Quy định của pháp luật về bảo vệ quyền của phụ nữ

(PLVN) - Quyền của người phụ nữ trong hệ thống pháp luật Việt Nam đều thể hiện rõ 2 yếu tố căn bản là “bình đẳng” và “ưu tiên”. Đây là quy định đúng đắn, giúp xoá bỏ sự bất bình đẳng giữa nam và nữ.

Với xã hội ngày càng hiện đại, phụ nữ ngày càng khẳng định được vị trí và vai trò quan trọng của mình trong xã hội. Phụ nữ không chỉ giúp vun đắp hạnh phúc gia đình, giáo dục con cái mà còn là lực lượng lao động đông đảo, không thể thiếu giúp phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục, xã hội thậm chí là quốc phòng, an ninh ở đa số các quốc gia trên thế giới.

Với khẩu hiệu chống phân biệt chủng tộc và bình đẳng giới, thế giới đã và đang thừa nhận và nâng cao quyền, vai trò của người phụ nữ trong xã hội như tại Hiến chương Liên hợp quốc, Tuyên ngôn Nhân quyền thế giới, Công ước về quyền chính trị của phụ nữ, Công ước Liên hợp quốc CEDAW về xoá bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ.... Sự ghi nhận mặt pháp lý này đã đánh dấu một bước tiến lớn trong sự nghiệp giải phóng con người nói chung và giải phóng phụ nữ nói riêng.

Còn ở Việt Nam, quy định về quyền của người phụ nữ được cụ thế hóa tại Hiến pháp, các Bộ luật, Luật... Nhờ đó, phụ nữ Việt Nam được bình đẳng và được hưởng rất nhiều đặc quyền, tham gia vào hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội; đưa đất nước ngày càng phát triển ổn định, bền vững.

Đối với Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013:

Tại Điều 16 nêu rõ: “Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa xã hội”

Đặc biệt, tại Điều 26 quy định:1. Công dân nam, nữ bình đẳng về mọi mặt. Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền và cơ hội bình đẳng giới.2. Nhà nước, xã hội và gia đình tạo điều kiện để phụ nữ phát triển toàn diện, phát huy vai trò của mình trong xã hội.3. Nghiêm cấm phân biệt đối xử về giới.”.

Theo đó, Hiến pháp đã công nhận bất kể là nam hay nữ đều bình đẳng trước pháp luật và không cho phép tồn tại phân biệt đối xử. Phụ nữ được tạo điều kiện phát triển toàn diện, phát huy vai trò của mình trong xã hội. Đồng thời, Hiến pháp còn quy định các quyền cơ bản của công dân (bao gồm cả phụ nữ) như quyền sống (Điều 19); quyền bất khả xâm phạm về thân thể (Điều 20); quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình (Điều 21); quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở (Đièu 22), quyền tự do đi lại, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo...

Đối với Luật Bình đẳng giới năm 2006:

Bình đẳng giới là việc nam, nữ có vị trí, vai trò ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của cộng đồng, của gia đình và thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó (khoản 3 Điều 5).

Cùng với đó, tại Điều 10, pháp luật nghiêm cấm các hành vi: Cản trở nam, nữ bình đẳng giới; phân biệt đối xử về giới dưới mọi hình thức; bạo lực trên cơ sở giới; các hành vi bị nghiêm cấm khác theo quy định của pháp luật.

Cũng tại Chương II, III của Luật này, Nhà nước đã đảm bảo bình đẳng giới trong mọi lĩnh vực từ chính trị, kinh tế, lao động... đến y tế, gia đình. Nhà nước còn thực hiện những biện pháp bình đẳng giới như: Quy định tỷ lệ nam, nữ hoặc bảo đảm tỷ lệ nữ thích đáng tham gia, thụ hưởng; đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ năng lực cho nữ hoặc nam; hỗ trợ để tạo điều kiện, cơ hội cho nữ hoặc nam; quy định tiêu chuẩn, điều kiện đặc thù cho nữ hoặc nam; quy định nữ được quyền lựa chọn trong trường hợp nữ có đủ điều kiện, tiêu chuẩn như nam; quy định việc ưu tiên nữ trong trường hợp nữ có đủ điều kiện, tiêu chuẩn như nam...

Đối với Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014

Theo Luật Bảo hiểm xã hội, phụ nữ được hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội như: chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp, hưu trí, tử tuất, thất nghiệp, mất sức lao động,… Bên cạnh đó, Luật còn quy định quyền lợi mang tính đặc thù đối với người phụ nữ như: Lao động nữ được hưởng các chế độ khám thai, nghỉ việc hưởng lương trợ cấp sinh đẻ bằng 100% tiền lương, dưỡng sức sau khi sinh nếu sức khỏe yếu. Ngoài ra, phụ nữ cũng được hưởng trợ giúp vật chất với tư cách đối tượng cứu trợ xã hội.

Đối với Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014:

Tại Điều 17 quy định: Vợ, chồng bình đẳng với nhau, có quyền, nghĩa vụ ngang nhau về mọi mặt trong gia đình, trong việc thực hiện các quyền, nghĩa vụ của công dân được quy định trong Hiến pháp, Luật này và các luật khác có liên quan.”. Nhà nước ta rất quan tâm tới việc ghi nhận và bảo vệ quyền lợi cho người phụ nữ. Ngay từ đời sống gia đình, người phụ nữ được bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.

Theo Điều 51 quy định “Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn”. Bên cạnh đó, Điều luật này còn nêu rõ: “Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng.”. Việc hạn chế quyền ly hôn của người chồng trong giai đoạn này là một biện pháp nhân văn có tác động lớn đến thực tiễn. Thêm một điểm sáng của quy tắc này là việc hạn chế quyền ly hôn này không áp dụng cho trường hợp người nộp đơn ly hôn là người vợ, người vợ vẫn có quyền tự do lựa chọn và yêu cầu ly hôn khi cảm thấy đời sống hôn nhân không thể kéo dài.

Quyền khởi kiện vụ án ly hôn không chỉ được giới hạn trong phạm vi của các đương sự (vợ và chồng), những người thân thích của đương sự theo Khoản 3, Điều 56, Luật Hôn nhân và gia đình mà còn mở rộng ra cho các cơ quan chuyên môn khác đặc biệt là Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, cụ thể. Khoản 1 Điều 187, Bộ Luật Tố tụng dân sự năm 2015 có quy định: 1. Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình, cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em, Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có quyền khởi kiện vụ án về hôn nhân và gia đình theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình”. Điều này cho thấy, pháp luật Việt Nam rất ưu tiên bảo vệ người phụ nữ.

Không những thế, theo khoản 1 Điều 29 Luật này và điểm b, khoản 4 Điều 7 Thông tư liên tịch 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP thì “Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung là sự đóng góp về tài sản riêng, thu nhập, công việc gia đình và lao động của vợ, chồng trong việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Người vợ hoặc chồng ở nhà chăm sóc con, gia đình mà không đi làm được tính là lao động có thu nhập tương đương với thu nhập của chồng hoặc vợ đi làm. Bên có công sức đóng góp nhiều hơn sẽ được chia nhiều hơn”. Theo đó, nếu người vợ ở nhà chăm sóc con, không đi làm thì vẫn được tính là lao động. Người vợ có quyền được tính công sức ngang với lao động có thu nhập của chồng khi phân chia tài sản.

Tiếp đến, Điều 63 quy định: “Nhà ở thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng đã đưa vào sử dụng chung thì khi ly hôn vẫn thuộc sở hữu riêng của người đó; trường hợp vợ hoặc chồng có khó khăn về chỗ ở thì được quyền lưu cư trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày quan hệ hôn nhân chấm dứt, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác”. Quyền lợi này bảo đảm cư trú cho cả vợ và chồng dựa trên nguyên tắc bình đẳng giữa nam và nữ, vợ và chồng đều có quyền như nhau.

Hơn nữa, theo khoản 3 Điều 81 quy định: Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.”. Trong giai đoạn này, vai trò của người mẹ vẫn còn quan trọng đối với sự phát triển toàn diện của trẻ em, đặc biệt là sự phát triển về thể chất. Do đó, việc giao trực tiếp cho người mẹ nuôi dưỡng trẻ dưới 03 tuổi là biện pháp tối ưu nhằm bảo vệ lợi ích tốt nhất cho phụ nữ cũng như trẻ em trong các vụ án ly hôn có tranh chấp về quyền nuôi con.

Đối với Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015:

Tại khoản 3 Điều 8 quy định: 3. Số lượng phụ nữ được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội do Ủy ban thường vụ Quốc hội dự kiến trên cơ sở đề nghị của Đoàn chủ tịch Ban chấp hành trung ương Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, bảo đảm có ít nhất ba mươi lăm phần trăm tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội là phụ nữ.

Nhờ có quy định này, tỷ lệ phụ nữ làm đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và giữ vị trí lãnh đạo chủ chốt trong các cơ quan chính trị ngày càng gia tăng. Theo Báo cáo của Uỷ ban xã hội của Quốc hội về kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XV đạt 30,26%, lần đầu tiên vượt trên 30% kể từ Quốc hội khóa VI, từ vị trí thứ 71 vươn lên vị trí thứ 55 trên thế giới, xếp thứ 4 châu Á. Tỷ lệ nữ đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 tăng ở cả 3 cấp tỉnh, huyện và xã. Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có lãnh đạo chủ chốt là nữ đạt 14/30 cơ quan, chiếm 46,67%. Có 47/63 chính quyền địa phương cấp tỉnh có lãnh đạo chủ chốt là nữ, đạt 74,6%.

Đối với Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017:

Để thể chế hoá các quy định của Hiến pháp về quyền con người, Bộ luật Hình sự đã quy định những tội phạm liên quan đến phụ nữ, các điều luật bảo vệ quyền của phụ nữ, cụ thể:

Hành vi phạm tội đối với phụ nữ có thai là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự (điểm i khoản 1 Điều 52) và cũng là dấu hiệu định khung hình phạt tăng nặng như: Giết phụ nữ mà biết là có thai (điểm c khoản 1 Điều 123), cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khoẻ đối với phụ nữ đang có thai (điểm c khoản 1 Điều 134), hành hạ phụ nữ có thai (điểm a khoản 2 Điều 140), tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý đối với phụ nữ mà biết là đang có thai (điểm d khoản 2 Điều 255), cưỡng bức, lôi kéo sử dụng trái phép chất ma tuý đối với phụ nữ mà biết là đang có thai (điểm đ khoản 2 Điều 257).

Đặc biệt, Bộ luật Hình sự cũng thể hiện sự khoan hồng, tính nhân đạo của Đảng và Nhà nước trong việc xử lý tội phạm đối với nữ giới như có chính sách giảm nhẹ trách nhiệm hình sự: người phạm tội là phụ nữ có thai được quy định là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự (điểm n khoản 1 Điều 51). Chính sách nhân đạo, khoan hồng được thể hiện cả trong việc tạm giam, áp dụng hình phạt và thi hành án: Không áp dụng biện pháp tạm giam đối với phụ nữ đang có thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi, trừ trường hợp bỏ trốn và theo quyết định truy nã, tiếp tục phạm tội...; không áp dụng hình phạt tử hình đối với phụ nữ có thai hoặc đối với phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi khi phạm tội hoặc khi bị xét xử, không thi hành án tử hình đối với phụ nữ có thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi; được hoãn cho đến khi con đủ 36 tháng tuổi....

Đối với Bộ luật Lao động năm 2019:

Bộ luật Lao động đã dành một chương (Chương X) quy định riêng đối với lao động nữ và bảo đảm bình đẳng giới. Theo đó, Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền làm việc bình đẳng của lao động nữ; khuyến khích người sử dụng lao động tạo điều kiện để lao động nữ có việc làm thường xuyên, áp dụng rộng rãi chế độ làm việc theo thời gian biểu linh hoạt, làm việc không trọn thời gian, giao việc làm tại nhà; có biện pháp tạo việc làm, cải thiện điều kiện lao động, nâng cao trình độ nghề nghiệp, chăm sóc sức khoẻ, tăng cường phúc lợi về vật chất và tinh thần của lao động nữ nhằm giúp lao động nữ phát huy có hiệu quả năng lực nghề nghiệp, kết hợp hài hoà cuộc sống lao động và cuộc sống gia đình.

Luật quy định rõ, nghiêm cấm người sử dụng lao động có hành vi phân biệt đối xử với phụ nữ, thực hiện nguyên tắc bình đẳng nam, nữ về tuyển dụng, sử dụng, nâng bậc lương và trả công lao động; lao động nữ được dành thời gian trong thời gian lao động để cho con bú, làm vệ sinh phụ nữ; không được sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với lao động nữ vì kết hôn, có thai, nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi.

Đến nay, tỷ lệ lao động nữ làm công hưởng lương đạt 50,9%; tỷ lệ nữ giám đốc/chủ doanh nghiệp, hợp tác xã là 28,2%. Con số này cho thấy lực lượng lao động là phụ nữ đang đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của nền kinh tế nước ta. Trình độ chuyên môn nghiệp vụ của phụ nữ đang được cải thiện, nâng cao không thua kém gì nam giới, thậm chí là vượt trội hơn ở một số lĩnh vực, ngành nghề.

Đối với Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022:

Bạo lực đối với phụ nữ vẫn là một trong những vấn đề nhức nhối trên quy mô toàn cầu. Trong đó, bạo lực gia đình chiếm đa số với số lượng nạn nhân là phụ nữ tương đối cao.

Để giải quyết vấn đề này, Quốc hội đã thông qua Luật Phòng, chống bạo lực gia đình quy định cụ thể các hành vi bạo lực gia đình như hành hạ, ngược đãi, xâm hại đến sức khỏe, tính mạng; lăng mạ, xúc phạm danh dự nhân phẩm; bỏ mặc, không quan tâm; không nuôi dưỡng, chăm sóc thành viên gia đình là trẻ em, phụ nữ mang thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi... Đồng thời, Luật này còn quy định phòng ngừa, ngăn chặn, bảo vệ, hỗ trợ, xử lý vi phạm trong phòng, chống bạo lực gia đình; điều kiện bảo đảm phòng, chống bạo lực gia đình; quản lý nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân trong phòng, chống bạo lực gia đình

Với việc thông qua Luật này, nhiều vụ bạo lực gia đình đã được phát hiện và xử lý kịp thời. Theo Báo cáo của Ủy ban xã hội của Quốc hội, trong 3.193 nạn nhân của bạo lực gia đình năm 2023 thì có 2.628 nữ và 565 nam. So với năm 2022, số vụ và số nạn nhân của bạo lực gia đình đều giảm.

Đáng chú ý, tỷ lệ người bị bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới được phát hiện được tiếp cận ít nhất một trong các dịch vụ hỗ trợ cơ bản là trên 70%. Số người gây bạo lực gia đình bị chịu các hình thức xử lý là trên 75%.

Ngoài ra, Chính phủ cũng đưa ra một số chính sách nhằm khuyến khích các gia đình nếu sinh được con gái như trao bằng khen, thưởng tiền, hỗ trợ...

Đối với Luật Đất đai năm 2024:

Tại khoản 4 Điều 135 quy định: 4. Trường hợp quyền sử dụng đất hoặc quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất hoặc quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất là tài sản chung của vợ và chồng thì phải ghi cả họ, tên vợ và họ, tên chồng vào Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp vợ và chồng có thỏa thuận ghi tên một người để đứng tên làm đại diện cho vợ và chồng.”

Việc pháp luật quy định tất cả những giấy tờ, đăng ký tài sản gia đình bao gồm cả quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở phải được ghi cả tên vợ và chồng là yếu tố pháp luật mang tính tiến bộ, là sự minh chứng cho sự bình đẳng giới giữa vợ và chồng. Cũng nhờ vậy, mà trách nhiệm pháp lý của cả vợ và chồng trong việc quyết định sử dụng, quản lý tài sản, nhất là khối tài sản lớn là đất đai, nhà ở sẽ tăng lên, tác động đến khả năng khai thác hiệu quả hơn nguồn tư liệu sản xuất.

Đồng thời, khi quyền sử dụng và sở hữu các tài sản lớn trong gia đình đều được cả vợ và chồng đứng tên, thì người phụ nữ đã có được quyền đồng sở hữu tài sản, quyền được sinh sống và hưởng hạnh phúc trong chính ngôi nhà họ đã tạo lập cùng với các tài sản gia đình. Họ sẽ ổn định về mặt vật chất, tâm lý, tình cảm. Đây chính là ý nghĩa to lớn về mặt pháp lý mà pháp luật đã tạo ra cho người phụ nữ và cho sự bình đẳng giới.

Nỗ lực bảo đảm bình đẳng giới của Việt Nam đã được quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Chỉ số xếp hạng về bình đẳng giới của Việt Nam năm 2023 xếp thứ 72/146 quốc gia, tăng 11 bậc so với năm 2022.

Có thể thấy, quyền của người phụ nữ trong hệ thống pháp luật Việt Nam đều thể hiện rõ 2 yếu tố căn bản là “bình đẳng” và “ưu tiên”. Đây là quy định đúng đắn, giúp xoá bỏ sự bất bình đẳng giữa nam và nữ. Từ đó nâng cao vị trí và vai trò của người phụ nữ trong gia đình và đời sống xã hội. Đây là tiền đề cho sự phát triển hơn nữa quyền lợi của người phụ nữ và xây dựng một xã hội bình đẳng giới.

Đọc thêm