Quốc hội tăng cường giám sát Đề án 30

Chính phủ kiến nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa vào chương trình Kỳ họp cuối cùng của Khóa XII  xem xét, thông qua một dự thảo luật sửa khoảng 58 luật và 22 pháp lệnh để bảo đảm việc thực thi các phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính.

Chiều qua (19/8), Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu làm Trưởng đoàn tổ chức cuộc họp toàn thể với Tổ công tác chuyên trách của Thủ tướng Chính phủ về cải cách Thủ tục hành chính (TTHC - Đề án 30) cùng đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành như Xây dựng, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường.

 

Cần đơn giản hoá trên 5.000 thủ tục

 

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Nguyễn Xuân Phúc kiêm Tổ trưởng Tổ công tác chuyên trách cải cách TTHC của Thủ tướng trình bày Báo cáo của Chính phủ về kết quả bước đầu thực hiện cải cách TTHC trên một số lĩnh vực liên quan trực tiếp đến công dân và doanh nghiệp theo chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2001-2010.

 

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Xuân Phúc, hiện nay, 24 bộ ngành và 63 địa phương đã hoàn thành việc tự rà soát các TTHC thuộc phạm vi, chức năng quản lý. Trừ Thái Nguyên và Bình Phước (đạt 28,4%), tất cả các bộ, ngành, địa phương khác đều đạt chỉ tiêu đơn giản hóa tối thiểu 30% các quy định về TTHC do Thủ tướng giao.

 

Trên cơ sở phương án đơn giản hóa TTHC của các bộ, ngành, địa phương, trong tổng số 5.210 TTHC đã được rà soát, Tổ công tác chuyên trách cải cách TTHC nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung 4.002 thủ tục, bãi bỏ 526 thủ tục, kiến nghị thay thế 179 thủ tục, đạt tỷ lệ đơn giản hóa trung bình là 90%, cao hơn tỷ lệ trung bình mà bộ, ngành đề xuất là 9%. Quan trọng hơn, các phương án đơn giản hóa đề xuất gắn liền với việc cắt giảm 30% chi phí cho các cá nhân, tổ chức tương ứng với gần 30.000 tỷ đồng mỗi năm.

 

“Dự kiến, cuối tháng 9/2010, sau khi tổng hợp ý kiến của bộ ngành, người dân và doanh nghiệp, ý kiến  của các thành viên Chính phủ, Văn phòng Chính phủ sẽ  trình Thủ tướng ký ban hành 24 Nghị quyết thông qua phương án đơn giản hóa đối với trên 5.000 thủ tục còn lại, làm cơ sở thực thi các phương án này trên phạm vi toàn quốc”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc cho biết.

 

Sửa nhiều luật và pháp lệnh

 

Vẫn theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc, bên cạnh những kết quả lớn nêu trên, quá trình thực hiện Đề án 30 vẫn đang gặp những khó khăn, thách thức. Cụ thể, để thực thi phương án đơn giản hóa, sẽ phải tiến hành sửa đổi hàng trăm văn bản quy phạm pháp luật.

 

Theo tính toán, cấp Trung ương trong thời gian tới sẽ phải sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ những điều, điểm, khoản không còn phù hợp của 1.190 văn bản pháp luật. Trong đó, có 58 Luật, 22 Pháp lệnh, 235 Nghị định, 38 Quyết định của Thủ tướng, 349 Quyết định của Bộ trưởng, 415 Thông tư và 73 văn bản khác. Cấp địa phương ước tính có trên 3.000 văn bản cần được sửa đổi, bổ sung (trung bình mỗi địa phương sửa đổi khoảng 50 văn bản).

 

Chính phủ kiến nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa vào chương trình Kỳ họp cuối cùng của Khóa XII  xem xét, thông qua một dự thảo luật sửa khoảng 58 luật và 22 pháp lệnh để bảo đảm việc thực thi các phương án đơn giản hóa thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, làm cơ sở để Chính phủ sửa hàng trăm Nghị định, Thông tư hướng dẫn sau này.

 

Bên cạnh đó, kiến nghị Quốc hội tiếp tục đưa nội dung giám sát việc thực thi các phương án đơn giản hóa TTHC tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội Khóa XIII để bảo đảm việc cải cách TTHC triệt để, sớm mang lại lợi ích cho xã hội.

 

Chọn đúng khâu đột phá

 

Phát biểu tại cuộc họp, các đại biểu đánh giá cao sự quyết tâm của Chính phủ, lãnh đạo Chính phủ trong việc lựa chọn và thực hiện Đề án 30 làm khâu đột phá, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

 

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Phúc, Ủy viên Ủy ban Pháp luật Nguyễn Đình Chiến cho rằng, Chính phủ đã lựa chọn đúng vấn đề để tiến hành cải cách như một khâu đột phá, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, đồng thời vẫn đảm bảo vai trò của quản lý Nhà nước. Bên cạnh đó, trong quá trình thực thi cần có phương án cụ thể, chi tiết, khả thi để sửa đổi các thủ tục đang nằm rải rác trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện nay.

 

Bày tỏ sự quan tâm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các đại biểu Quốc hội với Đề án 30 thông qua đợt giám sát tối cao lần này, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc tiếp thu và đánh giá cao những ý kiến đóng góp của Đoàn giám sát đối với Đề án 30 cũng như quá trình tổ chức thực hiện tại các bộ, ngành, địa phương.

 

“Đợt giám sát này thể hiện sự quan tâm sâu sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với những công việc mà Đề án đang tiến hành, bởi đây là một trong những lĩnh vực nóng bỏng nhất mà người dân quan tâm. Điều này cũng phản ánh hơi thở của cuộc sống trên diễn đàn Quốc hội và trước đồng bào cả nước”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

 

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu đánh giá việc chọn Đề án 30 để thực hiện giám sát tối cao trở thành cách chọn mẫu đối với những đợt giám sát chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp theo./.

 

A.H (nguồn: Chinhphu.vn)

Đọc thêm