Quỹ đầu tư KKR hoạt động ở Việt Nam ra sao?

(PLO) - Cuối tháng 5/2017, trong chuyến thăm Hoa Kỳ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã gặp mặt bàn tròn với hơn 20 doanh nghiệp và quỹ đầu tư lớn của nước này, trong đó có Quỹ đầu tư KKR, một đối tác chiến lược của Tập đoàn Masan. 
Năm 2017, KKR đầu tư vào Masan 250 triệu USD để Tập đoàn này phát triển ngành hàng thịt và các sản phẩm từ thịt
Năm 2017, KKR đầu tư vào Masan 250 triệu USD để Tập đoàn này phát triển ngành hàng thịt và các sản phẩm từ thịt

Tại buổi gặp mặt, Thủ tướng kêu gọi các nhà đầu tư Hoa Kỳ đầu tư vào Việt Nam, đồng thời nhấn mạnh “thành công của các nhà đầu tư Hoa Kỳ cũng chính là thành công của chúng tôi”.Trong bối cảnh đó, Quỹ đầu tư KKR hoạt động như thế nào và thành công ra sao ở Việt Nam đang được nhiều người quan tâm.

Thương vụ góp vốn lớn nhất Việt Nam

Trước chuyến thăm này của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, 6 năm về trước, năm 2011, Quỹ đầu tư KRR đã lần đầu tiên đầu tư vào Việt Nam thông qua mua 10% vốn chủ sở hữu CTCP Hàng Tiêu Dùng Masan, tương đương 159 triệu USD. Đây được đánh giá là thương vụ giao dịch góp vốn tư nhân lớn nhất trong lịch sử Việt Nam tính đến lúc bấy giờ.

Ông Ming Lu, Giám Đốc KKR khu vực châu Á cho biết, KKR là công ty quản lý tài sản thay thế hàng đầu thế giới với tổng mức tài sản hơn 66 tỷ USD (số liệu năm 2013), có văn phòng làm việc tại nhiều nơi trên thế giới; tại Đông Nam Á, văn phòng chính ở Singapore. Trước khi đầu tư vào Việt Nam, Quỹ này đã rót vốn vào các công ty thuộc bốn nước khác ở khu vực Đông Nam Á.

Nêu lý do tại sao  chọn Masan khi đầu tư vào Việt Nam, ông Ming Lu cho biết:“Chúng tôi tin tưởng Masan Group, một công ty đẳng cấp quốc tế, luôn là một lựa chọn đầu tư đúng đắn. Chúng tôi ấn tượng về năng lực của Masan trong các chuyển đổi chiến lược nhằm thỏa mãn các nhu cầu thiết yếu hàng ngày của hơn 90 triệu người tiêu dùng Việt Nam với các sản phẩm chất lượng và giá cả hợp lý”. Vị này cho biết thêm, việc lựa chọn Masan để đầu tư còn thể hiện “niềm tin mạnh mẽ của chúng tôi vào câu chuyện tăng trưởng của Việt Nam”.

Năm 2013, KKR tiếp tục đầu tư thêm 200 triệu USD vào Masan, thiết lập kỷ lục đầu tư mới. Theo ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Tập đoàn Masan, việc Masan hợp tác với KKR nhằm củng cố trở thành công ty hàng đầu trong lĩnh vực hàng tiêu dùng ở Việt Nam. Các khoản đầu tư của KKR năm 2011 và 2013 được Masan đầu tư vào thương hiệu, phát triển sản phẩm, hệ thống phân phối và mở rộng nhà máy. Ngoài ra, với nguồn vốn mới, Masan còn đẩy mạnh việc mua bán và sáp nhập doanh nghiệp (M&A) trong chiến lược kinh doanh của mình.

Theo đó, trong năm 2011 và 2013, Masan Consumer lần lượt mua lại cổ phần chi phối của Vinacafé Biên Hoà và nước khoáng Vĩnh Hảo. Ngoài ra, hệ thống phân phối của Masan được phát triển từ hơn 160 nhà phân phối và hơn 160 ngàn điểm bán lẻ cho ngành hàng thực phẩm trong năm 2011 lên đến nay hơn 240 nhà phân phối, 180 ngàn điểm bán lẻ cho ngành hàng thực phẩm và 100 ngàn điểm bán lẻ cho ngành đồ uống. 

Cuối năm 2015, Masan đã khánh thành cụm công nghệ thực phẩm Masan MB tại Nghệ An với tổng mức đầu tư 1.200 tỷ đồng với các sản phẩm mì ăn liền và nước mắm sản xuất hoàn toàn tự động. Ngoài ra, Masan đã mạnh dạn đầu tư 3 triệu USD vào Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Sản phẩm (R&D) tại Bình Dương với công nghệ và thiết bị tiên tiến.Trung tâm này giúp Masan triển khai các sản phẩm chất lượng với sáng kiến đột phá, giá cả hợp lý dành cho người tiêu dùng.

Đối tác của KKR thành công ra sao?

Đến cuối năm 2016, Masan khởi công xây dựng trang trại nuôi heo công nghệ cao Masan Nutri-Farm tại Nghệ An để thực hiện chăn nuôi tập trung, áp dụng khoa học công nghệ cao nhằm nâng cao năng suất chuỗi giá trị thịt.

Tiếp sức cho lĩnh vực mới này, năm 2017, KKR tiếp tục đầu tư 250 triệu USD vào Masan.Theo Giám đốc quỹ KKR tại khu vực châu Á Ming Lu, KKR ấn tượng về năng lực của Masan trong các chuyển đổi chiến lược nhằm thỏa mãn các nhu cầu thiết yếu hàng ngày của người tiêu dùng Việt Nam.“Chúng tôi đã chứng kiến quá trình họ phát triển từ một công ty trong ngành hàng gia vị thành một Tập đoàn hàng tiêu dùng có giá trị 2 tỷ USD. Ngày hôm nay, chúng tôi tiếp tục đồng hành cùng Masan với niềm tin chiến lược và cơ hội tăng trưởng đột phá trong ngành hàng thịt và các sản phẩm từ thịt”, ông Ming Lu nói.

Sau khi đầu tư vào Masan, KKR chứng kiến mức tăng trưởng ấn tượng ở tập đoàn này. Theo đó, doanh thu của Masan Consumer năm 2011 là 7.056 tỷ đồng, là thời điểm KKR góp vốn vào lần đầu tiên và khi KKR thoái vốn thì doanh thu của Masan Consumer đạt 13.212 tỷ đồng; nếu tính tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011 – 2015 là 17%.

Năm 2016, doanh thu thuần toàn Tập đoàn này đạt 43.297 tỷ đồng, tăng 41,4% so với cùng kỳ năm 2015. Các mặt hàng đem lại doanh thu lớn nhất cho Masan là sản phẩm về thịt, thực phẩm và đồ uống với 39.248 tỷ đồng (chiếm 40,3% doanh thu).

Theo Chủ tịch Masan Group Nguyễn Đăng Quang, vốn đầu tư của KKR vào Masan giúp tập đoàn có nền tảng tài chính vững chắc, hiện thực hoá cam kết mang đến các sản phẩm tiêu dùng hàng ngày với giá hợp lý cho người tiêu dùng Việt Nam. 

Đọc thêm