng tốt lên từng ngày.
Đánh giá sự đổi mới trong vòng 10 năm trở lại (2005 - 2015), PGS.TS Trần Ngọc Đường - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng QH nhận định, hoạt động lập pháp của QH được thực hiện một cách sôi nổi, mạnh mẽ, quyết liệt với quyết tâm nâng cao chất lượng các dự án luật được thông qua nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống, nhất là phục vụ cho công cuộc phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội, khoa học công nghệ; bảo vệ môi trường và tài nguyên, an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội.
Phải thay đổi theo chiều sâu 
Cùng với việc quy trình lập pháp vẫn chưa đặt ra chi phí để đưa luật vào cuộc sống, bộ máy nhân sự và chi phí ngân khố ngày càng “phình to”, các chuyên gia cho rằng, cần bổ sung sớm giảm bớt việc ủy quyền lập pháp; tính toán được chi phí bỏ ra sau khi QH thông qua Dự án Luật thì QH mới làm tròn nhiệm vụ của mình.
Cùng quan điểm, nguyên Phó Chủ tịch QH Nguyễn Văn Yểu thấy nên hạn chế giao Chính phủ quy định chi tiết Luật để 10-15 năm nữa, người dân được thực hiện luật trực tiếp, không cần chờ văn bản hướng dẫn và nếu giao thì phải có thời hạn cụ thể. “Đây là việc khó, ý tưởng này hơi xa, nhưng xa cũng phải phấn đấu, khó cũng phải làm. Đừng để người dân làm mãi theo Nghị định” - ông Nguyễn Văn Yểu nhấn mạnh.
Về giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, bà Nguyễn Thị Lan - nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của QH thấy rằng, QH “cần đặt mạnh hơn nữa trong việc kiểm soát tiền của dân”, cụ thể là việc quản lý chi tiêu ngân sách. Vì nếu làm tốt sẽ hạn chế rất nhiều tham nhũng. Hiện việc kiểm soát chi tiêu ngân sách của chúng ta hiện nay được thực hiện rất tốt và có tiến bộ nhưng chưa đạt yêu cầu so với thực tế, mới giám sát bề rộng, chưa giám sát bề sâu, chưa có chuyên đề cụ thể và chưa có sức nặng khi thực hiện giám sát… 

Đọc thêm