Quy định cấp phép mới 'hắt nước vào ngọn lửa sân khấu đang tàn'?

(PLO) - Sân khấu TP HCM vốn hoạt động mạnh nhất cả nước giờ đây đang ngậm ngùi trước một sự thật: Chỉ ở mức duy trì. Nếu không có sự hỗ trợ, có lẽ trong nay mai không ít sân khấu sẽ “tắt đèn”, rời cuộc chơi. Đó chính là lý do vì sao các nghệ sĩ bức xúc đến thế trước quy định cấp phép mới.
Vở diễn “Hãy khóc đi em” của sân khấu Hoàng Thái Thanh đến nay đã trên 5 năm vẫn được diễn lại cho khán giả, nếu mỗi năm cứ phải đi xin phép lại một lần sẽ rất phiền phức cho sân khấu.

Không thay đổi nội dung kịch bản, có nên cấp phép mới?

Với Nghị định 15/2016 về biểu diễn ca múa nhạc, ghi hình sân khấu thì thời hạn cấp phép có hiệu lực của giấy phép cấp cho chương trình ca, múa, nhạc tối đa sáu tháng và giấy phép cấp cho chương trình sân khấu tối đa 12 tháng. Theo các nghệ sĩ sân khấu, quy định này là quá rườm rà, phức tạp, nhất là trong thời điểm các sân khấu chỉ hoạt động cầm chừng như hiện nay. 

Hiện, trung bình mỗi tháng mỗi sân khấu ở TP HCM cho ra mắt chưa đến một vở mới. Nghĩa là, chỉ những sân khấu đông khách, hoạt động mạnh thì mới có vở mới hàng tháng, còn không, cứ vở cũ mà dùng lại tháng này qua tháng khác, thậm chí năm nay qua năm khác. Ví dụ như sân khấu Hoàng Thái Thanh, có những vở diễn như “Hãy khóc đi em”, “29 anh về”, “Nửa đời hương phấn”… đã có “tuổi đời” trên 3 năm, nhưng vẫn diễn lại hàng tuần, hàng tháng cho khán giả. Tương tự, những vở kịch ma của sân khấu kịch Phú Nhuận, có vở được dựng trên 8 năm nay vẫn được diễn lại thường xuyên. 

Thời điểm ngành sân khấu đang lao đao, vắng khán giả, không tìm được cách bứt phá, thì việc duy trì các vở diễn cũ, duy trì sáng đèn, tìm sự ổn định trong doanh thu là cách làm đơn giản, dễ chọn lựa nhất của các sân khấu. Chính vì thế, một vở diễn với tuổi thọ vài năm trời, có vở cả chục năm, mà nếu theo quy định của Nghị định mới, cứ mỗi năm lại đi làm thủ tục xin cấp phép một lần, với những thủ tục rườm rà, rắc rối thì đúng là một sự đánh đố cho các nghệ sĩ.

Đặc biệt, với những vở kịch cũ, thi thoảng được đem đi lưu diễn lại ở các địa phương, và cứ mỗi lần đi lại phải xin cấp phép lại đã làm nản lòng các nghệ sĩ. Nên chăng, với những vở diễn lâu năm, kịch bản không có gì thay đổi thì nên có chính sách tự gia hạn để giảm thiểu các thủ tục hành chính gây khó cho sân khấu?

Làm sao khuyến khích sân khấu phát triển?

Cách đây gần chục năm, ở thời thịnh vượng của mình, các sân khấu sáng đèn liên tục. Những sấn khấu chuyên hài, tạp kĩ như Trống đồng, 126 thường xuyên chứng kiến cảnh khách đến xem hài đông nghịt, cháy vé, thậm chí vé “chợ đen”. Những sân khấu chính kịch như kịch Phú Nhuận, Idecaf, Hoàng Thái Thanh… thì mỗi tháng một vở là chuyện bình thường. Mà cứ mỗi vở ra mắt lại mang đến một luồng gió mới cho làng kịch, với sự đầu tư công phu, mới mẻ, chuẩn bị chỉn chu từ chất lượng kịch cho đến khâu tuyên truyền, quảng bá.

Thế nhưng, một vài năm gần đây, sân khấu TP HCM dường như đã đi vào cảnh “chợ chiều”, khi mà chỉ một vài sân khấu hiếm hoi có cảnh vở diễn cháy vé. Còn lại, chỉ đầy 2/3 khán phòng đã là điều đáng mừng lắm rồi. Suất diễn của các sân khấu cũng giảm hẳn, chỉ ở mức duy trì. Sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh, trước kia diễn cả vào thứ tư, thứ năm, giờ đây chỉ còn lại các ngày cuối tuần, và cũng chỉ còn mỗi ngày một suất. Sân khấu kịch Phú Nhuận của “bà bầu” Hồng Vân thì duy trì từ thứ năm đến chủ nhật, mỗi ngày một suất, giảm hơn 1/2 so với cách đây 5, 7 năm. Số sân khấu đóng cửa cũng không ít. 

Hầu hết các ông bà chủ sân khấu như “bà bầu” Ái Như của Hoàng Thái Thanh, ông bầu Huỳnh Anh Tuấn của Idecaf, “bà bầu” Hồng Vân của kịch Phú Nhuận… đều khẳng định, giờ đây đeo đuổi việc kinh doanh sân khấu với họ là đam mê, là máu thịt, chứ còn lợi nhuận thì… có lẽ đừng nghĩ đến thì hơn.

Thậm chí, sân khấu có lượng vé bán chạy nhất TP như Idecaf, mà ông bầu Huỳnh Anh Tuấn vẫn không loại trừ có thể sẽ phải đóng cửa, nếu doanh thu quá xuống. Sự sụt giảm khách của sân khấu TP HCM dẫn tới nhiều hệ lụy, như các sân khấu không có tiền đầu tư vở diễn mới, không có vẻ hoành tráng, hấp dẫn. Nghệ sĩ kịch cũng ngày một thưa vắng, họ tham gia vào các lĩnh vực khác, ít vất vả mà lại hái ra tiền, như game show.

Ít được va chạm qua những vở diễn mang tính thử thách, kĩ năng diễn xuất sân khấu của diễn viên ngày một cùn mòn đi… Nhiều nghệ sĩ gạo cội lo lắng rằng, một thời gian nữa, thế hệ kế cận sẽ không còn đủ tâm huyết với nghề, không còn sống chết với nghề, lúc ấy tre đã già mà măng không chịu mọc thì ngành sân khấu sẽ đi về đâu.

Trước một bối cảnh đáng lo ngại như thế, việc Nghị định mới siết chặt hơn việc cấp phép, càng như gáo nước hắt vào ngọn lửa đang tàn. Trong khi chưa tìm ra được cách hữu hiệu để đưa bàn tay giúp ngành sân khấu không bị đi vào ngõ cụt, thiết nghĩ, cơ quan quản lý nên có những chính sách, quy định mang tính khuyến khích, mở cửa, chứ không nên tạo thêm những khó khăn không đáng có như trên.

Đọc thêm